(Congannghean.vn)-Gia đình ông Trần Công Hợi, bà Nguyễn Thị Xuân, ở thôn Tân Trà, xã Bồng Khê (Con Cuông) có đơn gửi đến Báo Công an Nghệ An cùng chính quyền địa phương và các ban, ngành phản ánh về việc, sau khi gia đình ông bà được Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Con Cuông giao nhận khoán thì bị các hộ gia đình liền kề với gia đình ông ngang nhiên chặt phá cây cối, xây dựng bờ bao để lấn chiếm.
"Bỗng dưng" mất đất
Tìm hiểu của phóng viên, năm 1989, Xí nghiệp Chè Bãi Phủ (sau này là Nông trường quốc doanh Bãi Phủ) đã tiến hành cấp đất làm nhà trên đất nông trường tại thôn Tân Trà, xã Bồng Khê (Con Cuông) cho 4 gia đình, gồm các hộ: ông Trần Công Hợi, ông Bùi Nguyên Minh, bà Bùi Thị Lâm, bà Hồ Thị Tuyết.
Đến năm 1992, giữa Nông trường quốc doanh Bãi Phủ và gia đình ông Trần Đình Hồng đã thống nhất hợp đồng kinh tế giao khoán vườn chè kinh doanh, có thời hạn 25 năm (thời gian hoàn trả vốn là 5 năm) cho gia đình ông Trần Công Hợi. Năm 2003, Xí nghiệp Chè Bãi Phủ đã bàn giao đất của 4 hộ dân cho UBND xã Bồng Khê quản lý, trong đó gia đình ông Hợi có tổng diện tích là 9.228,6 m2.
Thực hiện Dự án xây dựng Trường Trung cấp Nghề dân tộc miền núi Nghệ An, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Con Cuông đã có quyết định thu hồi 8.926,1 m2, còn lại 302,5 m2. Số diện tích này sau đó được Xí nghiệp Chè Con Cuông đồng ý cho gia đình ông Hợi xin giao khoán theo chu kỳ cây trồng. Bên nhận khoán cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng quy định của pháp luật về đất đai và hợp đồng giao, nhận khoán.
Vào thời điểm này, thực hiện chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), UBND xã Bồng Khê đã tiến hành kê đo, trích lục đất thì các hộ ông Minh, bà Lâm, bà Tuyết phát hiện đất ở của gia đình mình thiếu so với số liệu bản đồ và cho rằng, gia đình ông Hợi lấn chiếm để xây tường rào nên đã thắc mắc, khiếu kiện. Ngày 16/5/2010, đại diện Chi ủy, Ban cán sự thôn đã tổ chức hòa giải tranh chấp đất giữa các hộ, tuy nhiên không thành công.
Vị trí diện tích đất tranh chấp giữa ông Hợi và các hộ liền kề |
Tiếp đến, ngày 17/6/2010, giữa đại diện UBND xã Bồng Khê, Xí nghiệp Chè Bãi Phủ, cán bộ thôn Tân Trà, cùng 4 hộ gia đình tiếp tục tiến hành hòa giải. Tại đây, ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Chè Bãi Phủ lúc bấy giờ đã giải thích: Khẳng định đất của Nông trường được thành lập từ năm 1961, việc 3 hộ dân khiếu nại về ranh giới là không hợp lý, vì các hộ đã ở ổn định từ trước tới nay không có tranh chấp, đất của các hộ là do Nông trường cấp, còn diện tích là không có cụ thể từng hộ.
Đỉnh điểm của sự việc là đến ngày 24/9/2014, 3 hộ ông Minh, bà Lâm, bà Tuyết đã tiến hành chặt phá cây cối của gia đình ông Hợi, tháo dỡ hàng rào cố định từ trước để xây bờ rào mới lấn sang phần đất, mục đích là để “đòi” lại số diện tích còn thiếu. Từ đây, mâu thuẫn lại ngày một tăng, đơn thư gửi đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Sớm giải quyết dứt điểm
Theo ông Trần Công Hợi, diện tích 302,5 m2 còn lại sau khi gia đình được Xí nghiệp Chè cho nhận khoán đã được chứng minh cụ thể cũng như các hồ sơ còn lưu giữ. Việc các hộ gia đình cho rằng đất của gia đình mình bị thiếu rồi “lấy cớ” lấn chiếm lên diện tích đất của ông là không có cơ sở.
