2 bà coi nhau như chị em |
Đi hỏi vợ cho chồng
Trong ngôi nhà xập xệ, cũ nát người đàn bà nhỏ thó, lưng còng rạp ngồi giữa tựa như một cái kệ để hai đứa con tật nguyền dựa hai bên. Chỉ có làm như thế thì hai đứa con một trai, một gái, xấp xỉ bốn mươi tuổi đầu của bà mới có thể ngồi vững mà không lo bị đổ. Có lẽ lưng bà sớm còng cũng bởi gần nửa thế kỷ qua bà luôn phải làm giá đỡ cho các con mình dựa vào.
Kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đời đã qua, bà Trương Thị Bích không sao ngăn nổi những giọt nước mắt mặn chát: "Có lẽ trên đời này chẳng mấy ai từng khổ như tôi đâu cô chú ạ". 21 tuổi, bà Bích cất bước về nhà chồng. Bà và chồng bà lấy nhau là do hai bên gia đình sắp đặt. Thế nên mãi đến hôm tổ chức hôn lễ bà mới biết mặt chồng mình. Ông Nguyễn Văn Thư làm nghề lái xe nên nay đây mai đó, nhà chỉ như quán nghỉ chân. Cung đường ông đi nhiều nhất là ở vùng Nam Lào, chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị - nơi khốc liệt nhất lúc bấy giờ.
Vì ông Thư cứ đi suốt nên lấy nhau gần hai năm bà Bích mới sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Bài. Bài sinh ra không được mạnh khỏe như những đứa trẻ khác, càng lớn cơ thể càng èo uột khiến đôi vợ chồng trẻ rất đau lòng. Và họ tiếp tục sinh đứa con thứ hai, thứ ba rồi thứ tư nhưng rồi đứa nào sinh ra hình hài và thể trạng cũng giống hệt người chị cả. Nhìn những đứa con cứ đặt đâu nằm đấy, trên khuôn mặt lúc nào cũng thường trực một nụ cười hềnh hệch khiến lòng bà Bích như có dao cắt. Thương con bao nhiêu bà Bích lại thương chồng bấy nhiêu. Tự lòng mình bà luôn cảm thấy có lỗi với ông.
Bà nghĩ chắc do mình kém cỏi nên không có khả năng để sinh cho chồng những đứa con mạnh khỏe, thông minh (Chỉ mãi tận sau này ông bà mới biết các con của mình bị như vậy là do ảnh hưởng nhiễm chất độc da cam). Mang trong mình mặc cảm và day dứt ấy nên bà rất muốn bù đắp cho ông bằng cách giục ông đi lấy vợ hai.
Mỗi lần bà giục là mỗi lần ông gạt đi và bảo: "Bà thích thì bà đi mà lấy. Tôi không lấy. Tôi chỉ có một người vợ duy nhất bố mẹ hỏi cho tôi mà thôi". Thấy ông cương quyết, cực chẳng đã bà phải nhờ người anh rể đi kiếm mối hộ. Bà bảo: "Tôi không thể tự đi tìm vợ cho ông ấy được vì còn một nách bốn đứa con hèn yếu. Ngày anh rể về nói với tôi là đã tìm được người đồng ý lấy chồng của tôi, tôi mừng lắm".
Người đàn bà ấy tên là Dương Thị Duệ, sinh năm 1946 (bằng tuổi bà Bích) cũng ở huyện Quốc Oai. Tìm được người để lấy cho chồng, nhưng chồng bà lại một mực không chịu đi làm thủ tục cưới hỏi gì hết. "Ngày ăn hỏi và ngày cưới tôi là người trực tiếp đi hỏi vợ và xin dâu cho chồng. Chồng tôi ông ấy không chịu đi mà chỉ nằm ở nhà khóc. Chắc có lẽ ông ấy thương tôi vất vả nên không nỡ làm tôi đau khổ hơn".
Gần hết cuộc đời bà Bích vẫn như bận con mọn. |
Ngày cưới vợ cho chồng, những người đến đám cưới hoan hỉ chúc phúc cho vợ chồng mới thì ít mà khóc thương cho bà Bích thì nhiều. Chuyện ngược đời là khi ấy bà Bích lại phải đi động viên những người thân của mình là: "Đừng khóc, mọi người phải mừng cho tôi mới đúng chứ. Từ nay tôi sẽ có người cùng chăm con rồi, sẽ có người đẻ cho chồng tôi những đứa con lành lặn". Nói thì có vẻ mạnh mẽ vậy thôi chứ kỳ thực trong lòng bà Bích cũng đang tự trấn an mình và nuốt những giọt nước mắt đắng chát vào trong. Đêm tân hôn, bà Bích phải tự tay ẩn chồng vào "gian buồng hạnh phúc".
