Mấy ngày nay, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng trẻ có triệu chứng sốt phát ban vào khám sàng lọc bệnh sởi tăng đột biến. Các bác sĩ cho rằng, người dân không nên quá lo lắng trước diễn biến của dịch sởi mà khi thấy con có triệu chứng sốt, phát ban thì cần theo dõi sát, căn cứ vào các triệu chứng cụ thể để quyết định đưa trẻ đến viện.
Nhiều phụ huynh hoang mang
Ảnh minh họa |
Nói về sự bùng phát dịch sởi tại Hà Nội từ đầu năm 2014 đến nay sau hơn 3 năm vắng bóng, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sự trở lại của dịch sởi không có gì quá bất thường. Qua đánh giá, cứ theo chu kỳ 3-5 năm, dịch sởi lại bùng phát mạnh. Chẳng hạn như năm 2006, cả nước xảy ra dịch sởi với 3.000 trẻ mắc, sau đó giảm mạnh trong năm 2007 và 2008. Đến năm 2009-2010, dịch sởi bùng phát mạnh trở lại với 7.500 ca bệnh được ghi nhận trên cả nước, đây cũng là năm có số mắc sởi lớn nhất trong 10 năm qua. Sau các năm 2011, 2012 yên ắng thì từ cuối năm 2013 đến nay, dịch sởi tái xuất và có thể tiếp tục gia tăng mạnh trong những ngày tới.
Lo ngại trước diễn biến của dịch sởi, trong vài ngày qua, lượng trẻ được đưa đến khám sàng lọc sởi tại các bệnh viện do có các triệu chứng sốt, phát ban có dấu hiệu tăng mạnh. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, có ngày khoa tiếp nhận tới 15-20 trẻ bị sởi, phát ban dạng sởi đến khám. Thực tế trong số này rất nhiều bệnh nhi chỉ bị sốt virus hoặc sốt phát ban thông thường nhưng vì bố mẹ quá lo lắng, sợ con bị sởi nên vội vàng đưa trẻ vào khám để… yên tâm. Tương tự, khoảng 1 tuần nay tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận 15-20 trẻ nghi sởi vào điều trị. Còn theo thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, từ 1-1 đến 6-2 Hà Nội đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế vừa có công điện đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch sởi để phản ánh đúng diễn biến dịch, tránh gây hoang mang dư luận, đồng thời xác định nhóm đối tượng nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng. Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí chiều 10-2, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, qua giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp sốt phát ban nghi sởi hiện vào khoảng 70%.
Theo dõi sát dấu hiệu của bệnh
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông xuân. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi, họng bệnh nhân. Đáng chú ý, do thời gian ủ bệnh kéo dài, trung bình tới 10 ngày nên sởi có thể lây bệnh ngay từ khi bệnh còn chưa khởi phát, nghĩa là trong khoảng thời gian ủ bệnh, virus sởi từ người mang mầm bệnh đã có thể lây cho người khác. Khi mắc bệnh, sởi có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên dễ gây ra biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, mù lòa, viêm não hoặc tử vong. Vì thế, đến nay sởi vẫn được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Bệnh sởi bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ C mệt mỏi kèm chảy nước mũi, ho, nổi phát ban. Khá nhiều bệnh lý khác cũng xuất hiện các triệu chứng như vậy. Tuy nhiên, có thể nhận biết sớm và phân biệt sởi với bệnh lý khác bằng cách dựa vào các triệu chứng cụ thể. Thông cáo của Cục Y tế dự phòng ngày 10-2 nhấn mạnh, bệnh sởi thường khởi phát bằng triệu chứng sốt cao kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai); viêm kết mạc (đau mắt đỏ, mắt lèm nhèm); sưng đau khớp. Theo các bác sĩ, dấu hiệu nữa để phân biệt sởi với các bệnh lý sốt phát ban khác là với bệnh sởi, các ban đỏ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay và rộng ra toàn thân. Vì thế, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần nghĩ ngay đến bệnh sởi và phải đến cơ sở y tế khám.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều... thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng sởi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.