(Congannghean.vn)-Đã có lúc, cuộc đời như chìm trong bóng tối. Nhưng rồi, nhờ sự động viên của gia đình, sự cảm thông của xã hội, anh Lê Quang Hùng (SN 1966) trú tại xóm 3, xã Đại Thành, huyện Yên Thành đã vượt qua khó khăn, mặc cảm, trở thành người lương thiện. Dẫu con đường hoàn lương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh đã trở thành tấm gương sáng trong tái hòa nhập cộng đồng.
Đi tù khi vợ vừa sinh
Những ngày đầu tháng 7, khi cái nắng “cháy da cháy thịt” dịu hẳn bởi những cơn mưa, chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Hùng. Khi vừa vào tới sân, đã nghe tiếng cười nói ồn ào, náo nhiệt. Anh Hùng đang hướng dẫn cho mấy công nhân khuân vác xi măng lên xe ôtô để chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai. Vừa làm, anh luôn miệng nhắc nhở anh em “Cứ xếp cho bằng thùng xe là được, không cần thiết phải hết đâu, còn từng nào thì đưa vào nhà kho để, chứ tuyệt đối không được chở quá tải”.
Anh Lê Quang Hùng, người vượt qua lầm lỗi, vươn lên làm giàu |
Anh Hùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo khó, đông anh em, anh là người con thứ 3. Lên 8 tuổi, anh đã phải ra đồng đi cấy, bắt cua bán để phụ giúp gia đình. Mặc dù là học sinh khá giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để học lên nên anh chỉ học hết lớp 12 rồi ở nhà làm kinh tế. Anh đi theo bạn bè lên tận huyện miền núi Kỳ Sơn làm trại cá. Công việc nặng nhọc, vất vả, thế nhưng mỗi tháng, anh chỉ được trả 70.000 đồng. Sau 4 năm bươn chải kiếm sống mà chẳng tích góp được bao nhiêu, năm 1991, anh quyết định trở về quê. Những tháng ngày ở nhà, anh quen và yêu chị Nguyễn Thị Tuyết, người con gái ở xã bên. Sau thời gian tìm hiểu, đến cuối năm 1991, hai người quyết định nên duyên vợ chồng.
Công việc không ổn định, lại sa vào cờ bạc, không có tiền trong tay, khi nghe bạn bè cùng trang lứa rỉ tai nhau lên Kỳ Sơn lấy ma túy về xuôi bán được nhiều tiền, anh đã không ngần ngại đi theo. Vào giữa năm 1996, khi đang trên đường vận chuyển “hàng”, mong đi nhanh để về nhà bế đứa con trai vừa mới chào đời thì Hùng bị lực lượng Công an bắt giữ khi vừa về tới phà Đô Lương. Thời gian ngồi sau song sắt, Hùng vô cùng hối hận, tự hứa với bản thân cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra tù.
Làm lại cuộc đời
Nhờ cải tạo tốt, anh Hùng được giảm án và sau 8 năm chấp hành án, anh được trở về địa phương vào đầu năm 2004. Thời gian đó, vì quá khứ lầm lỗi nên để xin được một công việc là vô cùng khó khăn. Sau 2 tháng ròng rã đi tìm việc nhưng không thành, anh quyết định quay lại chính mảnh đất nơi anh đã “dính chàm” để làm lại cuộc đời. Lên Kỳ Sơn, anh theo một số người cùng xã đi phụ hồ, rồi lắp đặt điện, nước ở các công trình. Tuy công việc vất vả, cực nhọc, nhưng anh chưa bao giờ tỏ ra chán nản. Với sự cần cù, chịu khó, dần dần anh được chủ thầu tin tưởng, giao hẳn công việc cho anh quản lý.
Sau 2 năm làm công ăn lương, năm 2006, anh quyết định ra làm ăn riêng. “Những ngày đầu một mình chân ướt chân ráo nơi miền núi hẻo lánh Kỳ Sơn, đi tìm các công trình xây dựng để nhận thầu vô cùng vất vả, lại bị dèm pha vì quá khứ tù tội, nhưng không vì thế mà tôi nhụt chí. Tôi cố gắng thể hiện bản thân, và với năng lực của mình, nhiều người đã tin tưởng, giao công trình cho tôi làm”, anh Hùng cho biết.
Đến nay, các mối quan hệ làm ăn của anh Hùng ngày càng phát triển. Nhận thấy bản thân mình không thể cáng đáng hết toàn bộ công việc, anh đã về quê, thuê những người không có nghề nghiệp lên làm cùng. Đến cuối năm 2007, anh quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Lê Quang Hùng.
Đến nay, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, Công ty của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 công nhân là anh em, con cháu trong xã, trung bình mỗi tháng cho thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng. Với nghị lực vươn lên, làm lại cuộc đời sau lỗi lầm, anh Hùng luôn được bà con lối xóm yêu quý, trở thành tấm gương điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng.
.