Dù là người chủ động trong mọi chuyện sắp đặt cưới hỏi cho chồng, thế nhưng đến giờ phút ấy bà Bích vẫn không tránh khỏi cái cảm giác chạnh lòng, đau nhói và có chút hờn ghen. Bà hài hước bảo: "Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng phải không cô chú?". Nhưng rồi bà lại tĩnh tâm lại và nghĩ rằng, ghen tuông cũng chả ích gì. Có phải chồng bà giấu vợ giấu con đi tằng tịu với người ta đâu mà do tự bà muốn thế.
Khi quyết định đi hỏi vợ cho chồng bà đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của rất nhiều người. Chả mấy ai ủng hộ bà. Người thì bảo bà điên, người lại chửi bà ngu, tự nhiên dâng chồng cho người khác hưởng. Rồi có người lại thách bà sống được trong ngôi nhà ấy khi chứng kiến chồng mình với người phụ nữ khác. Tất cả những lời nói ấy bà không bận tâm nhiều. Điều bà quan tâm lớn nhất chính là hạnh phúc của chồng. Rồi bà nghĩ nếu mình cứ sống tốt, sống chân thành với bà hai và những đứa con của bà hai thì rồi họ cũng sẽ yêu thương lại bà và làm chỗ dựa cho bà.
Cưới vợ cho chồng không bao lâu thì bà hai có thai. Khi hay tin ấy bà Bích vui mừng khôn xiết. Vậy là bà đã có hy vọng nhìn thấy những đứa con khỏe mạnh ra đời. Bà hai mang bầu mà bà cả hồi hộp, lo lắng còn hơn chính bản thân mình khi có thai. Những ngày ấy, bà Bích tranh làm tất cả những việc nặng nhọc để cho bà Duệ được dưỡng thai. Còn nhớ, hồi đó bà Bích ì ạch một mình kéo xe lúa nặng còn bà Duệ hổn hển đi theo sau khiến nhiều người trong làng nhìn thấy ngứa mắt đã kích bác bà. Nhưng bà mặc kệ, vì bà hiểu đấy không phải do bà Duệ lười mà vì bà tự nguyện. Bà tự nguyện làm những việc để tốt nhất cho con của chồng.
Ba lần bà Duệ vượt cạn là ba lần bà Bích có mặt bên cạnh để động viên, chăm sóc. Ngày đứa con đầu lòng của chồng và vợ hai bập bẹ gọi bà là mẹ, bà đã bật khóc. Bốn đứa con do bà sinh ra nhưng chưa một lần bà được nghe tiếng gọi thân thương và thiêng liêng ấy. Hằng ngày chăm sóc các con của mình bà chỉ được nghe những tiếng ú ớ, tiếng cười hềnh hệch hay những cái đánh thùm thụp vào người bà. Thế nên khi nghe tiếng gọi mẹ cất lên từ đứa con đầu lòng của bà hai thì bà Bích biết sự hy sinh của mình có ý nghĩa.
Hai người phụ nữ đặc biệt
Không đặc biệt sao được khi họ sống dưới cùng một mái nhà, có chung một người chồng và nhất là không bao giờ to tiếng với nhau. Lúc còn trẻ, bà Duệ vẫn thường gọi bà Bích là chị xưng em. Bây giờ khi tuổi đã cao thì hai bà chuyển xưng hô từ chị em sang bà và tôi. Đã hơn mười hai năm kể từ ngày ông Thư ra đi vì di chứng chất độc da cam hai người đàn bà ấy cứ lặng lẽ nương tựa vào nhau.
Giờ, bà Bích dù chưa đầy bảy mươi tuổi nhưng lưng đã còng rạp. Bà chỉ có thể ở nhà để chăm sóc hai đứa con bệnh tật (bà Bích đẻ được bốn người con nhưng hai người con đầu đã không còn nữa) và làm những việc lặt vặt. Những việc đồng áng hay những việc nặng nhọc khác đều do một tay bà Duệ đảm đương.
