Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/noi-tho-than-ho-menh-cua-ngu-dan-bam-bien-446835/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/noi-tho-than-ho-menh-cua-ngu-dan-bam-bien-446835/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi thờ 'thần hộ mệnh' của ngư dân bám biển - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 30/01/2014, 10:06 [GMT+7]

Nơi thờ 'thần hộ mệnh' của ngư dân bám biển

(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, đối với ngư dân vươn khơi bám biển, họ luôn cầu mong sóng yên, biển lặng để tôm cá đầy khoang. Rồi cũng chẳng biết tự bao giờ, mỗi khi ra khơi, vào lộng, người dân nơi đây đều thành kính lễ lạt, hương khói tại Đền thờ cá Ông (hay còn gọi là cá Voi) như muốn vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh bên mình mỗi khi bám biển. Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, Xuân về, bên mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên, ngư dân vùng biển ở xứ Nghệ luôn hướng về Đền thờ cá Ông cầu mong cho một năm mới thuận buồm, xuôi gió.

Linh thiêng nơi cửa biển

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, khi những âu thuyền, bến cảng, lạch luồng đã đầy ắp những con tàu về neo đậu để sum họp, người dân vùng biển lại rục rịch chuẩn bị cho một mùa lễ hội cầu ngư đầu năm mới. Đền thờ cá Ông lại nhộn nhịp người ra, kẻ vào hương khói, viếng thăm. Họ coi cá Ông như một vị thần của làng, luôn bên mình mỗi chuyến ra khơi và bảo vệ “hậu phương” nơi đất liền để an cư, lạc nghiệp.

Những ngư dân thường ngày tất tả trên bến, dưới thuyền thì ngày Xuân họ lại chỉnh tề, trang nghiêm để đón hương hồn cá Ông về bàn thờ gia tiên. Dọc dài bờ biển đi qua Nghệ An, hầu như nơi nào cũng để lại dấu tích của cá Ông nơi cửa biển, tạo nên một cõi linh thiêng về phong tục thờ cúng loài cá đặc biệt này.

Đã có lần được tham dự Lễ hội cầu ngư ngày đầu năm mới của bà con vùng biển Quỳnh Lưu, tôi được chứng kiến không gian văn hóa tâm linh của người dân vùng biển. Theo các cụ cao niên vùng biển, họ cũng không biết tục thờ, rước, lễ tế cá Ông có từ bao giờ. Họ chỉ biết, khi sinh ra đã gắn với sóng nước và trước khi ra khơi phải qua thắp hương cho Ông mới mong chuyến đi thắng lợi.

Không chỉ vậy, bất luận già, trẻ, gái, trai sinh ra ở vùng biển đều được nghe kể lại những câu chuyện ngư dân đi biển gặp nạn được cá Ông cứu giúp. Và, khi cá Ông chẳng may chết trôi dạt đâu đó, nếu người nào nhìn thấy xác đầu tiên thì người đó được xem là con cả, chủ tế trong việc chôn cất loài cá linh thiêng này.

Ở vùng biển dọc dài bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu như Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy… cho đến vùng biển các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò đều xuất hiện dấu tích của cá Ông trôi dạt về. Riêng tại xã Sơn Hải, ngay tại khu vực cửa biển thuộc xóm 1, từ lâu người dân đã lập đền thờ cá Ông. Hiện nay, mặc dù trải qua thời kỳ chiến tranh tàn phá, đền xưa không còn nhưng dấu tích về nơi thờ cá Ông vẫn còn với bao huyền tích.

Đền thờ cá Ông được phục dựng lại trên nền đền cũ

Trải qua năm tháng, người dân nơi đây đã tự trùng tu, xây dựng lại, tạo thành không gian văn hóa riêng của làng mình. Từ mấy chục năm nay, bà Thái Thị Yên (82 tuổi) sống ngay sát đền ngày xưa đã cùng con cháu góp công, góp sức khôi phục ngôi đền thờ cá Ông và đảm nhận việc trông coi phần mộ của ngài trong khuôn viên vườn nhà mình. Bà Yên kể, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngôi đền nằm ngay cửa biển Lạch Thơi nên bị bắn phá ác liệt. Khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hàng đêm như bị mộng báo, chồng bà đã huy động anh em, con cháu phải phục dựng lại ngôi đền.

Sau này, khi chồng bà Yên mất đi, cải táng đã đem về ngay chính cạnh ngôi mộ Ông đã được chôn cất từ trước đó. Bà Yên kể tiếp, sau ngày chồng mất, bà liên tục nằm mơ gặp chồng dặn phải đưa về nằm cạnh Ông để còn tiện cho việc phục vụ ngài. Từ đó, ngoài việc hương khói cho chồng, bà Yên là người đứng ra trông nom, thờ phụng Ông cho đến tận bây giờ. Cứ ngày rằm, lễ, Tết, ngôi đền do gia đình bà phục dựng lại tấp nập người dân ra vào để cầu khấn trước và sau mỗi chuyến tàu bám biển ngoài khơi xa.

