(Congannghean.vn)-Nhiều ngày qua, Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của nắng nóng nhất khu vực miền Trung, nhiệt độ dao động từ 38 - 40oC, nhiệt độ ngoài trời đạt mức 45oC.
Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ quá cao đã khiến cuộc sống và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Anh Hoàng Văn Hải, làm nghề xe ôm ở phường Hưng Bình (TP Vinh) cho biết: “Nắng quá nên không ai muốn ra đường, không có khách đồng nghĩa với không có thu nhập. Ai cũng muốn ở trong nhà nhưng vì mưu sinh, tôi vẫn phải ra đường và lúc nào cũng mang theo 2 bình nước to, treo sẵn ở xe để uống. Đi ngoài trời, mồ hôi tứa ra như tắm nên nếu không uống nước thì chỉ một lúc, người sẽ lả ngay”. Còn tại các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, những ngày này, người dân phải tìm mọi cách để chống chọi với nắng nóng khốc liệt. Nhiều nơi cây trồng héo khô, các bể chứa nước công cộng được đầu tư xây dựng trở nên khô khốc.
Nắng nóng, trẻ em đi khám bệnh tăng đột biến |
Không khí khô nóng, nhiệt độ cao còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống của người nông dân. Đang là mùa thu hoạch lúa nên nhiều nơi, bà con nông dân phải ra đồng từ rất sớm, thậm chí còn đưa điện ra ngoài ruộng để gặt lúa vào ban đêm, tránh nóng vào ban ngày. Anh Nguyễn Văn Nam trú tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2 sào lạc, thời tiết nắng nóng nhưng đến kỳ thu hoạch nên vẫn phải ra đồng. Để tránh nóng, chúng tôi phải ra đồng từ 4 giờ, mang theo đèn pin để thắp sáng, nếu làm nhanh thì đến 8 giờ sẽ nghỉ”.
Còn tại các Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Quân y Quân khu 4, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa, Bệnh viện Tâm thần..., số ca nhập viện trong mấy ngày qua tăng đột biến. Sáng 30/5, tại Bệnh viện Sản - Nhi, ngay từ đầu giờ, ở khu vực sân, hành lang và phòng chờ khám bệnh đã chật kín trẻ nhỏ cùng người lớn tới khám chữa bệnh. Nhiều phụ huynh phải đưa con em ra khu vực hành lang, các gốc cây nơi có bóng mát để giải nhiệt.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Trong những ngày vừa qua, số lượng người nhập viện điều trị ở khoa tăng hơn 100%. Bệnh viện phải tăng thêm 23 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Các bệnh nhi điều trị ở khoa chủ yếu bị rối loạn tiêu hóa, viêm phổi. Theo thống kê của Bệnh viện, trong 3 ngày nắng nóng vừa qua, đã có hơn 1.000 bệnh nhi đến khám và điều trị do bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp…
Nắng nóng cũng khiến cuộc sống của sinh viên, công nhân thuê nhà trọ khốn khổ hơn. Nguyễn Thị Lan, sinh viên Trường ĐH Vinh cho biết, dù đang trong thời điểm ôn thi nhưng sau giờ lên lớp, em và các bạn thường lang thang ở các gốc cây hoặc siêu thị để tránh nóng, đêm về mới tập trung học tập. Vì phòng trọ nhỏ, lại lợp mái tôn nên dù đã phải “nghiến răng” bật quạt cả ngày (giá điện được chủ phòng trọ tăng gấp ba lần), phòng cũng nóng hầm hập như lò thiêu.
Đợt nắng nóng lần này đã khiến các con sông trên địa bàn tỉnh khô cạn, các nhà máy thủy điện phải giảm tải để đảm bảo lượng nước dẫn tới tình trạng điện năng thiếu trầm trọng. Hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện cắt điện luân phiên, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân và quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp… bị đảo lộn và trì trệ.
.