Hôm chúng tôi đến, đúng vào đợt Hà Nội rét đậm. Đang chuyện trò cùng bà Bích thì bà Duệ đội nón mê, khoác chiếc áo mưa rách tả tơi, vác cuốc từ ngoài đồng về. Dáng người thấp, đậm, khuôn mặt toát lên vẻ cam chịu. Nhìn từ xa bà hai có vẻ ngoài khỏe khoắn và nhanh nhẹn hơn bà cả nhiều. Khi nói điều ấy ra thì bà cả xua tay: "Bà ấy chỉ có không bị còng như tôi thôi chứ cũng yếu lắm rồi. Bệnh thoái hóa cột sống luôn làm bà ấy đau đớn. Nhà không còn ai thì bà ấy phải cố thôi".
Nỗi ám ảnh mang tên một gia đình. |
Chào khách, bà Duệ xuýt xoa rồi quay sang nói với bà Bích: "Rét quá. Mạ chết nhiều lắm". "Thế à? Thế thì năm nay lại thiếu to rồi". Hai người đàn bà ấy vẫn thường chuyện trò với nhau như thế. Cũng có lúc bà Duệ đi làm đồng về, thấy thằng ba hay con út (của chồng và bà cả) bị ngã tím mày sứt mặt bà lại xót xa trách bà cả: "Bà ở nhà có mỗi việc trông con thôi mà cũng để chúng nó ngã đau thế này. Khổ thân quá!". Những lúc ấy bà Bích lại thanh minh: "Tại tôi cũng muốn giúp bà thêm những việc lợn gà, quét dọn nhà cửa không cứ để một mình bà làm cũng khổ". Khi mọi công việc trong ngày đã kết thúc, hai bà lại rí rách ngồi trò chuyện cùng nhau. Hết chuyện con chuyện cái lại đến chuyện làng chuyện xã, chuyện sức khỏe của cả hai người ngày một kém đi.
Hai người con đầu của bà Bích đều đã mất. Người con gái cả mất năm hai mươi bảy tuổi, người con trai thứ hai mất khi mới vừa tròn một năm. Giờ còn anh thứ ba năm nay cũng đã ba mươi bảy tuổi và cô út cũng khoảng ba lăm. Hơn ba mươi năm có mặt trên cõi đời này nhưng họ chưa một lần được biết, được nhìn thế giới bên ngoài. Hơn ba mươi năm gắn đời mình trong một góc ngôi nhà xập xệ. Thay đổi không khí chỉ có chăng là những lần hai người mẹ già gom sức bế từng đứa ra ngoài hè tắm rửa rồi lại nhanh chóng bế vào vì cả hai đều ngồi không vững.
Mỗi lần định đi làm một việc gì đó bà Bích lại phải dùng những bao tải hay những tấm chăn quấn quanh người hai đứa con để chúng ngồi được thẳng. Nhưng cũng có những khi chúng giãy giụa lại ngã rúi rụi về phía trước hoặc lăn kềnh ra phía sau. Chuyện sứt đầu, mẻ chán vẫn thường diễn ra ở những người nhiều tuổi nhưng không thể trưởng thành này.
Ba người con của bà Duệ may mắn đều lành lặn và phát triển bình thường. Người con trai cả đã lập gia đình, hai người em cũng đã lớn khôn. Nhìn ngắm các con ngày một trưởng thành và biết yêu thương hai mẹ và các anh chị hai bà cũng thỏa lòng.
Hỏi bà Duệ nghĩ gì mà chấp nhận lấy ông Thư khi biết chắc ông ấy đã có vợ và có bốn đứa con không lành lặn thì được nghe bà trả lời: "Tôi chả nghĩ gì nhiều. Hồi đó chính bà Bích này xuống hỏi tôi. Bà ấy cũng nói hết hoàn cảnh gia đình mình cho tôi nghe. Bà ấy bảo phải nói cho tôi rõ để sau này tôi không oán trách là bà ấy lừa dối. Bà ấy còn nói thẳng là cưới tôi về để cùng chăm sóc con với bà ấy và đẻ cho chồng bà ấy những đứa con lành lặn. Có vợ người ta đồng ý và chủ động đi hỏi mình thì mình còn lo gì nữa".
Mải trò chuyện với chúng tôi, bà Duệ chợt nhìn lên đồng hồ rồi hốt hoảng: "Chết rồi. Đã muộn thế này rồi cơ à. Anh chị ngồi đây nói chuyện, tôi phải đi nấu cơm rồi còn cho chúng nó ăn. Khổ thân, có bao giờ biết kêu đói kêu khát đâu. Cho uống lúc nào thì uống, cho ăn lúc nào thì ăn". Nhìn vẻ lo lắng của bà Duệ dành cho những đứa con tật nguyền của mình, có lẽ bà Bích sẽ thấy an lòng và sẽ thấy sự hy sinh của mình đã được đền đáp xứng đáng