1. Người mẹ đầu tiên mà chúng tôi gặp là mẹ Lưu Thị Linh (hay còn gọi là mẹ Mỹ) ở xóm 10, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Năm nay, mẹ Linh đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Khi chúng tôi nhắc đến liệt sỹ Hồ Văn Nuôi, từ khóe mắt nhăn nheo của mẹ ngân ngấn những giọt nước mắt. Mẹ Linh có 7 người con, cuộc sống khó khăn, gia đình lại đông con nên anh Nuôi rất siêng năng, chịu khó.
Mọi công việc lớn bé trong nhà, anh Nuôi đều đứng ra đảm đương. Năm 17 tuổi, vừa học xong THCS, anh Nuôi xung phong đi bộ đội. Lúc này, anh chưa đủ tuổi nên bố mẹ và gia đình ra sức ngăn cản. Mẹ Linh còn lên cả Ủy ban nhân dân xã kiên quyết không cho anh nhập ngũ, chính quyền, UBND xã cũng không cho anh Nuôi nhập ngũ vì anh chưa đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng, anh vẫn trốn nhà đăng ký thi tuyển. Vốn có sức khỏe tốt, lại thừa chiều cao nên anh Nuôi lọt vào danh sách trúng tuyển.
20 năm trôi qua, mẹ Linh vẫn đau đáu nhớ con
Ngày 12/8/1985, anh Hồ Văn Nuôi lên đường nhập ngũ. “Cả nhà tui không ai cho nó đi, thế mà nó vẫn cứ xung phong đi, hôm nó lên đường nhập ngũ, nó còn kéo tui ra tận đường lớn rồi nói, mẹ hãy yên tâm để con đi, 3 năm trôi nhanh như một giấc mơ thôi mà, hoàn thành xong nhiệm vụ con sẽ về với mẹ”, mẹ Linh bùi ngùi nhớ lại.
Đơn vị của anh đóng quân ở tỉnh Quảng Ninh. 2 năm sau, anh Nuôi được về phép và đó cũng là lần cuối cùng anh được gặp gia đình. Lá thư cuối cùng gửi về cho gia đình anh viết trước khi ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ và chỉ còn 3 tháng nữa là anh Nuôi ra quân. Trong thư anh nói, mình vẫn khỏe và thông báo phải ra đảo Gạc Ma, Trường Sa làm nhiệm vụ. Anh còn cho biết, do huấn luyện tốt nên anh được cử đi học trường sỹ quan ở Nha Trang, nếu chuyến đi Trường Sa này suôn sẻ thì khi về anh sẽ đi học.
Hài cốt liệt sỹ Hồ Văn Nuôi đã được an nghỉ nơi quê nhà
Ngờ đâu, sau chuyến đi định mệnh ấy, anh đã mãi mãi không trở về. Tin liệt sỹ Hồ Văn Nuôi cùng 63 đồng đội khác hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988 được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe tin con hy sinh, mẹ Linh đau đớn tưởng chừng như không sống nổi. Bố của anh thì không tin rằng đó là sự thật, ông như phát điên, đập phá mọi đồ đạc xung quanh. Ông khóc cạn nước mắt rồi lâm bệnh và mất sau đó vài tháng.
Ngày 20/11/2009, gia đình liệt sỹ Nuôi nhận được tin tìm được hài cốt của anh. Trong số 64 người hy sinh nằm lại nơi đáy biển có 4 liệt sỹ may mắn tìm được hài cốt. Hiện nay, liệt sỹ Hồ Văn Nuôi đang yên nghỉ tại quê nhà ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Nghi Tiến.
Mẹ Linh hiện đang sống một mình trong căn nhà tình nghĩa mà Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân xây tặng. Chia tay chúng tôi, đôi mắt của mẹ vẫn còn đỏ hoe, sâu thẳm trong đôi mắt ấy là tận cùng của nỗi đau, thế nhưng sao tôi vẫn thấy ánh lên một niềm tự hào!
2. Rời nhà mẹ Linh, chúng tôi men theo con đường chạy vòng quanh khu du lịch Bãi Lữ đến nhà của liệt sỹ Đậu Xuân Tư ở xóm Đình Sơn, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Hoàn cảnh của mẹ Nhơn khiến chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Mẹ Nhơn sinh được 5 người con thì 1 người hy sinh và 3 người mất sớm.
