(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng những kỷ niệm về chiến tranh, bom đạn và tình đồng đội… trong ký ức của người lính An ninh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế vẫn còn vẹn nguyên. Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Trần Xuân Châu, nguyên Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh - người từng được Bộ Công an cử đi chi viện cho chiến trường miền Nam...
Vào một ngày cuối năm 1971, tại trụ sở Công an huyện Nam Đàn, đang trao đổi với đồng đội về vụ án trộm tài sản Nhà nước thì ông Trần Xuân Châu (lúc ấy là Thượng sỹ), nhận được thông báo có quyết định của Bộ Công an cử đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong khi người lính trẻ vừa tròn 23 tuổi đang lâng lâng cảm giác háo hức thì vấp phải sự phản đối từ người thân. Khi biết tin, vợ ông khóc suốt một ngày, còn mẹ đã ngất lịm. Khi tỉnh dậy, bà kịch liệt phản đối: “Mi không được đi. Mi là con một, là cháu đích tôn của ông bà. Mi đi rồi thì choa biết sống với ai...”. May mắn rằng, cha ông là một đảng viên lâu năm đã cùng ông động viên mẹ và vợ: “Khi nào giải phóng miền Nam thì con về với bố mẹ, với vợ con con. Bây giờ Đảng cần, ngành cần thì con phải ra đi. Dù hy sinh, gian khổ cũng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ…”.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Trần Xuân Châu vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí TP Vinh - nơi có hơn 1.300 hội viên tham gia |
Sau khi bàn giao công việc cơ quan, vào một ngày đầu tháng 1/1972, ông cùng 31 đồng chí đến từ các đơn vị khác nhau thuộc Công an Nghệ An ra Vĩnh Phú để học chính trị và tập luyện hành quân. Hơn 3 tháng tập luyện, bồi dưỡng, ông cùng đồng đội được ngồi trên chiếc xe tải đầy lá ngụy trang di chuyển đến phà Danh, tỉnh Quảng Bình. Sau 1 ngày nghỉ ngơi tại làng Ho (Quảng Bình) để lấy lại sức khỏe, Đoàn bắt đầu cuộc hành quân đi bộ. Mỗi người phải mang trên mình chiếc balô gồm: Gạo, quần áo, chăn, võng và các đồ dùng cá nhân với trọng lượng hơn 20 kg cùng chiếc gậy Trường Sơn để chống và dò đường khi lội qua các khe suối. Sau 5 ngày hành quân trên đất Quảng Bình, sang ngày thứ 6, để tránh địch bắn phá, ném bom, Đoàn vượt qua sông Sê-băng-hiêng để hành quân vòng qua đất Lào.
Ông nhớ lại: “Lúc ấy, mỗi người đều được trang bị súng ngắn K59, mặc quần đùi (vì quần dài để dành mặc khi ngủ tránh rét). Do phải mang vác nặng quân trang, vũ khí, lương thực, thực phẩm nên cả vai và chân đều bị sưng phồng và bỏng rát. Chúng tôi đã hành quân qua nhiều núi cao, dốc dựng đứng, qua những khu rừng mà ban ngày nắng nóng đến bỏng rát người nhưng đêm xuống thì lạnh buốt. Chưa kể, chúng tôi còn bị vắt rừng bám vào hút máu, có người bị rắn cắn khiến tay chân lúc nào cũng trong tình trạng tứa máu…”.
Do đường hành quân vô cùng gian khổ, khẩu phần ăn của mỗi người được ít gạo/ngày, còn thức ăn chủ yếu là rau tàu bay làm canh, lá me ở bờ suối, rau đún dùng để luộc cùng với ít muối vừng nên số người bị bệnh sốt rét trong Đoàn ngày một nhiều. Những trận sốt rét bắt đầu hoành hành ác liệt với những cơn rét run người tưởng chừng không thể sống nổi. Da chuyển sang màu vàng, mắt thâm lại, tóc rụng dần, những người lên cơn sốt rét được đồng đội đắp chăn rồi nằm đè lên người nhưng vẫn giật tung.
