Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/huong-nguoi-dan-den-voi-dieu-hay-le-phai-458865/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/huong-nguoi-dan-den-voi-dieu-hay-le-phai-458865/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hướng người dân đến với điều hay, lẽ phải - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/03/2014, 13:55 [GMT+7]

Hướng người dân đến với điều hay, lẽ phải

(Congannghean.vn)-Trong cuộc sống luôn vận động và phát triển, những mâu thuẫn, bất hòa trong các mối quan hệ vẫn còn tồn tại, len lỏi xung quanh, có khi đẩy lên thành xung đột dẫn đến vi phạm pháp luật. Để dần giải quyết vấn đề mâu thuẫn tồn tại ở từng gia đình, ngõ xóm, thôn bản đến thành thị… hoạt động hòa giải cơ sở đã được duy trì và phát triển trong thời gian qua. Đặc biệt, vào ngày 1/1/2014, khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động này.
 
Trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua, số vụ vi phạm pháp luật còn khá cao, trung bình mỗi năm có trên 2 nghìn vụ phạm pháp hình sự. Cũng theo thống kê trong 11 năm qua (2000 - 2011), số vụ phạm pháp hình sự đã làm cho 3.405 người chết, 5.440 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trên 137 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố 19.835 vụ án hình sự với tổng số 32.815 bị can… Chính vì điều đó, công tác hòa giải được các cấp ban, ngành hết sức chú trọng.
 
Có thể nói, công tác hòa giải cơ sở được xem như giải pháp ngăn ngừa “điểm xuất phát” của những mâu thuẫn dẫn đến phạm pháp hình sự. Đặc biệt, từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1999 và Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác này được đẩy mạnh cũng như phổ biến rộng rãi. Đến năm 2011, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Chỉ thị số 03-BTP về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó đã giao nhiệm vụ cho UBND các cấp, các ngành triển khai, xây dựng thể chế, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm không chỉ cho các cấp, ban ngành mà toàn xã hội. Mới đây nhất, vào ngày 20/6/2013, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cũng như hoàn chỉnh hơn về nội dung hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở.
 
Tổ hòa giải cơ sở trong một lần đến vận động, phân tích cho hộ dân ở làng Trống, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) giải quyết mâu thuẫn gia đình
Tổ hòa giải cơ sở trong một lần đến vận động, phân tích cho hộ dân ở làng Trống, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) giải quyết mâu thuẫn gia đình
 
Hiện nay, theo thống kê của Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), trên địa bàn toàn tỉnh ta có 5.896 thôn, xóm, bản; 5.902 tổ hòa giải cơ sở với 36.525 hòa giải viên. Theo đó, hầu hết các tổ hòa giải cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như trao đổi kinh nghiệm hòa giải hàng năm. Mặt khác, việc đẩy mạnh hoạt động của tổ hòa giải cơ sở cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hàng năm, số hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh cũng không ngừng nâng cao về số lượng cũng như trình độ ĐH, CĐ… nên công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, số hòa giải viên có trình độ sau ĐH là 50 người, 319 hòa giải viên có trình độ ĐH, 1.428 hòa giải viên có trình độ CĐ, 1.059 hòa giải viên có trình độ trung học. Nhờ có đội ngũ hòa giải viên có trình độ chiếm số lượng lớn mà hiệu quả về số vụ được tổ chức hòa giải tại cơ sở đang ngày một tăng cao, tạo uy tín trong quần chúng nhân dân. Nhiều vụ việc đơn thư, tranh chấp kéo dài được các tổ hòa giải cơ sở vận động, phân tích thấu tình đạt lý nên đã không xảy ra mâu thuẫn phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các tổ hòa giải tiếp nhận 7.689 vụ việc thì đã tổ chức hòa giải thành công 5.827 vụ việc, chiếm trên 75,78%. Thành công của số vụ hòa giải càng cao thì tình hình ANTT lại càng được giữ vững ổn định, số vụ vi phạm pháp luật càng giảm rõ rệt.
 
Đơn cử như việc xây dựng mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em” với việc lồng ghép hoạt động của các tổ hòa giải ở làng Trống, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) từ năm 2009 đến nay, không những giảm nghèo mà còn đảm bảo được ANTT trên địa bàn. Từ khi có CLB nói trên và phát huy tốt vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở, tình trạng mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến bạo lực gia đình ở làng Trống đã không còn xảy ra. Có được điều đó, theo cấp ủy, chính quyền địa phương chia sẻ thì, công tác tuyên truyền, phối hợp với việc nâng cao ý thức đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư luôn được chú trọng. Hơn nữa, việc vận động người dân tham gia với vai trò là hòa giải viên cũng nêu cao được trách nhiệm “giúp bạn cũng như giúp mình”, từ đó cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong cuộc sống…
 
Việc phát huy hoạt động tổ hòa giải cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, tạo mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, để tổ hòa giải ở cơ sở thực sự phát huy sâu rộng thì các ban, ngành cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp nhằm duy trì lâu dài, bền vững hoạt động này.
.

Ngọc Thái