(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác bình đẳng giới. Qua đó, nhận thức của người dân đã từng bước được nâng lên, các đơn vị, doanh nghiệp tại Nghệ An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em gái được học tập, làm việc và vươn lên phát triển, khẳng định mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở đâu đó, tư tưởng “trọng nam” và sự phân biệt đối xử vẫn còn trong một bộ phận người dân. Điều này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể vì mục tiêu chung: Bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể gái trai.
Hãy biết yêu thương, sẻ chia để đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả thành viên trong gia đình - Ảnh minh họa |
Từ thực trạng trẻ em gái bị xâm hại...
Theo thống kế chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh xảy ra 77 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có thể thấy, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Trước đây, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp; nhưng hiện nay ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này trước hết là do chính các em còn thiếu các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, thường có sự tò mò, bắt chước, làm theo người lớn. Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền, truyền thông chưa đúng cách nên nhiều em không có kỹ năng để tự bảo vệ mình, dẫn đến bị lừa gạt và bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, một số bậc phụ huynh chưa làm tròn trách nhiệm của mình, buông lỏng trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái; thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu sự quan tâm, hướng dẫn và chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em.
Việc giáo dục giới tính cho trẻ trong các nhà trường cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu cơ thể con người và vệ sinh thân thể mà chưa chú trọng đến giáo dục cho các em những kiến thức sâu hơn về giới tính, tâm sinh lý theo từng lứa tuổi và các kỹ năng tự bảo vệ mình.
Từ thực trạng đáng báo động về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” tại 2 huyện Nghi Lộc và Nam Đàn. Hoạt động của các mô hình này là thường xuyên tuyên truyền trên đài truyền thanh truyền hình huyện; tổ chức hội nghị chuyên đề về phòng ngừa và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, kỹ năng tham vấn, tư vấn, kỹ năng làm việc với trẻ em và các gia đình; tập huấn về phòng ngừa, hậu quả và phương pháp xử lý trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, trợ giúp các em trong quá trình điều trị tâm lý và phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên, mới triển khai nên mô hình trên vẫn cần được đầu tư thêm nguồn lực cũng như sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, ngành trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng trẻ bị xâm hại.
Lễ ký kết hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới tại Nghĩa Đàn |
... Đến nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội.
Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Theo bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội.
Có thể thấy, công tác bình đẳng giới đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm của rất nhiều ban, ngành, đoàn thể, các dự án phi chính phủ. Và trên thực tế, đã có những mô hình thí điểm của các dự án đầu tư nước ngoài triển khai trên địa bàn đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới lại có sự “phân lẻ”. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phụ trách về công tác bình đẳng giới trong gia đình, trong khi đó, mở rộng ra hoạt động bình đẳng giới tại cộng đồng dân cư lại thuộc trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH.
Có thể thấy, xét theo một khía cạnh chung, các nội dung, chương trình triển khai kế hoạch bình đẳng giới không khác nhiều, đều nhằm thay đổi nhận thức của mỗi người dân, tổ chức về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Thiết nghĩ, việc “phân lẻ” như trên sẽ gây khó khăn trong quá trình thu hút, tập trung và triển khai các dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức, nhất là từ nước ngoài.
Việc lựa chọn chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm 2016 (từ ngày 15/11 - 15/12/2016) nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, sự nỗ lực của mỗi cộng đồng dân cư. Và chắc chắn sẽ còn lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được.