Những phần thư ởng của Đảng và Nhà nước luôn được Đại tá Trần Xuân Châunâng niu như báu vật |
Sau hơn 1 tháng hành quân vất vả trong rừng xanh, nước độc, Đoàn đã hành quân đến địa điểm tập kết thuộc miền Tây Thừa Thiên - Huế (vùng A Sầu, A Lưới, thuộc huyện A Lưới lúc bấy giờ). Sau khi thất thủ ở Quảng Trị, Mỹ tăng cường đưa thủy quân lục chiến xây dựng tuyến phòng thủ hàng rào điện tử, lập các ấp chiến lược, tăng cường càn quét, khủng bố dã man, nhất là các cơ sở cách mạng của ta. Ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Pari và phân vùng ranh giới cắm cờ giữa ta và địch. Yêu cầu của ta lúc bấy giờ là phải nhanh chóng cắm được cờ giải phóng tại các vùng địch hậu, tạm chiếm và cả vùng địch đang tạm chiếm để “Ban liên lạc quân sự bốn bên” theo thỏa thuận tại Hội nghị Pari tổ chức kiểm soát. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng được địch đặt ra và chúng đã tăng cường cho thám báo, biệt kích và lực lượng mạnh tấn công đánh chiếm để cắm cờ Ngụy quyền tại các vùng ta đã làm chủ trước đó.
Cuộc chiến giành giật địa bàn vì thế làm cho trách nhiệm của Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên - Huế hết sức nặng nề. Để thực hiện nhiệm vụ, ông cùng đồng đội được phân công xuống các địa bàn như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy… tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông và đồng chí Ước (người Hà Nam) được phân công về huyện Phú Lộc. Nhiệm vụ chính là điều tra cơ bản về chính trị, cài cắm, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật cho cách mạng để kịp thời nắm tình hình của địch, đặc biệt là những kẻ ác ôn, gián điệp, nội gián… để báo cáo Ban An ninh Thừa Thiên - Huế. Trong quá trình công tác, ông cùng đồng đội đã trải qua biết bao gian khổ, nguy hiểm. Quân địch tổ chức càn quét, vây chặn và cài mìn ở khắp nơi, có lúc tưởng đã cận kề cái chết.
Đôi mắt của vị Đại tá từng lăn lộn tại chiến trường miền Nam, từng đối diện với nguy hiểm, thậm chí là cái chết bất cứ lúc nào bỗng chùng xuống: “Vào khoảng 3 giờ sáng một ngày đầu tháng 2/1973, tôi cùng đồng chí Ước được tổ chức phân công cắm cờ phân giới đất giữa ta và địch ở xã Diên Lộc, huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, khi tôi và anh Ước đang trèo lên cây để cắm cờ thì không biết đạn từ đâu bắn như mưa nên 2 anh em phải chạy vào ngôi chùa gần đó để ẩn nấp. Đang chạy lúi húi phía sau, bỗng nghe tiếng nổ rất mạnh (loại mìn lá của địch cài), ngẩng đầu lên thì thấy anh Ước ngã xuống và đã hy sinh. Tôi chỉ kịp cõng anh vào chỗ hầm đá bí mật, lấy toàn bộ tài liệu, chào vĩnh biệt rồi chạy về cơ sở để thông báo...”.
Sau đó, tháng 9/1974, ông được cấp trên cử đi học lớp Điệp báo ở Vĩnh Phú. Tình hình chiến sự có sự xoay chuyển, cuối năm đó, ông được Ban An ninh Thừa Thiên - Huế lệnh trở về Huế để tham gia giải phóng. Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những nóc nhà của người dân nơi đây.
Sau 30/4/1975, ông được Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công về làm Phó Trưởng Công an phường Vũ Hiệp, góp phần ổn định tình hình ANTT sau giải phóng. Đến tháng 7/1977, ông trở về Công an Nghệ An công tác trên các cương vị khác nhau như Đội trưởng, Phó Trưởng Công an huyện, Trưởng Công an huyện Hưng Nguyên, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Trưởng phòng Hậu cần… cho đến khi nghỉ hưu. “Gần 50 năm qua, đã từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường rồi làm việc trong thời bình, tôi rất tự hào đã được góp một phần công sức trong giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và giải phóng miền Nam nói chung.
Hy vọng rằng, thế hệ trẻ, nhất là các CBCS Công an Nghệ An thấu cảm, trân trọng và tri ân những hy sinh, mất mát mà thế hệ cha anh đã phải đổ xương máu để giành lại hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh hơn”, Đại tá Trần Xuân Châu rưng rưng xúc động.
.