(Congannghean.vn)-Để hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương chi tiết Đề án "Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, có tính đến năm 2025”. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ vẫn còn những tồn tại nhất định. Thực tế cho thấy, bên cạnh những chợ nông thôn ở nhiều địa phương sau khi được đầu tư xây mới đã phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn không ít chợ chưa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Tình trạng chợ xây xong không sử dụng gây lãng phí nguồn lực (chợ Thạch Ngàn - Con Cuông) - Ảnh: Ngọc Thái |
Lãng phí trong đầu tư xây mới chợ
Trên địa bàn tỉnh hiện có 370 chợ đang hoạt động (khu vực thành thị: 48 chợ, khu vực nông thôn: 322 chợ). Trong đó phần lớn là chợ hạng 3 và chợ cóc, chợ tạm.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có đến 60% hàng hóa được lưu chuyển qua chợ nông thôn. Đây trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa, phân phối đến các chợ thành phố, thị xã trong tỉnh. Tuy nhiên, do chợ hình thành chủ yếu trước khi có quy hoạch nên phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, hiện nay, vẫn còn nhiều chợ tự phát hình thành nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư. Phần lớn các chợ nông thôn đều hình thành do thói quen, tập quán buôn bán nhỏ lẻ nên khi quy hoạch, nâng cấp, xây dựng chợ mới, người dân chưa thể từ bỏ thói quen buôn bán tạm bợ để vào kinh doanh có quy củ.
Theo Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020, phát triển mạng lưới chợ đạt tiêu chuẩn văn minh, hiện đại là mục tiêu của tỉnh đến năm 2020. Thực hiện chủ trương này, nhiều huyện, thành phố đã và đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp hệ thống chợ nông thôn, mở chợ mới. Nhiều chợ nông thôn mới được hình thành, từng bước góp phần hạn chế tình trạng phát sinh chợ cóc. Tuy nhiên, trong quy hoạch và xây dựng chợ theo chương trình nông thôn mới hiện vẫn còn bộc lộ một số bất cập, gây lãng phí. Điển hình như Trung tâm Thương mại (TTTM) chợ Rộ ở Thanh Chương.
Với mục đích biến nơi đây thành điểm kinh doanh buôn bán của cả huyện, TTTM chợ Rộ chính thức được phê duyệt vào tháng 12/2007, với tổng kinh phí lên đến 21,9 tỉ đồng. Toàn bộ dự án được quy hoạch trên diện tích hơn 30.000m2, nằm giữa 2 thôn Trung Đức, Thượng Đức, xã Võ Liệt, với 10 công trình chính được xây dựng gồm: Đình chợ lớn, đình chợ nhỏ, ki-ốt dịch vụ, nhà vệ sinh, khu giải khát, trạm điện, trạm nước, nhà bảo vệ, hệ thống sân nền, tường bao quanh TTTM. Tuy được đầu tư xây dựng khang trang nhưng TTTM này chủ yếu vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”.
Trong khi tại khu vực chợ Rộ cũ cách đó chưa đầy 1 km, dù chỉ rộng khoảng 3.000m2, song lúc nào cũng trong cảnh người mua, kẻ bán tấp nập. Theo tìm hiểu, sở dĩ có tình trạng trên là do điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh có hạn, không đủ sức chi trả khoản tiền để thuê một ki-ốt, đó là chưa kể tới những chi phí phát sinh khi vào kinh doanh ở TTTM. Không chỉ ở TTTM chợ Rộ, chợ Thạch Ngàn (Con Cuông) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Những bài học từ thực tế
Có thể nói, phong trào đầu tư phát triển chợ dàn trải, chưa phù hợp với thực tế đang khiến không ít địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tốn công và tốn của để xây dựng chợ, song khi xây xong hoạt động kém hiệu quả, thậm chí vừa xây xong đã bỏ hoang... diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân được lý giải một phần là do, khi xây dựng chợ, một số xã và chủ đầu tư đã không tổ chức “trưng cầu dân ý”, thu thập ý kiến các hộ kinh doanh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Đồng thời còn nhiều hạn chế trong việc căn cứ vào tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương để lập đề án quy hoạch, xây dựng chợ mới nhằm đạt hiệu quả tối đa.
Theo ông Trần Đức Chính, nguyên quyền Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương: Phát triển thương mại nông thôn, chú trọng là xây dựng chợ truyền thống, nhưng theo quy mô hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên thói quen mua sắm của người dân, nhưng phải có hạ tầng tốt. Các chợ nông thôn phải xây dựng theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương, tránh tình trạng xây xong không có người họp.
Thiết nghĩ, khi đầu tư xây chợ mới hoặc tiến hành nâng cấp, chính quyền địa phương cần đưa ra nhiều phương án để người dân chủ động lựa chọn cả về địa điểm lẫn mức đầu tư rồi mới chốt phương án triển khai. Có như vậy mới tránh được tình trạng lãng phí nguồn lực vì chợ mới xây xong đã không còn “giá trị sử dụng”.
.