“Thần hộ mệnh” của ngư dân bám biển

Chẳng biết tự bao giờ, cá Ông đã trở thành vị thần của ngư dân bám biển. Chỉ biết rằng, đối với họ, đây là loại cá rất đỗi linh thiêng nơi đại dương bao la, có thể chở che, báo hiệu điều may mắn khi loài động vật này xuất hiện bên mình. Trong câu chuyện của những ngày cuối năm, tôi đã được nghe kể rất nhiều về công trạng của cá Ông ngoài biển khơi trùng điệp. Có thể, khi mới nghe qua huyền tích về loài cá đặc biệt này, nhiều người không tin, nhưng chuyện cá Ông giúp tàu thuyền của họ thoát nạn nơi mênh mông sóng nước là có thật.

Lão ngư Đồng Văn Tiến năm nay đã ngoài thất thập cổ lai hy, từng là thuyền trưởng hàng chục năm liền ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) kể rằng, chính ông đã nhiều lần thấy cá Ông xuất hiện khi cùng các thuyền viên đánh bắt cá ngoài vịnh Bắc Bộ. Cũng nhiều lần, như một sự mách bảo tình cờ, ông Tiến cùng với gần chục ngư dân khác đã được cá Ông chỉ dẫn vào nơi luồng lạch có nhiều cá để đánh bắt.

Hay như cách đây hơn 20 năm, khi còn neo đậu ngoài biển khu vực Thanh Hóa, bỗng nhiên cá Ông xuất hiện vào buổi bình minh rồi quẫy đuôi xuống phía Nam. Lúc đó, ông và các thuyền viên khác thấy điều lạ nên đâm ra nghi ngờ. Y như rằng, chập chiều thì có luồng gió mùa đông Bắc thổi về khiến thuyền chao đảo. Lần ấy, may mắn là gió không lớn nên tàu thuyền của ông đã di chuyển về phía Nam ngay trong đêm an toàn, tránh được đợt sóng dữ.

Ngư dân xã Tiến Thủy,  huyện Quỳnh Lưu làm lễ tế,  chôn cất cá Ông bị trôi dạt vào bờ năm 2010
Ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm lễ tế, chôn cất cá Ông bị trôi dạt vào bờ năm 2010

Chính vì có duyên nợ với cá Ông mà khoảng trung tuần tháng 8 năm 1988, khi thuyền đang đánh bắt cách bờ biển Nghệ An khoảng 30 hải lý, ông Tiến phát hiện xác một con cá Ông đang trôi dạt trên biển. Như một điều linh thiêng, ông Tiến lập tức cho tàu quay lại, trực chỉ hướng đất liền để đưa xác Ông vào Lạch Thơi, rồi cùng bà con ở đây làm lễ chôn cất, thờ phụng. Ông Tiến kể, khi tiến hành chôn cất cá Ông, người dân ở đây đã chọn mình làm chủ tế, chít khăn tang, gom vải đỏ may lại thành áo quan rồi tổ chức kết thuyền đưa linh hồn Ông về với người dân.

Hay như ngư dân Trần Văn Hợi ở xã Sơn Hải năm nay gần 60 tuổi, cũng được cá Ông cứu vớt trong một tai nạn trên biển. “Ngày đó, sau một thời gian tham gia bộ đội, chống quân Pôn Pốt ở Campuchia, tôi xuất ngũ trở về quê hương bám biển. Sức trẻ, lại là bộ đội xuất ngũ nên tôi có thể cùng thanh niên trong làng bám biển hàng chục ngày trời, mặc cho sóng to, gió lớn. Vào một đêm Đông cuối năm 1990, khi đánh bắt cá ở khu vực biển Đà Nẵng thì tôi chẳng may bị sào lưới hất tung xuống biển. Lúc ấy, đang thoi thóp, tuyệt vọng trong ánh trăng mờ mờ ảo ảo thì cá Ông xuất hiện nâng đỡ tôi.

May mắn thoát chết lần đó, đến nay tôi vẫn chưa nguôi hình ảnh cá Ông đã cứu mình thoát khỏi thần chết nơi biển cả” - Ông Hợi nhớ lại. Kể từ đó, cứ mỗi lần ra khơi, ông Hợi cùng với các bạn thuyền của mình lại ra Đền cá Ông ở cửa biển quê mình thắp hương, thành kính như cầu mong một phép nhiệm màu cho chuyến đi bình an.

Và còn rất nhiều câu chuyện về cá Ông - “Thần hộ mệnh” của ngư dân nơi biển cả ở dọc dài bờ biển nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng. Từ xa xưa đã có phong tục thờ cúng cá Ông và xây đền để tôn kính công trạng cứu giúp ngư dân khi đi biển của cá Ông ở khắp các địa phương.

Và, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Lễ hội cầu ngư, tục rước cá Ông cùng với nhiều trò chơi dân gian liên quan đến ước nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa để tôm cá đầy khoang trong một năm mới lại rôm rả ở những vùng quê bám biển. Chính vì có niềm tin vào “thần hộ mệnh” của mình, nên mỗi tay chèo, tay lưới của ngư dân hàng ngày trên vùng lãnh hải nước ta lại góp phần bám giữ biển đảo Tổ quốc.

.

Ngọc Thái