(Congannghean.vn)-Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại một số địa phương, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn còn tình trạng trường chuẩn quốc gia nhưng vẫn thiếu “chuẩn”; một số trường chuẩn có nguy cơ mất chuẩn vì cơ sở vật chất xuống cấp hoặc khó đáp ứng được các tiêu chí mới.
Nhiều trường chuẩn quốc gia mà “thiếu chuẩn”
Một tiết học ở Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh |
Theo số liệu, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.099 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,2%; trong đó có 318 trường đạt chuẩn trên 5 năm chưa được thẩm định, công nhận lại. Như vậy, nếu trừ số trường chưa được công nhận lại theo quy định thì thực chất số trường đạt chuẩn toàn tỉnh chỉ còn 781/1.524 trường, chiếm 51,24%.
Qua kiểm tra giám sát của Đoàn giám sát HĐND tại 4 huyện Quế Phong, Quỳnh Lưu, Thanh Chương và TP Vinh thì thực tế, cả 4 đơn vị trên đều không đạt chỉ tiêu. Đặc biệt, có một số trường trên địa bàn đã quá thời hạn được công nhận đạt chuẩn nhưng chưa được thẩm định và công nhận lại. Đơn cử như: Huyện Quế Phong có 9/27 trường; Quỳnh Lưu 17/69 trường; Thanh Chương có 24/90 trường; TP Vinh có 11/67 trường. Qua kiểm tra giám sát của Đoàn giám sát HĐND, hiện việc thẩm định, thẩm định lại và nợ các tiêu chí vẫn còn xảy ra ở nhiều cấp học. Các tiêu chí trường chuẩn quốc gia vẫn đang mang tính hình thức.
Tại một số trường học ở huyện Quế Phong, mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp, chưa đáp ứng quy định, chỉ tiêu của trường chuẩn. Tại huyện Quỳnh Lưu, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 có gần 1.700 học sinh nhưng tổng diện tích khuôn viên chỉ có 15.300 m2. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở các bộ môn lạc hậu; công năng sử dụng phòng Tin học và Ngoại ngữ trong trường THPT chưa cao. Với tổng sĩ số học sinh khá đông, song trường cũng chỉ có 2 dãy vệ sinh dành cho nam và nữ, mỗi dãy có 8 ô… Hay như tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (TP Vinh) mặc dù được thẩm định và công nhận lại vào năm 2016 nhưng hiện tại khu vực nấu ăn cho học sinh chưa đảm bảo…
Lâm vào cảnh nợ nần khi đạt chuẩn!
Thậm chí, còn có tình trạng sau khi trở thành trường đạt chuẩn quốc gia, có trường đã rơi vào cảnh nợ nần. Đơn cử như Trường Mầm non Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm học 2016 - 2017. Để hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn, nhà trường đã tu sửa nhà bếp, sân khấu ngoài trời, làm lại cổng, tường rào, vườn cây, khu vực hoạt động trải nghiệm cho trẻ, hệ thống công trình vệ sinh của trẻ, sơn lại 4 phòng ký túc xá, các phòng học, tu sửa nhà bếp, làm mái che… với tổng kinh phí 717 triệu đồng. Trong đó, tỉnh và huyện hỗ trợ 220 triệu đồng; Phòng Giáo dục hỗ trợ 30 triệu đồng và huy động nguồn xã hội hóa giáo dục được 117 triệu đồng. Số tiền còn thiếu là 350 triệu đồng.
Với số tiền thiếu này, nhà trường có kế hoạch sẽ trả nợ bằng nguồn xã hội hóa giáo dục trong 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019. Tuy nhiên, do các cháu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không được vận động (nhà trường có 254/317 cháu thuộc diện này) nên năm học 2017 - 2018, trường vận động được số tiền 19.080.000 đồng. Năm học 2018 - 2019, do không có chủ trương, cho phép từ các cấp về công tác vận động xã hội hóa giáo dục nên nhà trường không có kinh phí để trả nợ các công trình xây dựng. Vì vậy, hiện nhà trường đang lâm vào cảnh nợ nần, các nhà thầu xây dựng liên tục thúc giục, đòi tiền trả nợ các công trình, làm ảnh hưởng đến công tác và hoạt động của nhà trường.
Tránh tình trạng “xả hơi” sau đạt chuẩn
Tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo theo chương trình giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh vào ngày 6/11 vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng thừa nhận tình trạng việc xây dựng trường chuẩn lâu nay ở các địa phương, trường học đang theo kiểu tập trung làm cật lực và đến khi đạt chuẩn rồi thì “xả hơi”. Sau khi đạt chuẩn, nhiều địa phương, trường học coi như xong nhiệm vụ nên chưa quan tâm để củng cố, nâng cấp các tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp. Đây là “bài toán” khó cho các địa phương, trường học để được thẩm định, công nhận lại. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nể nang và “cho nợ chuẩn” trong công tác thẩm định và thẩm định lại.
Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là các trường chuẩn được công nhận giai đoạn trước nhưng hiện nhiều chỉ tiêu không đạt, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo cần có các giải pháp nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và các nhà trường trong xây dựng trường chuẩn; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà không đầu tư nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm, không vì học sinh và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần rà soát, đánh giá lại các cơ chế, chính sách xây dựng trường chuẩn để chủ động tham mưu tỉnh tháo gỡ; gắn xây dựng trường chuẩn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Sở cũng có kế hoạch rà soát lại các trường đạt chuẩn đang trong thời hạn, trường đạt chuẩn nhưng đã hết hạn và trường chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở đó có lộ trình đầu tư bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn, làm rõ thẩm quyền trách nhiệm trong xây dựng trường chuẩn giữa địa phương và nhà trường…
.