Sau ngày liệt sỹ Tư mất, bố mẹ không có nổi một đêm ngon giấc
Từ ngày anh Tư hy sinh, mẹ Nhơn khóc nhiều đến nỗi mù cả hai mắt. Học xong lớp 4, anh Đậu Xuân Tư lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1985. Anh Tư cùng đơn vị với liệt sỹ Hồ Văn Nuôi. “Từ ngày thằng Tư mất, không đêm nào tui ngủ được. Cứ nhắm mắt là lại thấy nó đang đi mò cua. Nó là con thứ 3, tui sinh được 5 đứa con thì con trai đầu chết vì tai nạn giao thông, hai đứa bị bệnh suy thận qua đời sớm. Hồi ở nhà, ngày nào nó cũng đi bắt rạm cho cả nhà. Nhà đã nghèo, làm được đồng nào lại lo chữa bệnh cho con nên miếng ăn của cả nhà chỉ trông vào mấy con rạm, mớ rau của thằng Tư”, mẹ Nhơn nói lẫn trong nước mắt.
Trong ký ức của mẹ Nhơn, anh Tư là người chịu thương, chịu khó, chăm chỉ, hay giúp đỡ mọi người nên được bà con làng xóm yêu mến. Anh Tư ít nói, sống nội tâm. Mẹ trách móc: “Nó tệ lắm. Từ ngày nó nhập ngũ, nhà tui cũng bặt tin nó luôn, nó không viết lá thư nào về cho gia đình cả, hôm nó từ đơn vị vào Khánh Hòa để nhận nhiệm vụ ngoài đảo, đi qua nhà mà nó cũng không vào thăm nhà, chỉ viết vài ba chữ rồi để lại bên đường. May mà người dân họ thấy nên chuyển vào cho nhà tui”.
Lá thư đầu tiên cũng là lá thư cuối cùng anh viết cho gia đình chỉ kịp nhắn cha mẹ giữ gìn sức khỏe. Anh không hề biết, mẹ đếm từng ngày để mong anh về chỉ để ôm anh vào lòng mà trách, mà đánh cho thỏa nỗi nhớ. Nhìn những đứa con lần lượt ra đi, lòng mẹ đau như cắt, thương con mẹ khóc cạn nước mắt, mỗi một người con mất đi mắt mẹ lại mờ dần và sau lần anh Tư hy sinh, mắt mẹ chẳng còn nhìn thấy gì nữa.
Mẹ già yếu, mù lòa, người cha năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn đi cày thuê cho mấy nhà ở trong xóm để kiếm tiền. Anh con trai út sống cạnh bố mẹ nhưng gia đình cũng rất khó khăn, làm không đủ ăn nên chẳng giúp đỡ được gì nhiều cho bố mẹ.
Hiện nay, hai ông bà sống rau cháo qua ngày bằng tiền tuất của liệt sỹ Đậu Xuân Tư và tiền trợ cấp hàng tháng cho người già trên 80 tuổi. Căn nhà tình nghĩa mà ông bà đang ở được tặng nhưng do gia đình chịu một nửa.
Đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14/3/1988, trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, tàu HQ-605 và HQ-505 của Việt Nam đổ bộ lên đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc. Phía tàu Trung Quốc bắn pháo dữ dội vào hai tàu của Việt Nam. Mặc dù lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh, để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Trong trận chiến này, có 3 chiến sỹ hy sinh, 70 chiến sỹ mất tích. Sau này, Trung Quốc trao trả cho ta 9 chiến sỹ bị bắt làm tù binh. Như vậy, có tất cả 64 người con đất Việt đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển. |
Đến nay, gia đình vẫn còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng và không biết đến bao giờ số nợ ấy mới được xóa, trong khi hai ông bà tuổi gần đất xa trời vẫn đang phải chạy ăn từng bữa.
3. Trong số 64 liệt sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma, có 8 liệt sỹ ở Nghệ An và 3 liệt sỹ ở Hà Tĩnh. Qua tìm hiểu, hầu hết những gia đình của các liệt sỹ đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có những mẹ liệt sỹ sống neo đơn không có ai nương tựa như mẹ Lê Thị Nguyên (80 tuổi) ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu - mẹ của liệt sỹ Trần Văn Minh…, có những người vợ một mình nuôi con khôn lớn như chị Trần Ninh - vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn…
Sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ để bảo vệ đảo Gạc Ma là một mất mát lớn lao không thể bù đắp của các mẹ và các thân nhân liệt sỹ. Chia sẻ với những mất mát đó, hàng năm, Bộ Tư lệnh Hải quân, nhiều tổ chức, cá nhân đã thường xuyên thăm hỏi tặng quà, động viên các gia đình liệt sỹ.
Hôm nay, trong những ngày tháng 7, xin được thắp nén hương thơm để tưởng nhớ công ơn của các anh, những người con trung hiếu đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền Việt Nam.
Huyền Thương
.