Chuyện tình của người con gái TNXP với chàng trai bộ binh cứ như là một sự sắp đặt tình cờ mà ông trời ưu ái dành cho họ.
Giữa cái nắng gay gắt ở thành phố Vinh, chúng tôi gặp anh Lê Hải Diên, chị Trần Thị Thông khi hai người mới đi làm đồng về. Tại căn nhà nhỏ ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh (TP Vinh), không khí ngột ngạt phút chốc tan biến, nhường chỗ cho không khí vui tươi, rôm rả khi chúng tôi được nghe câu chuyện tình của anh chị.
Với cái giọng mộc mạc, chân chất quê lúa Yên Thành, chị Thông bùi ngùi kể: Chị sinh ra và lớn lên ở Thọ Thành, Yên Thành. Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Vốn nhiều tuổi lại kết nạp đảng viên sớm hơn các đồng đội nên chị được cấp trên phân công làm tiểu đội trưởng. Ngày ấy, tiểu đội của chị có nhiệm vụ túc trực trên tuyến Quốc lộ 15A để thông đường cho những chuyến xe vào Nam.
Trong khi đó, năm 1963, anh Diên nhập ngũ, được bố trí làm lính bộ binh thuộc Sư đoàn 308 đóng ở Sơn Tây. Anh nhớ lại: Không nhớ rõ vào tháng mấy, nhưng đêm ấy rất lạnh. Đó là vào mùa Đông năm 1968, xe của đơn vị anh trên đường hành quân vào Nam chiến đấu gặp các cô gái TNXP đang tất bật với công việc sửa đường cho xe thông suốt.
Dưới ánh sáng lờ mờ của ánh đèn xe, là những chàng trai tuổi đời còn trẻ, các anh cất lên điệu hò câu ví lém lỉnh vui tươi: “Đến đây ai vợ ai chồng/ Ai đi đánh Mỹ, ai bồng con thơ?”. Các cô gái TNXP cũng không chịu thua, hò đối lại: “Đến đây em vợ anh chồng/ Anh đi đánh Mỹ em bồng con thơ”. Câu hò mộc mạc thân quen đậm chất xứ Nghệ: “Tình cờ gặp gỡ nhau đây/ Có cho chung mẹ, chung thầy không em?”. Một chút e lẹ, kín đáo nhưng không giấu nổi sự khát khao yêu thương, khát khao một mái ấm hạnh phúc gia đình của những cô gái TNXP: “Được như lời nói em mừng/ Được như lời nói anh đừng yêu ai”.
Chiến trường ác liệt nhưng không ngăn nổi những câu hát đi tìm tình yêu của các anh bộ đội với các chị TNXP. Cái đêm ấy, dẫu không nhìn rõ mặt nhau, chỉ nghe thấy tiếng anh Diên: “Các o ơi! ở đây có ai là người Nghệ An không? Có ai người Yên Thành không? Có ai người Hưng Nguyên không?” nhưng lại làm cho chị Thông nhớ mãi.
Vợ chồng anh Lê Hải Diên, chị Trần Thị Thông
Đó mãi là một kỷ niệm đẹp để rồi sau này anh chị gặp nhau nên duyên chồng vợ. Thực chất, ngày ấy anh hỏi vậy để gửi một bức thư chưa kịp gửi về cho gia đình, trong đó có tấm ảnh của mình. Trao thư xong, anh tiếp tục hành quân. Người ở lại, vốn tò mò nên lấy bức ảnh ra xem rồi bùi ngùi thầm thương trộm nhớ. Thế nhưng, tình cảm ấy cứ mãi chôn chặt trong lòng, sống để bụng, chết mang theo.
Rồi vào buổi sáng định mệnh ngày 31/10/1968, khói lửa chiến tranh đã quật ngã 12 cô gái và 2 chàng trai TNXP Truông Bồn xuống lòng đất. May mắn thay, chị Thông sống sót nhưng vẫn bị thương nặng. Năm 1969, chị được đơn vị cho về Vinh học nghề may. Tình cờ chị lại ở trọ trong nhà anh Diên mà không hề hay biết.
Bức ảnh treo trên tường làm chị chợt thấy quen quen nhưng vẫn không hề nhận ra. Ông bà Đèo (bố mẹ anh Diên) có mấy người con đi bộ đội, nhà lại chỉ có ông bà nên rất thương chị, xem chị như con gái. Một ngày kia, khi ông Đèo bị ốm nặng, gia đình có báo tin cho anh Lê Hải Diên.
Trong lần về phép ấy, hai người đã gặp lại nhau, “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Cả hai trút hết những nỗi niềm sau những gì đã trải qua. Tình yêu của anh chị không chỉ được thử thách trong chiến tranh, mà chính anh còn thử thách lòng chung thuỷ của chị.
Nói đến đây, anh cười chia sẻ: Lần ấy, để thử lòng chị có một mực theo anh không, anh đến cơ quan xin cho chị nghỉ việc để về lập gia đình. Ngỡ rằng sẽ có phản ứng ngược lại, không ngờ chị vẫn theo anh về mà lại thu xếp ổn thỏa công việc. Sau cuộc gặp gỡ ấy, anh Diên xem chị như một người vợ trong gia đình, yên tâm gửi mẹ, cha cho chị Thông ở nhà chăm sóc.
Anh lại tiếp tục vào Quảng Trị để chiến đấu. Suốt 1 năm yêu nhau, những cánh thư anh gửi về dành trọn yêu thương dành cho chị. Năm 1970, anh chị tổ chức đám cưới. Hạnh phúc ngắn ngủi trong 3 ngày thì anh lại khoác ba lô vào chiến trường. Ở chiến trường, nghe tin vợ sinh con trai, anh vui mừng khôn xiết.
Sơn, cái tên anh chị đặt như nhắc tới kỷ niệm một thời ở Trường Sơn, cái khoảnh khắc tình cờ trao nhau điệu hò để rồi có ngày hôm nay. Năm 1972, anh phục viên về quê. Từ đây, cặp vợ chồng thương binh mới được đoàn tụ bên nhau.
Đứa con trai thứ hai anh đặt tên là Thuỷ như chính mối tình chung thuỷ của chị dành cho anh, rồi anh con trai thứ 3, thứ 4 ra đời với cái tên Hữu, Tình. Gia đình anh chị đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm trong chiến trường anh Diên, chị Thông lại nhìn nhau, cười trìu mến tràn đầy hạnh phúc. Vậy đấy! Tình yêu có khi mình hoài đi tìm kiếm mà không thấy đâu, lại có tình yêu như một trò chơi “ú tìm”, tình cờ đến như một sự sắp đặt dành cho họ để họ gặp và mãi là của nhau.
Phan Tuyết
.