Ngay tại thời điểm chủ trương thu hồi đất để xây dựng Trường Trung cấp Nghề dân tộc miền núi Nghệ An, dưới sự chứng kiến của đầy đủ các ban, ngành và UBND xã cho thấy, các văn bản liên quan đều thống nhất và khớp với diện tích của gia đình ông xin giao khoán là 302,5 m2.
Ông không lấn chiếm hay sử dụng sai mục đích mà số diện tích này vẫn đang sản xuất ổn định. Hơn nữa, thửa đất thừa mà sau khi Trường lấy vẫn còn, cho nên không thể nói là hộ ông Hợi lấn thêm. Trong khi đất vẫn thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Chè và được thống nhất trong hợp đồng cho ông Hợi nhận giao khoán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Đức Đạt, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: Khi các hộ gia đình ngang nhiên lấn chiếm xây bờ rào, bản thân ông cùng cán bộ xã có mặt ở đó nhưng không kịp thời ngăn cản, đình chỉ tổ thi công.
Còn liên quan tranh chấp 302,5 m2 đất giữa các hộ thì căn cứ vào bản đồ của Xí nghiệp Chè lập năm 1997 (đến năm 2003 bàn giao cho UBND xã) và biên bản xác định mốc giới năm 2010 giữa UBND xã và Xí nghiệp Chè thì: Khu vực đất (diện tích 302,5 m2) là do Xí nghiệp đã bàn giao cho xã quản lý. Sau khi xác minh lại mốc ranh giới và hiện trạng sử dụng đất của 3 hộ dân tại thôn Tân Trà cho UBND huyện Con Cuông. Vì vậy, số diện tích đất trên là do UBND xã quản lý.
“Việc để các hộ gia đình này dời hàng rào lấn sang đất Nông trường là do xã chỉ mới căn cứ vào tấm bản đồ chưa được phê duyệt và biên bản bàn giao giữa Xí nghiệp Chè Bãi Phủ với UBND xã Bồng Khê; xã chưa căn cứ vào các quy định về đất đai”, ông Đạt thừa nhận.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Con Cuông cho rằng: Việc các hộ dân tự ý lấn chiếm, xây hàng rào trên đất Nông trường là sai, bởi đất dư thừa sau khi đã thu hồi để xây dựng Trường Trung cấp Nghề dân tộc miền núi Nghệ An vẫn thuộc quyền sở hữu của Nông trường. Trước kia, việc đo đạc bản đồ còn có những bất cập, do đó sẽ phát sinh những sai lệch so với thực tế. Vì vậy, phải chấp nhận theo hiện trạng sử dụng chứ không có quy định nào về việc cấp bù diện tích bị thiếu, dù đất đó đã có sổ đỏ.
Rõ ràng, hợp đồng kinh tế giữa Xí nghiệp Chè Bãi Phủ với hộ ông Trần Công Hợi đến nay vẫn còn hiệu lực (thời hạn 25 năm, từ 1992 - 2017). Do đó, việc 3 hộ dân thôn Tân Trà cho rằng đất của gia đình mình thiếu để rồi tự ý lấn chiếm, xây dựng hàng rào trên đất của Xí nghiệp Chè Con Cuông là không có cơ sở và vi phạm pháp luật. Bởi thực tế, đất các hộ gia đình đã ở ổn định từ năm 1989, không có cơ sở để cho rằng bị thiếu hụt. Diện tích trên là thuộc quản lý của Xí nghiệp Chè.
Tuy nhiên còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương xã Bồng Khê đã không căn cứ theo luật định về đất đai để tuyên truyền cho người dân được rõ, mà còn để xảy ra việc tranh chấp, lấn chiếm rồi đơn thư khiếu kiện, ảnh hưởng đến tình hình chung tại địa phương.
Đề nghị chính quyền huyện Con Cuông, các ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm; đồng thời có biện pháp phối hợp với Nông trường để tiến hành đo đạc, cắm mốc trên thực địa ranh giới giữa các thửa đất, đảm bảo quyền lợi cho các bên, cũng như người dân.