Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201406/them-mot-dia-phuong-ban-be-du-an-501677/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201406/them-mot-dia-phuong-ban-be-du-an-501677/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thêm một địa phương 'bán' bê dự án - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/06/2014, 15:05 [GMT+7]

Thêm một địa phương 'bán' bê dự án

(Congannghean.vn)-Chúng tôi nhận được phản ánh của bạn đọc tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, trong chương trình cấp bê Dự án 135, cán bộ thôn xóm đã được xã “bật đèn xanh” để thu tiền của các hộ dân được hưởng. Cán bộ xã phủ nhận thông tin trên trong khi người dân khẳng định, họ đã buộc phải chi tiền nếu muốn dắt bê về nhà…
 
Người dân được “mua” bê với giá rẻ
 
Chị Nguyễn Thị Vân, xóm Lương Điền, xã Thanh Khê cho biết, năm 2010, gia đình chị là hộ nghèo, được xóm bình xét nhận bê Dự án 135 của Chính phủ. Hoàn cảnh gia đình chị lúc đó phải sống trong một túp lều, chồng mất do tai nạn lao động, chị gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ. Vậy mà để được nhận bê, chị phải chạy đôn chạy đáo vay bằng được 400.000 đồng để lên xã nộp. Theo chị Vân, trong năm này, tại xóm Lương Điền có 6 hộ được nhận bê, tất cả đều phải nộp tiền mới được dắt bê về.
 
Cùng xóm Lương Điền còn có trường hợp của anh Phạm Đình Bài, vợ đau ốm lâu năm, sau đó chết vì bệnh ung thư. Gia tài khánh kiệt, năm 2012, anh được bình xét hộ nghèo nhận bê, chưa kịp vui thì nghe xã thông báo phải nộp số tiền 500.000 đồng mới được nhận bê. “Nói thật với chú, con bê giá trị chắc cũng khoảng 3 - 4 triệu đồng, da bọc xương, còi cọc. Nghe nói, bê chính phủ cấp không, nhưng không hiểu sao xã bắt phải nộp 500.000 đồng mới được dắt bê về. Hỏi vì sao phải nộp tiền thì cán bộ xã bảo tiền đối ứng gì gì không biết… Thôi thì tặc lưỡi cho qua, vay tiền lên gặp ông Thủy, Phó Chủ tịch nộp tiền sau đó dắt bê về” - anh Bài chua xót cho biết.
 
Có hộ dân còn cho rằng, được nhận bê, tất nhiên phải nộp tiền giống như một cuộc mua bán, trao đổi. Chỉ có điều, họ được mua với giá rẻ. Năm 2009, bà Nguyễn Thị Tám tại xóm Vĩnh Long cũng phải nộp 500.000 đồng cho xóm trưởng để được nhận bê. “Chú hỏi nộp tiền gì, tôi cũng chỉ biết đó là tiền cấp bê. Giá trị con bê cũng khoảng 4 - 5 triệu đồng mà chỉ phải nộp có 500.000 đồng thôi mà. Đợt đó, xóm có 9 hộ được nhận, hộ nào cũng nộp đủ” - bà Tám chia sẻ.

Để được nhận bê dự án, các hộ dân đã phải chi tiền cho xóm?

Cũng trong năm 2009, tại xóm Thanh Quả, các hộ dân nhận bê đều phải nộp tiền theo “chủ trương” của xóm. Số tiền ban đầu được xóm “phát lệnh” là 1,6 triệu đồng/hộ nhận bê. Tuy nhiên, sau khi các hộ phản đối quyết liệt, xóm trưởng đã xuống nước và 6 hộ nhận bê chỉ phải nộp 1,2 triệu đồng/hộ nhận bê. Các hộ này cũng chỉ nghe xóm bảo đây là tiền đối ứng, xóm hay xã chi tiêu vào việc gì thì cũng không ai hay biết.
 
Theo ông Trần Văn Công tại xóm Thanh Quả, năm 2012, gia đình ông cũng được nhận bê, xóm cũng “ra giá” 500 nghìn đồng/hộ nhận bê. Tuy nhiên, lần này người dân phản đối rất quyết liệt nên đến nay chưa hộ nào chịu nộp. Số tiền này, thi thoảng xóm lại đọc trên loa truyền thanh coi như một món nợ.
 
Dân tự nguyện đóng góp để đóng bàn ghế cho xóm?
 
Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết, xã đã được cấp 4 đợt với tổng số 99 con bê thuộc Dự án 135 của Chính phủ. Trong đó, năm 2011 là 24 con, năm 2010 là 34 con, năm 2009 là 21 con, năm 2008 là 20 con. Ông Tân khẳng định, xã không thu tiền của dân. Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng một vài ví dụ, ông Tân cho rằng, có thể là do xóm tự ý thu.
 
Ông Bùi Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cũng khẳng định, xã không thu tiền của người dân. Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng trường hợp đích thân ông Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp thu tiền của dân thì ông Biên lại cho rằng: "Hình như năm 2010, xã không có chủ trương thu nhưng các hộ dân tự nguyện đóng góp một ít để mua mấy chục bộ bàn ghế trang bị cho cả 10/10 xóm. Dân tự nguyện đóng góp thì cũng quay trở lại trang bị cho họ ngồi thôi chứ không đưa vào ngân sách xã…".
 
“Thực ra, chuyện người dân tự nguyện đóng góp tiền thì tôi khẳng định là không bao giờ có vì tất cả những hộ được nhận đều thuộc dạng bần cùng của xã rồi. Họ cũng rất mong nhận được bê về để cải thiện kinh tế gia đình nên nếu không chạy vạy để có tiền nhận bê thì bê sẽ về tay nhà khác. Thôi thì cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy… ”, ông Trần Văn Công, một hộ dân được nhận bê khẳng định.
 
Việc cán bộ xóm, xã tại Thanh Khê yêu cầu người dân phải nộp tiền mới cấp bê dự án là có cơ sở. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để trả lại niềm tin cho nhân dân, để Chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho người dân phát huy tính hiệu quả.
 
.

Vũ Nguyên