(Congannghean.vn)-Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động. Gắn trách nhiệm đảng viên trong phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được xem là giải pháp quan trọng nhất để chủ động phòng, chống, nâng cao ý thức của mỗi người.
Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục |
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do tác động của “diễn biến hòa bình” đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước… Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.
Đứng trước tình hình đó, tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Sự nhấn mạnh này không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng mà còn xuất phát từ thực tiễn tình hình, thể hiện rõ quyết tâm giải quyết triệt để một vấn đề cấp bách hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện của 3 nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nhận diện rõ biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” được xem là lăng kính để các đảng viên soi vào, thẳng thắn nhìn nhận, hoàn thiện bản thân.
Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thể hiện ở nhiều cách thức cụ thể khác nhau. “Tự chuyển hóa” là hậu quả tất yếu của quá trình “tự diễn biến” nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đó là thời điểm đã có sự thay đổi về bản chất. “Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên hiện nay có thể được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí quyết tâm hành động.
Như việc nói không đi đôi với làm, ngại học nghị quyết, trong thực hiện tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, lấy lòng nhau, phê bình sợ mất phiếu, sợ định kiến, không lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Cá biệt, có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện mắc bệnh thành tích, chạy chọt khen thưởng, danh hiệu, hoặc duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết trong đơn vị, địa phương; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất, lối sống thiếu lành mạnh.
Cá biệt, một số người còn công khai nói, viết và làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng khuyết điểm, thiếu sót của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất đồng chính kiến, chống đối. Họ còn triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ...
Từ những hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho nhân dân suy giảm và mất dần niềm tin vào cán bộ, đảng viên, từ đó dẫn đến suy giảm và mất dần niềm tin vào vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, vai trò và sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với xã hội, vào tính ưu việt của chế độ XHCN. Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ làm biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn phá hoại nghiêm trọng uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp; thậm chí còn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Từ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, một số cán bộ, đảng viên sẽ dần dần bị suy giảm về bản chất cách mạng, dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, xa rời hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác.
Hiện nay, với những tác động nhiều mặt của internet và mạng xã hội, mỗi công dân đều trở thành chủ thể trước lượng thông tin khổng lồ, đa chiều. Trong khi các đối tượng phản động ra sức lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chia rẽ đoàn kết. Mục tiêu chính là tác động dần dần vào tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó, làm một số người không có tư tưởng vững vàng bị dao động, dẫn tới suy giảm niềm tin vào Đảng, tự tách mình khỏi nhiệm vụ của một người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường càng làm biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng có điều kiện xâm nhập.
V.I.Lênin đã từng nói: Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người Cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa. Vì vậy, ngoài trách nhiệm rất lớn của cấp ủy Đảng trong việc ngăn chặn sự tác động của thế lực phản động từ bên ngoài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ để thấy trách nhiệm của mình.
Bởi từ thực tiễn cách mạng đã chứng minh, đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Nó không phải “trên trời rơi xuống” mà là từ chính mỗi cán bộ, đảng viên phải tự vươn lên học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân suốt đời. Chỉ khi nâng cao được đạo đức cách mạng, mỗi đảng viên tự tăng cường “sức đề kháng”, thì mỗi người mới chủ động chống chọi với căn bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khẳng định phẩm chất, vai trò mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.