(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng nỗi đau, bất hạnh vẫn đang hiện hữu trong cơ thể của gần 40.000 nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở các địa phương trong tỉnh. Đa phần họ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều người sau khi cha mẹ qua đời đã không biết nương tựa vào đâu.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước “oằn mình” dưới gót giày xâm lược của giặc ngoại xâm, trong từng tấc đất nghe đau thương quặn thắt bởi đạn bom cày xới. Đặc biệt, cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất đã gây hậu quả thảm khốc trong lịch sử loài người.
Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng |
Chỉ trong vòng 10 năm, từ 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn bản, làng mạc của Việt Nam với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Những hóa chất này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu người và để lại những di chứng cho đến ngày nay.
Những người Việt Nam trực tiếp chịu tác động của hóa chất bị mắc bệnh ung thư gan, bệnh phổi và tim, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, các rối loạn về da và thần kinh. Nỗi đau da cam không dừng lại, nó còn di truyền qua nhiều thế hệ. Những con người ấy tuy sinh ra trong hòa bình nhưng vết thương của chiến tranh lại hằn sâu lên thân thể và tâm hồn để rồi khổ đau, bệnh tật và đói nghèo bao trùm cuộc đời họ. Thế hệ con cháu của những người bị nhiễm chất độc da cam đang phải sống khốn khổ từng ngày vì mất khả năng lao động cùng với các dị tật cơ thể kéo theo những hệ lụy thương tâm, nhất là nỗi mặc cảm, tự ti.
Suốt những năm tháng chiến tranh, ông Nguyễn Văn Ngọc trú tại xóm 2, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu từng nhiều lần vào sinh ra tử nhưng chưa một lần thấy sợ. Nhưng nay hoà bình, ông lại canh cánh nỗi lo, ai sẽ lo cho đứa con trai thơ dại bị nhiễm chất độc hóa học nằm một chỗ khi mình “gần đất xa trời”. Những năm tháng chiến tranh, ông Ngọc sống, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, đã hứng chịu không biết bao nhiêu hóa chất của Mỹ rải xuống. Năm 1986, ông lấy vợ rồi sinh ra đứa con trai đầu lòng Nguyễn Văn Hải nhưng lại bị dị tật bẩm sinh, chân tay co quắp, bại liệt nằm một chỗ.
Với khát khao cháy bỏng có được đứa con bình thường, ông bà quyết định sinh đứa thứ hai, nhưng vẫn bị dị dạng bẩm sinh không có tay chân và sau hơn 1 năm thì mất. Ông Ngọc bất lực nhìn đứa con của mình phải gánh chịu nỗi đau mà không có cách nào để chữa trị.
Ông Cao Sỹ Tuất ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu còn gánh chịu nỗi đau lớn hơn thế. Cả ba thế hệ trong gia đình ông đều mang di chứng chất độc da cam. Tháng 8/1968, ông Tuất gia nhập quân đội, thuộc đơn vị D1 E27-F320, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 - Trung đoàn Triệu Hải anh hùng, tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Ngày 1/8/1972, trong một trận chiến ác liệt, ông bị thương và được đưa về tuyến sau. Sau 3 tháng điều trị, ông trở lại đơn vị cơ động lên chiến trường Tây Nguyên. Tháng 11/1974, vết thương tái phát, ông được đơn vị cho phục viên về quê rồi sau đó lấy vợ.
Hai vợ chồng sinh được 3 người con thì cả 3 đều bị dị tật bẩm sinh. Năm 1995, ông Tuất bị tê dại nửa đầu, điếc một bên tai, liệt một bên tay rồi tay chân và các bộ phận trong cơ thể cứ teo tóp dần, không thể tự đi lại được. Không chống chọi được với bệnh tật, ông đã qua đời. Hai năm sau, 2 người con trai của ông cũng qua đời. Người con trai còn lại được một người con gái cùng làng cảm thông và đến với anh, nhưng khi sinh con, cả 3 đứa đều bị dị tật bẩm sinh. Nỗi đau đớn không thể diễn tả bằng lời bao trùm lên gia đình bất hạnh này.
Ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, có 16.570 người đang được hưởng trợ cấp chế độ hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Những nạn nhân chất độc màu da cam đều là những cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học.
Ngoài bản thân họ, con, cháu họ cũng bị ảnh hưởng bởi những bệnh di truyền, sinh ra dị dạng, dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ dẫn đến tình trạng ốm đau, bệnh tật kéo dài, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, có nhiều trường hợp ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 đã tác động rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đau xót hơn là đến nay, nhiều trẻ em thuộc thế hệ này vẫn chưa được hỗ trợ. Nhiều đối tượng sống cảnh côi cút, không có nơi nương tựa.
Chia sẻ với nỗi đau của người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, những năm qua, tỉnh đã áp dụng nhiều chế độ ưu đãi đối với các gia đình và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Năm 2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động được trên 25 tỉ đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nạn nhân. Bên cạnh đó, Hội còn vận động nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ, trao tặng quà, xe lăn; tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho con các nạn nhân chất độc da cam... Đặc biệt, Hội cũng đang đề nghị tỉnh thành lập “Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin” nhằm giúp được nhiều hơn các nạn nhân và gia đình của họ.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn đó. Những nạn nhân chất độc da cam trên cả nước vẫn đang ngày ngày phải chiến đấu với bệnh tật. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay chia sẻ bằng những việc làm thiết thực để góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh đó.
.