*Bài 1: Nhận diện “cuộc chiến mềm”
Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn bồi đắp, làm nên sức mạnh nội sinh của dân tộc. Để làm mọt ruỗng, suy yếu sức mạnh nội sinh, các thế lực thù địch vừa âm thầm, vừa ráo riết thực hiện nhiều hoạt động “xâm lăng văn hóa” với những thủ đoạn xâm nhập, chuyển hóa vô cùng tinh vi, nham hiểm.
“Đế quốc thông tin” trong thế giới phẳng
Thực hiện phương châm “Đầu tư 1 USD cho mặt trận tư tưởng - văn hóa hiệu quả hơn đầu tư 10 USD cho mặt trận quân sự”, những năm qua, các cơ quan truyền thông phương Tây đã tiêu tốn hàng triệu USD vào việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nhân lực để hình thành “đế quốc thông tin” chĩa thẳng vào Việt Nam hòng làm chuyển biến hệ tư tưởng, thay đổi hệ giá trị văn hóa, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta, trong đó họ lấy thế hệ trẻ làm “trọng tâm”, coi trí thức và văn nghệ sĩ (nhất là những người có quan điểm phức tạp, cực đoan) làm “trọng điểm”, xác định một số cán bộ (cả hưu trí và đương chức) có quan điểm đa chiều làm “mũi nhọn”.
Nhiều thanh, thiếu niên ngày càng bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực và những sản phẩm văn hóa độc hại từ internet |
Theo cơ quan chức năng, đến nay đã có 62 đài phát thanh của nước ngoài có chương trình tiếng Việt, 390 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và 397 website, trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài thường xuyên cung cấp, đăng tải thông tin chống phá Việt Nam. Riêng năm 2013 đã có 475 trang mạng đăng tải hàng nghìn bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu chế độ, bôi đen hình ảnh đất nước; 250 website, blog, diễn đàn đăng tải các bài viết chống phá quyết liệt việc sửa đổi Hiến pháp 1992; 245 trang web, blog có nội dung phản động. Đấy là chưa kể gần 58.000 tài liệu thuộc diện “chiến tranh tâm lý” mà các lực lượng an ninh của ta đã phát hiện, thu thập được trong năm 2013 (tăng hơn 5.200 tài liệu so với năm 2012), trong đó có hơn 7.100 tài liệu phản động.
Đại diện Phòng An ninh thông tin (Cục A87, Bộ Công an) cho biết: Một trong những thủ đoạn tinh vi, thâm độc mà các thế lực thù địch tiến hành thời gian gần đây là triệt để lợi dụng internet, thư điện tử, tin nhắn SMS… để chuyển tải thông tin trái chiều vào một số cán bộ cao cấp nhằm gây nhiễu thông tin, gây mất đoàn kết nội bộ, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như lựa chọn, bầu cử nhân sự. Đáng nói hơn, đến nay đã phát hiện được gần 400 website, blog mạo danh các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và cán bộ cao cấp của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương. Trong số đó, đã phát hiện được hơn 130 bài viết, clip, video có nội dung xấu. Những hình ảnh, bài viết này nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để sẽ bị phát tán cực nhanh, gây ra mối hoài nghi lớn trong nhân dân, làm xã hội phân tâm tư tưởng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
“Internet hóa” hoạt động xuất bản
Có nhiều cách truyền bá thông tin độc hại, trong đó việc tổ chức xuất bản, phát tán các cuốn sách, tài liệu, tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung xấu trên mạng internet. Các thế lực thù địch coi là một cách thâm nhập “chi phí thấp” mà vẫn có thể đạt được “hiệu quả tối đa”.
Mấy năm gần đây, xu hướng “internet hóa” hoạt động xuất bản ngày càng gia tăng với quy mô không ngừng mở rộng. Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu như trước đây, các thế lực bên ngoài xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, đồi trụy, độc hại rồi thông qua con đường nhập lậu (đường biên, cửa khẩu, hải cảng, hàng không) để tuồn vào nước ta, thì gần đây, phương thức truyền thống này có chiều hướng giảm. Thay vào đó là phương thức “internet hóa” hoạt động xuất bản với tính chất tinh vi hơn, tác hại cũng ghê gớm hơn.
Hiện tại, trên mạng internet đã xuất hiện một số “nhà xuất bản ảo” chuyên đăng tải những ẩn phẩm có nội dung phức tạp, nhạy cảm, thực hư lẫn lộn nhằm “tung hỏa mù”, gây nhiễu thông tin dư luận. Chỉ cần thông qua những cái tên của các nhà xuất bản ảo như “Tùy tiện”, “Vỉa hè”, “Giấy vụn”, “Gió”, “Cửa”, “Phía chúng ta”… cũng thấy phần nào ý đồ của họ. Trước đây, nếu một cuốn sách xuất bản bằng giấy thì “tốc độ” đến tay người đọc chậm hơn. Nhưng hiện nay, nếu sách được tung lên mạng thì chỉ cần một “cú nhấp chuột”, có thể có sách trong tay. Nội dung sách càng nhạy cảm, phức tạp, càng gây tò mò cho độc giả, nhất là giới trẻ. Những ai không có bản lĩnh, nhận thức chính trị non kém, không đủ trình độ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, thật - giả, phải - trái… sẽ dễ bị “nhiễm độc” tư tưởng, trái tim. Sự nguy hại của thủ đoạn tăng tốc “internet hóa” hoạt động xuất bản chính là ở chỗ này.
Không dừng lại ở đó, các thế lực bên ngoài còn lợi dụng con đường hợp tác xuất bản như thông qua học tập, hội thảo, đầu tư, liên kết để móc nối, lôi kéo, mua chuộc, chuyển hóa một bộ phận cán bộ, biên tập viên (nhất là số người có tư tưởng cơ hội, thực dụng) nhằm “phi chính trị hóa” hoạt động xuất bản. Năm 2013, cơ quan an ninh của ta đã phát hiện một tổ chức hải ngoại tài trợ 12.000USD cho một biên tập viên dưới “danh nghĩa cộng tác viên” của một nhà xuất bản lớn ở nước ta nhằm mục đích viết bài, xuất bản ấn phẩm với dụng ý xấu. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí của người Việt lưu vong ở hải ngoại còn hỗ trợ kinh phí cho những kẻ cơ hội, bất mãn xuất bản những cuốn sách phản động. Ở trong nước, một số trí thức, văn nghệ sĩ có quan điểm phức tạp, cực đoan đã tập hợp tài liệu hoặc tự sáng tác, truyền bá những tác phẩm thiếu lành mạnh, thậm chí cấu kết với các đối tượng phản động bên ngoài để liên kết xuất bản những tác phẩm độc hại rồi phát tán trên mạng internet, trên blog, trang web cá nhân.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và dịch vụ internet, cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra vô cùng khốc liệt trên “thế giới phẳng”. Thông tin xấu độc trên mạng đang làm ô nhiễm môi trường văn hóa và xâm hại nghiêm trọng an ninh tư tưởng - văn hóa quốc gia.
.