Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19542-can-mot-giai-phap-dong-bo-397930/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19542-can-mot-giai-phap-dong-bo-397930/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần một giải pháp đồng bộ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 14/04/2012, 14:10 [GMT+7]
19542

Cần một giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, cứ đến thời điểm đầu năm mới vẫn có không ít hộ đồng bào lại “nhấp nhổm” đi tìm những “miền đất hứa”.

Thực tế tình trạng di dịch cư tự do trong đồng bào Mông sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An đã tồn tại từ lâu. Chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị BĐBP đứng chân trên địa bàn đã nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, đồng thời vận động bà con không di dịch cư tự do nhưng xem ra vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Cứ vào khoảng trước mùa phát nương, làm rẫy (từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau), đồng bào Mông ở khu vực biên giới Nghệ An lại “nhấp nhổm” di dịch cư tự do. Chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 3/2012, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có 18 hộ, 114 khẩu đi khỏi địa bàn, tập trung nhiều nhất ở các xã Mường Ải, Nậm Cắn, Nậm Càn, Keng Đu, Đoọc Mạy, Mỹ Lý… Phần lớn các xã biên giới này đều có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc là chủ yếu, thiếu đất canh tác trầm trọng, cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
 
Trong đó, định cư ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí còn thấp, mọi hoạt động kinh tế đều phụ thuộc vào nương rẫy, nên đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với nhu cầu mưu sinh cùng với một số lí do khác như phong tục tập quán, mâu thuẫn dòng họ... nên tình trạng di dịch cư tự do vẫn còn diễn ra.

BĐBP đồn 535, Nghệ An vận động đồng bào dân tộc Mông không di cư, ổn định cuộc sống
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đồng bào Mông ở Nghệ An di cư bởi một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: bà con có nhu cầu sống cùng anh em dòng họ do mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời. Cộng với đó là ý thức Quốc gia, Quốc giới của người dân còn rất hạn chế. Tập quán du canh, du cư, chủ yếu nhờ vào phát rừng làm nương rẫy từ lâu đời của đồng bào.
 
Ngoài ra, còn do những đối tượng xấu kích động, dụ dỗ lôi kéo với luận điệu: “sang Lào sẽ được tự do làm ăn, trồng cây thuốc phiện”. Một số đối tượng vi phạm pháp luật nên tìm đường trốn đi. Bên cạnh đó, công tác quản lý của chính quyền một số nơi còn yếu kém, một số người thân của cán bộ bản cũng di cư nên lực lượng chức năng khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động chống di, dịch cư.
 
Còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là tâm lý về “miền đất hứa” đã ngự trị trong đầu nên nhiều khi không hẳn là do những khó khăn trong cuộc sống đồng bào vẫn... di cư.

Trong thời gian qua, BĐBP Nghệ An với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới đã phối hợp với các lực lượng, các địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức dân tộc, Quốc gia, Quốc giới, chủ quyền lãnh thổ cho nhân dân trong khu vực biên giới. Giúp cho đồng bào hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam nói chung và khu vực biên giới Nghệ An nói riêng; đồng thời nắm được chủ trương của Nhà nước Lào trong việc xử lý những người vượt biên cư trú bất hợp pháp trên đất Lào từ đó nâng cao cảnh giác, không bị phần tử xấu kích động, lôi kéo vượt biên.
 
Bộ đội Biên phòng giúp dân lao động sản xuất
 
Củng cố hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở như: Dân quân tự vệ, Công an xã, bản; các tổ tự quản đường biên, tự quản ANTT thôn, bản... nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống vượt biên trái pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng di dịch cư tự do, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào, nhất là người Mông, kết hợp với thực hiện các chính sách, mô hình hỗ trợ đồng bào định canh, định cư để ổn định phát triển kinh tế nơi sinh sống…
 
Trong đó, nổi bật nhất là việc BĐBP Nghệ An đã tiến hành xây dựng thành công bản điểm Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương giúp đồng bào Mông ở đây ổn định, phát triển kinh tế. Hiện nay, chương trình này đang được tiếp tục triển khai ở một số bản thuộc xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn). Với những biện pháp mà BĐBP Nghệ An và chính quyền địa phương đã triển khai, tình trạng di dịch cư trong đồng bào dân tộc có giảm xuống.
 
Tuy nhiên, nó lại đang xuất hiện những diễn biến mới hết sức phức tạp. Đó là tình trạng di cư không chỉ xuất hiện trong đồng bào Mông, mà còn “lây lan” sang cả đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái. Cùng với đó là tình trạng đồng bào di cư đi các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ…

Di dịch cư không phải là hiện tượng mới trong đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Mông. Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phải có những giải pháp đồng bộ, mà vấn đề mấu chốt là tăng cường đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
Các cơ quan chức năng cần phải có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, cơ cấu lại vùng dân cư hợp lý để đầu tư mang lại hiệu quả thực sự. Chỉ đến khi “yên bụng, ấm dạ” thì người dân sẽ không còn mơ tưởng đến “miền đất hứa” “nhấp nhổm” di cư mà sẽ định cư lâu dài.

Hùng Phong
.