Hàng năm, cứ đến tháng 2, trung tá Nguyễn Thị Tuyết (SN 1960) lại lần giở từng trang nhật ký viết về một thời tuổi trẻ nơi chiến trường khốc liệt.
Bà Tuyết nhập ngũ theo diện bộ đội nghĩa vụ ngày 17/8/1978, thuộc quân số đại đội 3, trung đoàn 103, Cục Hậu cần, Quân khu 1.
Sau 3 tháng huấn luyện, đại đội của bà được điều lên Cao Bằng làm nhiệm vụ xây dựng kho quân khí.
Các chiến sĩ nữ thuộc đại đội 3, trung đoàn 103 ở Cao Bằng năm 1979 |
Giọng bồi hồi, bà nhớ lại: “Thời điểm này, cuộc chiến bắt đầu rục rịch. Theo kế hoạch, kho quân khí chúng tôi xây dựng sẽ chứa đạn, vũ khí, tiếp tế cho tuyến trên khi chiến sự nổ ra”.
Đơn vị bà Tuyết đóng quân tại thôn Hào Lịch (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng). Đây được xem là vùng an toàn, cách xa biên giới vài trăm cây số. Nhưng chẳng ai ngờ, kho chưa xây xong, địch đã kéo quân vào địa điểm này.
Cựu quân nhân chia sẻ: “Năm đó, ngày 17/2 rơi vào chủ nhật. Tôi gác từ 3-5h sáng, bất ngờ nghe tiếng rền vang từ xa vọng lại.
Tôi nghĩ đó là dân đi đốt nương nhưng tiếng động càng lúc càng to, kèm theo cả tiếng nổ.
5h30 sáng, bộ đội thông tin vội vã chạy dải dây từ tuyến trên về, cho biết: Địch đánh đến đây rồi”.
Trung tá Nguyễn Thị Tuyết (trái) bên đồng đội trong dịp họp mặt thường niên |
Dân từ khắp các ngả dắt díu nhau tìm chỗ trú ẩn.
"7h, chúng tôi mất liên lạc với quân khu do đứt đường dây. Huyện đội lập tức cho chúng tôi rút vào hang núi, bỏ lại toàn bộ quân tư trang, chỉ mang theo mỗi người 5kg gạo”, trung tá Nguyễn Thị Tuyết nói.
Đại đội 3 vừa kịp leo đến khu vực cửa hang, quân địch đã ập đến doanh trại nhanh như vũ bão.
“Đơn vị chúng tôi hầu hết là nữ, không kịp trở tay, hoàn toàn nằm gọn trong vòng vây của địch suốt 17 ngày đêm (từ ngày 17/2 - 5/3). Đói, rét và gian khổ’, bà Tuyết nhấn mạnh.
Cách 1 ngày chúng tôi mới nấu cơm 1 lần. Khi nấu phải quạt cho tan khói, tránh để địch phát hiện.
Giây phút đó, chẳng ai dám tin mình sẽ an toàn trở về. Bởi ngay đêm đầu tiên, đơn vị tôi có 1 người hi sinh”, bà Tuyết nghẹn ngào.
Lời hẹn ước cuối
Đó là anh Hoàng Văn Thức (quê Vĩnh Phúc), hi sinh ngày 17/2.
“Trước đó, những ngày sát Tết, đại đội tôi vẫn sống ở nhà dân. 25 tháng Chạp, một phần kho cơ bản hoàn tất, cả đơn vị chuyển về doanh trại đón Tết.
Mỗi tiểu đội chuẩn bị 1 chiếc bàn, trên đó đặt cây mận rừng trổ hoa mơn mởn. Chúng tôi gấp chim hạc bằng giấy gắn lên. Điểm tô thêm vài lọ hoa rừng, Tết đơn sơ mà vẫn rực rỡ.
Tối nào anh Thức cũng đến tiểu đội tôi chơi. Một buổi tối như thường lệ, anh ấy mang theo một mũ quả gắm (một loại quả rừng) tặng chị em.
Anh mừng rỡ báo, vừa nhận được thư, vợ báo tin sắp sinh. Bác sĩ chẩn đoán thai đôi, khả năng là con trai. Anh còn kể đã biên thư về cho vợ, hứa bao giờ hòa bình, sẽ về sinh thêm cô con gái để vợ khỏi tủi thân.
Vậy mà, 1 tuần sau, anh hi sinh, lời hẹn ước mãi mãi dang dở”, cựu quân nhân xúc động nói.
Xe tăng địch bị quân ta bắn hạ tại Cao Bằng sáng 17/2/1979. Ảnh: Mạnh Thường |
Hôm đó, chiến sự nổ ra trên toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Một lực lượng lớn quân địch từ dưới bắn dồn dập lên cửa hang, anh Thức trúng đạn, gục tại chỗ.
Tin tức anh Thức hi sinh lan nhanh. Tâm trạng mọi người chùng xuống. Khi địch đã rút đi, mọi người thay nhau vác thi thể anh xuống. Nghi lễ an táng cho anh được thực hiện trong rừng.
“Chúng tôi khâm liệm, thay cho anh bộ quân phục mới, sau đó phá tấm phản bằng gỗ, ghép thành cỗ áo quan, đặt anh vào.
Đầu giờ chiều chúng tôi chôn cất anh cạnh hang núi, chị em hái hoa rừng phủ kín lên mộ anh.
Mãi sau này, khi tiếng súng dứt, vợ anh mới đưa được hài cốt chồng về quê”, đưa tay quệt nước mắt, bà Tuyết nhớ lại.
Các chiến sĩ trên mặt trận biên giới năm 1979 năm nào giờ đã lên chức ông/bà |
Vòng hoa trắng giữa núi rừng
Khu vực đại đội 3 ẩn nấp gần như cô lập với bên ngoài, xung quanh toàn vách núi hiểm trở. Trong đêm chạm trán với địch, đơn vị bà Tuyết tiếp tục có chiến sĩ ngã xuống.
“Anh Đinh Văn Bỉnh (quê Phú Thọ) hi sinh ở tuổi 19. Trước khi nhập ngũ, anh hứa với mẹ hết chiến tranh sẽ về kết hôn, sinh cho bà đứa cháu nối dõi. Cuối cùng kẻ đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”, bà Tuyết nghẹn ngào.
Trong hoàn cảnh nguy hiểm, đồng đội không còn cách nào khác, phải dùng vải bạt, buộc thi thể anh Bỉnh vào rồi chôn cất. Hoa mận nở trắng rừng như vòng hoa đưa tiễn người chiến sĩ trẻ.
“Suốt 17 ngày đêm đó, Quân khu 1 mất hoàn toàn tin tức của đại đội 3. Họ tin rằng chúng tôi đã hi sinh. Tin tức lan nhanh về quê hương, các gia đình đồng loạt lập ban thờ. Mẹ tôi khóc ngất, thức trắng đêm.
Mãi đến ngày 5/3 phía địch ra lệnh rút quân, chúng tôi trở về liên hệ với cấp trên, và biên thư về nhà, báo mình còn sống", bà Tuyết kể.
Sau này, bà Tuyết chuyển về đơn vị thông tin (Quân khu 1), gắn bó với quân ngũ đến năm 2009 mới nghỉ hưu.
40 năm đã trôi qua nhưng với bà Tuyết và những cựu binh dường như những đau thương, gian khổ ấy chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.