50/63 tỉnh, thành phố không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước. Những người lao động này đều phải tự thân vận động, tự tìm việc làm hoặc tự tổ chức đầu tư, sản xuất kinh doanh, thậm chí là về nước thất nghiệp, không phát huy được kỹ năng, vốn, và trình độ ngoại ngữ sau thời gian làm việc ở nước ngoài. Đây là một thực tế được nêu ra tại hội thảo về chính sách tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động ở nước ngoài trở về vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, chất lượng lao động của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài đã được cải thiện rõ rệt. Bà Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, đây là một thực tế cần được tính toán đến khi mà các chính sách hỗ trợ lao động trở về còn thiếu cụ thể, chỉ quy định chung chung trong Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đối tác xã hội trong việc hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng và thị trường lao động còn thiếu và yếu. Đặc biệt là việc không có cơ sở dữ liệu nào của lao động về nước.
Đào tạo nghề một cách bài bản giúp người lao động có nhiều cơ hội trên thị trường XKLĐ. Ảnh minh họa. |
Liên quan đến vấn đề này, bà Mai Thúy Hằng, Trưởng phòng Tư vấn giải pháp nhân sự của Tập đoàn Manpower tại Việt Nam cho biết: “Trong quá trình tiếp xúc và khảo sát tại các doanh nghiệp (DN), chúng tôi nhận thấy một thực tế, nhiều DN gặp khó khăn trong việc tuyển lao động có những kỹ năng cần thiết cho họ, có tới hơn 70% khu vực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là ở khu vực sản xuất, chế tạo. Trong khi đó, có khoảng 49% lao động xuất khẩu của Việt Nam làm việc trong khu vực sản xuất chế tạo, được khẳng định về chất lượng tay nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật, ngoại ngữ khá tốt so với trước khi đi xuất khẩu”.
Một thực tế khá điển hình đang diễn ra ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), các DN ở khối sản xuất chế tạo đều gặp vấn đề trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng. Các DN này có nhu cầu liên kết với các trường nghề để giải quyết kỹ năng nghề, với các trung tâm giới thiệu việc làm để đào tạo và tuyển nguồn lao động. Đặc biệt có nhu cầu cao trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực làm tạm thời, ngắn hạn ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu thời vụ của DN khi phải sản xuất các đơn hàng tăng đột biến. Các lao động xuất khẩu trở về cũng có thể xem đây là cơ hội để tiếp cận việc làm, làm thử để xem mình có thích nghi được với môi trường lao động trong nước không, trước khi quyết định tìm một công việc tại một công ty dài hạn.
Nhiều lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn đã được tham gia khóa đào tạo để giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc với mức thu nhập ổn định. |
“Chúng tôi rất mong muốn Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương có thể tạo ra được cơ sở dữ liệu, tạo nguồn để các DN dịch vụ việc làm, DN trực tiếp sử dụng lao động có thể khai thác nguồn này, cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cho DN, vừa giải quyết việc làm có thu nhập ngay cho lao động trở về, tránh sự lãng phí”, bà Hằng chia sẻ.
Tận dụng trình độ tay nghề và các kỹ năng của lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về là một hướng đi đúng đắn, cần phải có những chính sách thật cụ thể để vừa không lãng phí tiềm năng, vừa là giải pháp lâu dài bền vững, gìn giữ thành quả của người lao động đi xuất khẩu trở về. Để làm được điều này, ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ lao động di cư, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương cần phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về lao động trở về, cập nhật thường xuyên để các DN, công ty, trung tâm dịch vụ việc làm có thể khai thác, kết nối thị trường lao động, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động