(Congannghean.vn)-Mặc dù bãi xử lý rác thải được đầu tư xây dựng nhưng vì tiến độ chậm trễ nên hàng ngày, lượng rác thải tập kết, đổ về ngày một quá tải khiến cho người dân ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đang ngày đêm "sống chung" với nguồn rác thải ô nhiễm. Điều đáng nói, bãi rác này lại nằm sát khu nghĩa trang của thị trấn. Người sống khổ sở đã đành, còn những người đã khuất núi cũng chẳng được yên thân.
Nghĩa trang thành bãi rác
Từ trung tâm huyện Thanh Chương, qua gần 1 km theo con đường liên xã đã đưa chúng tôi đến khối 5, thị trấn Dùng - nơi có nghĩa trang của thị trấn. Đặt chân đến lối vào nghĩa trang, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng rất khó chịu: Ngay đường vào nghĩa trang, rác thải được tập kết dài theo lối từ 3 - 5 m, cơ man nào là rác sinh hoạt, từ phế thải, túi nilon đến xác chết gia súc, gia cầm, "bịt" cả lối đi. Với chiếc khẩu trang "tự vệ", đi bộ chừng 20 m, chúng tôi cũng tiến vào được trung tâm nghĩa trang. Mùi hôi thối, tanh tưởi của khối rác thải để lâu ngày bốc ra giữa tiết trời đầu hạ khiến tôi không còn "trụ" nổi, buộc phải chọn phương án rút lui.
Qua quan sát của chúng tôi, khu nghĩa trang thị trấn đã thành một bãi rác rộng lớn. Rác chồng lên rác, thậm chí, rác thải còn tràn lan nằm trên những ngôi mộ của người đã khuất. Chứng kiến tại đây, không biết rằng, vào những ngày giỗ chạp, thân nhân người đã khuất đến hương khói cho gia đình, tổ tiên biết phải xoay xở thế nào khi mùi rác bốc lên thật kinh khủng, khó chịu nổi.
Bãi rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm sát nghĩa trang |
Người dân sống cùng rác
Trên đường về, chúng tôi ghé vào nhà chị Trần Thị Hương (42 tuổi) - một trong 5 gia đình sinh sống sát khu bãi rác và nghĩa trang thị trấn thuộc khối 5. Từ cổng vào khu nghĩa trang đến nhà chị Hương cách chừng 20 m nhưng vào tận ngõ, mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác thải đã nồng nặc. Ruồi muỗi bay mù mịt khắp cả không gian gia đình chị.
Theo phản ánh của các hộ dân, nguồn rác thải nơi đây không chỉ từ thị trấn Dùng mà còn của các hộ dân vùng lân cận các xã Thanh Ngọc, Đồng Văn. Tận dụng là con đường liên xã đi qua nên hàng ngày, rác thải của các hộ gia đình được bỏ vào túi nilon, bao tải mấy ngày lại ném vào đây. Thường thì họ đổ vào ban đêm và cả sáng sớm đi làm nên các hộ dân xung quanh không thể phát hiện được. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, hay họp xóm, người dân cũng đã phản ánh lên chính quyền nhiều lần, nhưng đâu lại vào đấy. Rác vẫn cứ được đưa đến đổ hàng ngày. Vì quá bức xúc, đại diện các hộ dân đã gửi đơn "cầu cứu" khắp nơi. Ngày 8/10/2012, UBND tỉnh đã có đơn trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, do Phó Chánh Văn phòng Phan Đức Sơn ký. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Chương kiểm tra, xử lý và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/11/2012. Tuy nhiên, từ bấy đến nay người dân không thấy "động thái" gì từ phía chính quyền.
Chính quyền: Có giải pháp nhưng bất lực trong khâu khắc phục!
Lần theo những phản ánh và kiến nghị của người dân, trao đổi với chính quyền địa phương thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Doãn Quý - Chủ tịch UBND thị trấn thừa nhận: Những phản ánh về tình trạng ô nhiễm do rác thải ở khối 5, thị trấn ảnh hưởng đến nghĩa trang và người dân là có thật. Năm 2000, địa phương đã xây dựng bãi rác thải tại đây, đến năm 2003, khu đất gần bãi rác được quy hoạch thành nghĩa trang của thị trấn. Năm 2012, sau khi cấp trên có chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính và dân cư của các xã Thanh Ngọc, Đồng Văn sáp nhập về thị trấn Dùng nên lượng rác thải đổ về mỗi ngày một lớn, lan sang cả nghĩa trang và người dân xung quanh. Trước sự "quá tải" này, thị trấn đã được huyện Thanh Chương quy hoạch bãi rác (chủ yếu xử lý, chôn lấp) ở khu vực Núi Voi, xã Thanh Ngọc. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ hoàn thành còn chậm.
Để khắc phục tình trạng này, hàng tháng thị trấn đã giao cho bộ phận Thú y tiến hành phun thuốc diệt khuẩn, phòng tránh dịch bệnh từ nguồn rác; đồng thời đã hợp đồng với Công ty xử lý môi trường Vinh thu gom, cuốn ép rác để tập kết về bãi rác của tỉnh (xã Nghi Yên, Nghi Lộc), nhưng vì chi phí quá lớn (1 khối rác với 350.000 đồng) nên cũng mới chỉ tiến hành được 1 đợt với 700 m3 rác. Với lượng rác tập kết gần 16 m3 mỗi ngày, để thường xuyên có bãi rác “sạch" đảm bảo là rất khó. Chính quyền địa phương xem đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài thì gần như quá khả năng cho phép. Trước mắt, để hạn chế rác thải từ các hộ dân, địa phương dự kiến đầu tư, hỗ trợ xây lò đốt rác 2 ngăn (chi phí 1,1 triệu đồng/lò) cho mỗi hộ thuộc 5 khối mới sáp nhập, nhưng tiến độ đến đâu còn phải chờ - ông Quý cho biết thêm.
.