Nước là chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho một cơ thể sống bởi mọi quá trình chuyển hóa trong tế bào và mô chỉ xảy ra bình thường khi đủ nước. Việc uống nước không đúng cách sẽ kéo theo vô số những hệ lụy nguy hại cho sức khỏe.
Chờ khát mới uống
Cơ thể mất nước qua da một ngày trung bình 0,5 – 0,8 lít nước, khi trời nóng có thể tới 10 lít, qua phổi 0,5 lít, qua thận 1,2 – 1,5 lít và qua ống tiêu hóa 0,15 lít; khi bị tiêu chảy có thể tới mấy lít (Viện thông tin thư viện Y học Trung ương)
Nhiều người chỉ đến lúc khát mới uống nước. Đừng quên, uống nước không chỉ để thỏa mãn cơn khát mà nó còn góp phần vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Các trường hợp rối loạn chuyển hóa nước thường xảy ra ở một số bệnh như sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều, mất máu… hoặc lao động trong điều kiện quá nóng ra nhiều mồ hôi. Lúc này, việc bù nước và điện giải để duy trì thường xuyên, cân bằng nước và điện giải là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Nên hình thành thói quen uống nước hợp lý, bất kể khát hay không, bạn đều cần kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
Uống quá nhiều nước
Một người có thể nhịn ăn để sống 3 - 4 tuần nếu mỗi ngày tiêu thụ 300 – 400 ml nước nhưng sẽ chết trong vòng 4 – 5 ngày nếu không được uống nước.
Nhiều người quan niệm uống càng nhiều nước càng tốt. Nhưng điều này không đúng. Lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc vào các yếu tố: cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, thời tiết... Vậy nên, chỉ uống nước với lượng vừa đủ. Nếu uống quá nhiều có thể dẫn tới thừa nước, ứ nước khiến thận bị quá tải, làm giảm chức năng lọc thải chất độc của thận và kèm theo nhiều nguy hại như gây rối loạn các chất điện giải trong máu, ảnh hưởng đến các tế bào và hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Việc dư thừa nước cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn.
Uống nước đun lại nhiều lần
Nhiều người cho rằng, nước uống đun càng nhiều càng kỹ và sẽ diệt được hết tất cả các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Nhưng cách làm như vậy đe dọa không nhỏ đến sức khỏe của bạn.
Trong nước có chứa hàm lượng nhỏ nitrat và một số kim loại nặng như chì, cadimium… Nước được đun nóng trong thời gian dài làm nồng độ nitrat (NO3- ) và các kim loại nặng trong nước tăng lên do quá trình thuỷ phân không ngừng bốc hơi. Nước đun sôi có chứa nhiều nitrat. Muối nitrat khi vào cơ thể tham gia phản ứng khử ở dạ dày và đường ruột do tác dụng của các men tiêu hóa sinh ra Nitrit (NO2- ). Nitrit rất độc, với hàm lượng 0,01 mg/l đã có thể gây độc hại cho sức khỏe con người, gây bệnh xanh da, thiếu máu do nó phá hủy hồng cầu. NO2- trong cơ thể dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine – một hợp chất tiền ung thư. Hàm lượng nitrosamin cao khiến cơ thể không kịp đào thải, tích lũy lâu ngày trong gan gây ra hiện tượng nhiễm độc, ung thư gan.
Nước để lâu ngày vẫn uống
Bạn nên uống nước sôi để nguội tối đa trong một ngày. Với nước đun sôi để nguội được bảo quản tốt cũng chỉ nên uống hết trong hai ngày để tránh tình trạng vi khuẩn tái nhiễm. Vì nước sôi để nguội lâu ngày sẽ làm cho oxy trong nước mất đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật cô cơ lắng xuống rất bất lợi cho sức khỏe. Thời gian lưu giữ càng lâu càng là điều kiện tốt để vi khuẩn trong môi trường sống xâm nhập và phát triển trong nước. Trường hợp thường xuyên đổ nước đun sôi để nguội vào nước cũ càng làm vi khuẩn phát triển sinh ra nấm mốc, nếu uống vào dễ gây ung thư.
Uống ngay nước vừa đun sôi
Nước sinh hoạt chúng ta dùng hàng ngày thường được khử trùng bằng clo. Clo kết hợp với chất hữu cơ sẽ lưu lại trong nước, sinh ra các hợp chất gây ung thư.
Nên uống nước đun sôi để nguội. Việc đun một ấm nước để uống hay pha trà tưởng như đơn giản nhưng nếu không đúng cách sẽ là vấn đề nghiêm trọng gây hại cho sức khỏe. Sau khi lấy nước vào ấm nên để một lúc hãy đun, nước sắp sôi thì mở nắp ra, đợi nước sôi sau 3 phút mới tắt bếp. Làm theo quy trình này sẽ giúp giảm lượng clo trong nước đạt mức tiêu chuẩn an toàn.