Quanh năm, suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” người nông dân vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Làm được hạt lúa, củ khoai nhưng lại phải “cõng” thêm bao nhiêu là khoản chi phí, đành ngậm ngùi “lấy công làm lời”. Chăn nuôi liên tiếp bị dịch bệnh, ruộng đồng ngày dần bị thu hẹp... không làm ấm lòng người nông dân.
Người dân trong thời buổi kinh tế lạm phát đã không còn tha thiết với đồng ruộng. Những người phụ nữ tảo tần quyết tâm rời lũy tre làng ra chốn thị thành mong tìm sự đổi đời... Những người lao động nông thôn đổ về thành phố hầu hết là lao động không có trình độ nên đành chọn một “nghề” cho mình, dẫu biết rằng lặn lội cánh cò, cánh vạc. Họ đều mong muốn cho các con của mình không phải đói nghèo cái chữ, chúng phải được đến trường. Những ước mơ ấy khiến họ phải bán sức lực của mình, dù là đêm hôm, mưa nắng trên bãi rác.
Với chiếc xe đạp cũ kỹ, chị Trịnh Thị Thu (47 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) đạp xe khắp thành phố Vinh để nhặt nhạnh những thứ phế phẩm mong tìm chút thu nhập cho gia đình.
Vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi mệt nhọc, chị vừa cho hay: Nhà được ba sào ruộng, nhưng lại có tới sáu miệng ăn, đứa nào cũng đang học, không bám phố thì không đủ nuôi sống cả gia đình.
Những khi mùa màng rảnh rỗi là vợ chồng lại dắt nhau lên phố đi tìm công việc để làm. Vợ thì bới rác, chồng phụ hồ, kiếm thêm nguồn thu nhập. Được biết, đứa con đầu của chị đang học năm thứ hai Đại học Vinh. Khi con vào trường nhập học cũng là lúc chị rời quê vào Vinh làm việc để có tiền “tiếp tế” cho con. Đồng tiền kiếm được vừa đủ trang trải tiền học phí, phòng trọ cho hai mẹ con, còn chút ít thì gửi về quê phụ giúp ông bà nội nuôi mấy đứa nhỏ.
Bãi rác Hưng Đông mỗi ngày có hàng chục người đến đây tìm kế mưu sinh cho gia đình
Khác với chị Thu, chị Nguyễn Thị Tình (41 tuổi, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) nhà gần thành phố nên đỡ cái khoản thuê phòng trọ. Cứ một mình một chiếc xe đạp sáng đi chiều lại về. Chị kể: Nhà chỉ có mấy sào ruộng khoán, làm nhưng không đủ ăn, rồi còn phải trả nhiều chi phí. Những năm mùa màng sâu bệnh thì càng thất bát nặng nề.
Ngoài ra còn biết bao nhiêu khoản chi tiêu khác: Quần áo, sách vở, tiền học, giỗ chạp, cưới hỏi… phát sinh. Vào mùa thì ở nhà cày cấy, lúc nông nhàn lại lên phố nhặt rác kiếm thêm thu nhập.
Chị Lê Thị Thảo cũng là người cùng xã với chị Tình nhưng có “thâm niên” trong nghề “bươi móc” này cho hay: Trong một lần làm phụ hồ vì gãy giàn giáo nên chồng chị ngã bị thương nặng. Tưởng rằng vết thương sẽ lành sau đó nhưng ông trời đã không mỉm cười với gia đình chị. Anh đã phải mang thương tật suốt đời. Và, chị Thảo trở thành trụ cột gánh vác gia đình với sáu miệng ăn. Cứ xong đồng áng chị lại đạp xe vào thành phố kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ bãi rác.
Ngoài nhặt rác, những thân cò lên phố còn làm bất cứ mọi việc. Ở các con đường Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, cầu Kênh Bắc, chợ ga Vinh… có hàng chục phụ nữ đã phục sẵn chờ người đến thuê làm bất cứ mọi việc. Trong bộ quần áo xộc xệch, những chiếc nón xơ tướp, mặt mày đen đúa họ đứng nép vào nhau.
Đó là những phụ nữ ngoại thành về Vinh kiếm việc. Có cả người trong tỉnh, nhưng đa phần là người Thanh Hóa vào tìm việc. Không có trình độ nên đành làm cửu vạn, ai thuê gì làm nấy. Phần lớn là phụ nữ và có cả trẻ con, đứng thành từng nhóm bên vỉa hè, chỉ cần có người tới gọi họ sẵn sàng ngay. Họ rủ nhau vào thành phố mỗi ngày một đông, mang theo những niềm hy vọng một cuộc sống mới…
Chị Nguyễn Thị Hoa nhà ở xã Nghi Vạn, Nghi Lộc có thâm niên trong nghề nhặt rác từ gần chục năm nay cho biết: Mỗi ngày chị làm việc quần quật tại bãi rác từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng để lo cho cuộc sống gia đình và nuôi 3 đứa con ăn học.
“Sắp tới bãi rác Hưng Đông sẽ đóng cửa. Không biết sẽ ra sao khi cắt luôn nguồn thu nhập này. Nói thật, cái nghề này bạc bẽo nhưng mỗi ngày dễ mà kiếm được trăm ngàn đồng. Đối với người nông dân kiếm đâu ra trăm ngàn mỗi ngày... ”.
Không một dụng cụ bảo hộ, những người nhặt rác nơi đây với hai bàn tay trần trụi vô tư “mổ, xẻ” từng túi rác đã phân huỷ đang bốc mùi, để nhặt phế liệu. Có lẽ họ tiếp xúc nhiều nên thành quen, không cần bảo hộ, chỉ cần cái mấu sắt với đôi mắt tỏ là đủ rồi.
Đồng tiền làm ra nhiều hơn nhưng chị em phụ nữ luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, cạm bẫy rình rập. Trước hết, đó là điều kiện ăn ở thiếu thốn, mất vệ sinh tại các khu trọ rẻ tiền... người ta dễ nhận thấy ngoài những khu trọ dành cho học sinh, sinh viên còn có các khu “lều”, dãy trọ bình dân dành cho người lao động nhập cư.
Cuộc sống tạm bợ trong những phòng trọ có khi lên đến năm, mười người. Hàng ngày họ phải tiếp xúc biết bao nhiêu là loại rác, bới tìm phế phẩm trong những bịch rác bẩn thỉu đã mốc mùi hôi thối. Đã có nhiều người phải chịu đựng nhiều căn bệnh suốt đời.
Trường Khuyên
.