(Congannghean.vn)-Điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch và các giải pháp giảm nghèo, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn. Việc điều tra rà soát hiện nay được thực hiện theo Quyết định 09/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 21/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở các địa phương, việc xác định đối tượng nghèo trong xã hội đã và đang nảy sinh nhiều bất cập.
Đến thăm nhà chị Võ Thị Cửu ở xóm 17, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, chúng tôi không khỏi xót lòng với cảnh hai mẹ con đều mắc bệnh nan y nhưng hàng ngày vẫn phải ăn cháo loãng cầm hơi. Chị Cửu từ nhỏ đã sống chung với bệnh vẹo cột sống cộng thêm khắp người nổi vô số những mụn thịt nhỏ, càng lớn những mụn thịt ngày càng to và hiện tại chị đang bị ung thư vú.
Con trai chị là Hồ Sỹ Anh năm nay đã hơn 20 tuổi nhưng sức khỏe rất yếu, cũng mắc bệnh mụn thịt di truyền từ mẹ, có 1 mụn thịt đã phát triển thành u bướu choán nửa sau đầu. Nhà quá nghèo, Sỹ Anh sớm nghỉ học đi phụ rửa xe kiếm sống. Mấy thước ruộng chị Cửu cấy cày, tiền rửa xe ít ỏi của Sỹ Anh không đủ nuôi sống gia đình. Hỏi chuyện “hộ nghèo”, chị Cửu buồn bã cho hay: “Những năm trước thì hai mẹ con vẫn được hưởng chế độ nhưng năm nay thì không. Chẳng là, năm trước hai mẹ con có vay vốn 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách nhưng không có khả năng hoàn trả. Khi bình xét hộ nghèo, số tiền vay được tính là khoản trợ cấp an sinh xã hội cộng vào khoản thu nhập của gia đình”.
Chăm lo sản xuất luôn là cách thoát nghèo hiệu quả |
“Chỉ chăm chăm căn cứ vào tiêu chí thu nhập bình quân đầu người để xác định hộ nghèo thì chưa chính xác mà cần phải có cái nhìn toàn diện để xác định hộ nghèo, từ điều kiện sức khỏe, học tập, vệ sinh môi trường cho tới điều kiện sinh hoạt” - chị Nguyễn Thị Nhung, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh cho hay.
Các năm trước, có năm gia đình chị Nhung là hộ nghèo, có năm không. Mẹt cá, chõng chuối chị bán ở chợ là nguồn sống của một gia đình 6 người gồm 3 con đang tuổi ăn học, chồng mất, bố đẻ bị bệnh tâm thần. Khi chồng chị còn sống, có năm không được xét hộ nghèo, chị đã làm đơn khiếu nại nhưng không thành. Bây giờ chồng đã mất, gia đình chị lại được xác định là hộ nghèo. Theo chị Nhung: “Cách bình xét như hiện nay còn phụ thuộc vào ý chí, cảm tính của một số người”…
Người nghèo bức xúc đã đành, ngược lại những người làm công tác bình xét cũng mệt mỏi, trăn trở không kém. Ông Nguyễn Văn Thắng, nhân viên y tế xóm 4, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn - thành viên Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo ở xóm buồn bã cho hay: Mỗi lần vào đợt điều tra, rà soát là mỗi lần các thành viên ban chỉ đạo “đau đầu”. Nhà này được thì mừng, nhà kia không được thì “oán thù” những người bỏ phiếu, thậm chí làm đơn khiếu kiện vượt cấp. Việc rà soát hiện nay vô hình chung đang gây mất đoàn kết ở khối xóm.
Ở các thôn xóm, việc điều tra, rà soát lâu nay vẫn được người dân xem như là “bình xét”, bởi hộ gia đình nào “được” hộ nghèo thì đi kèm theo là hưởng thêm nhiều quyền lợi như con cái đi học miễn phí, cả nhà đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, gia đình được miễn các khoản đóng góp công ích và thêm vào đó được xã bảo lãnh cho vay vốn ưu đãi để làm ăn… Chính đều này vô hình chung đã gây không ít áp lực cho nhiều cán bộ khối xóm, phường, xã, thị trấn làm công tác điều tra, rà soát.
Điều tra, rà soát hộ nghèo là hoạt động để Đảng, Nhà nước và tỉnh nắm bắt được tình trạng hộ nghèo, từ đó có chính sách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ. Mặc dù không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo là chủ trương thống nhất chung, đã quán triệt đến tất cả các địa phương, nhưng qua tìm hiểu thì vẫn còn một số địa phương bị áp lực về chỉ tiêu giảm nghèo, do đó chất lượng hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc.
Một số hộ nghèo dù thu nhập có vượt cao hơn tiêu chí, nhưng nợ nần lại còn quá lớn và điều kiện sống còn khó khăn vẫn bị “bắt thoát nghèo”. Một số hộ khác thì luân phiên “hưởng hộ nghèo” hàng năm, thậm chí có nơi xuất hiện việc “chạy hộ nghèo”, hộ có kinh tế khá giả vẫn “được hộ nghèo” do có quan hệ thân hữu, dòng tộc với những người có trách nhiệm chỉ đạo việc điều tra, rà soát… Vì vậy, có nơi, có lúc kết quả giảm nghèo chưa phản ánh được thực trạng hộ nghèo trên địa bàn. Một số hộ thoát nghèo nhưng nền tảng thoát nghèo chưa thật sự vững chắc.
Tiêu chí xác định hộ nghèo đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm. Quy định cụ thể là vậy, song đi vào triển khai thì cũng rất khó để xác định hộ nghèo, bởi ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh. Kết quả đánh giá rà soát mang nặng cảm tính, vấn đề bình xét hộ nghèo chưa thực hiện đúng nguyên tắc và hoạt động giám sát nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức.
Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo là chủ trương thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Công tác xóa nghèo ở Nghệ An hiện nay đang dần đi vào thực chất, chú trọng đến chất lượng, bền vững, lâu dài. Trong ba năm 2011 - 2013, tỉnh Nghệ An đã huy động xã hội hóa được 217 tỉ đồng giúp đỡ người nghèo. Từ đó, hơn 3.000 hộ gia đình đã được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ giống cây, con để phát triển kinh tế, nhiều em học sinh nghèo đã được hỗ trợ chi phí học tập.
Từ những sự giúp đỡ tích cực và với tinh thần vươn lên, trong năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An có 26.000 hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Bệnh binh Ngô Xuân Thanh, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: Trước gia đình tôi là hộ nghèo, sau nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn, tập huấn kỹ thuật, cũng như sự cố gắng vươn lên nên kinh tế phát triển khá dần. Đến giữa năm 2012 thì gia đình chủ động xin rút ra khỏi diện nghèo, nhường lại sự hỗ trợ cho những gia đình còn khó khăn hơn. Bài học rút ra là, để thoát nghèo, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần không ngừng vượt khó vươn lên.