Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/dai-ta-nguyen-duc-huyen-va-ky-uc-hao-hung-ve-mot-thoi-hoa-lua-838491/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/dai-ta-nguyen-duc-huyen-va-ky-uc-hao-hung-ve-mot-thoi-hoa-lua-838491/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đại tá Nguyễn Đức Huyến và ký ức hào hùng về một thời hoa lửa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 10/02/2019, 10:03 [GMT+7]

Đại tá Nguyễn Đức Huyến và ký ức hào hùng về một thời hoa lửa

(Congannghean.vn)-Trong cái lạnh se sắt của những ngày đầu đông, tôi ngược về xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn để tìm gặp Đại tá Nguyễn Đức Huyến. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 82, thế nhưng, ông vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, tươi vui, giọng nói sang sảng, toát lên niềm tự hào khi kể về một thời hoa lửa, cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Đức Huyến (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đồng đội tại chiến trường Quảng Bình
Đại tá Nguyễn Đức Huyến (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đồng đội tại chiến trường Quảng Bình
Sinh ra tại làng Yên Phúc, xã Phúc Sơn - nơi có Đội Tự vệ đỏ, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Đức Huyến đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trước khí thế sôi sục của những ngày đầu cách mạng, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé Huyến đã biết theo các anh dân quân tự vệ lên cướp chính quyền ở đồn Kim Nhan, rồi tham gia dạy bình dân học vụ, hoạt động tích cực trong đội thiếu nhi, đi cổ động các phong trào, viết khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Nguyễn Đức Huyến xin phép bố mẹ rời ghế nhà trường, cùng Trung đoàn 77 hành quân cấp tốc lên Điện Biên Phủ. Trải qua 10 ngày đêm, mùa đông năm 1953, đơn vị có mặt ở Tuyến 2 của chiến trường. Nguyễn Đức Huyến được phân về Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 ở khu vực phía Tây Bắc cứ điểm Him Lam. Tất cả mọi thứ lúc ấy đều rất xa lạ, bỡ ngỡ, gian khổ đối với chàng thanh niên 16 tuổi. Thế nhưng, mới tham gia chiến dịch, Nguyễn Đức Huyến đã cùng đơn vị chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập nên chiến công hiển hách. 
 
Ngày 13/3/1954, Đại đội 58 chủ công đánh vào cứ điểm số 2 Him Lam. Cả trận địa rung chuyển sau nhiều loạt pháo. Các chiến sỹ lao lên mở đường, liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ 8. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều. Trong trận chiến ấy, anh hùng Phan Đình Giót lúc bấy giờ là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58 đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 
 
Đại tá Nguyễn Đức Huyến vẫn còn nhớ như in những ngày tháng gian nan, vất vả, song lúc nào cũng sục sôi khí thế chiến đấu: “Trong suốt 38 ngày đêm tham gia chiến dịch, dưới làn đạn của súng máy, pháo địch bắn xối xả xuống khu vực sân bay Mường Thanh, chúng tôi vẫn quyết tâm xây dựng trận địa chia cắt sân bay, đánh địch ở ngã tư sân bay, bắn tỉa không cho địch ra lấp giao thông hào. Chiều 7/5, đơn vị vào bắt tù binh ở Trung tâm Mường Thanh và áp giải về Tuần Giáo”. 
 
Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc. Phát huy tinh thần quật cường, bất khuất, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược của dân tộc, Đại tá Nguyễn Đức Huyến đã sát cánh cùng đồng đội có mặt ở hầu hết các mặt trận, các chiến dịch lớn. 
Đại tá Nguyễn Đức Huyến trò chuyện cùng phóng viên
Đại tá Nguyễn Đức Huyến trò chuyện cùng phóng viên
Nhấp ngụm trà, Đại tá Nguyễn Đức Huyến tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về ký ức năm 1965, khi ông trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở Quảng Bình. Lúc này, ông là Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 9, Tỉnh đội Quảng Bình. Ông đã cùng Đại đội lập công xuất sắc khi bắn rơi 40 máy bay Mỹ, trong đó có 10 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 giặc lái, bảo vệ vững chắc mục tiêu đập nước Cẩm Ly. Đặc biệt, trận đánh ngày 14/4/1966, Đại đội bắn rơi tại chỗ 2 máy bay. Mặc dù bị đánh trả ác liệt, thương vong lớn, Đại đội trưởng, Đại đội phó, Chính trị viên phó đã anh dũng hy sinh, bản thân cũng bị thương ở mặt nhưng ông vẫn chỉ huy Đại đội ngoan cường chiến đấu với 24 máy bay địch loại F105, F4H, AD6, cuối cùng bảo vệ được mục tiêu, trận địa. Sau trận đánh, Đại đội được Chính phủ tuyên dương Đại đội Anh hùng.
 
Một kỷ niệm mà Đại tá Huyến không bao giờ quên đó là năm 1972, ông cùng Trung đoàn 95 vào chiến đấu ở Quảng Trị. Trong suốt 68 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, ông và đồng đội đã trải qua nhiều gian khổ, ác liệt, thường xuyên phải đối mặt với bom đạn địch. “Tôi luôn đau đáu về những đồng đội còn nằm lại trong lòng Thành cổ. Thắng lợi trong chiến dịch này rất huy hoàng, nhưng mất mát, đau thương cũng không thể nào kể xiết. Xương máu của hàng vạn đồng đội đã đổ xuống, liệu có bia nào ghi hết được công lao của họ!”, Đại tá Huyến nghẹn lời. 
 
Bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Đại tá Nguyễn Đức Huyến lúc này là Trưởng ban Cán bộ Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 cùng đơn vị đánh xuống căn cứ Phú Bài, giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân. Ông cũng chính là người trực tiếp tham gia và chứng kiến giờ phút cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng kết chiến dịch, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, bản chất tốt đẹp và truyền thống bộ đội cụ Hồ của Đại tá Nguyễn Đức Huyến được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến tiếp tục tỏa sáng khi ông cống hiến sức mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1977, ông được điều về công tác tại Cục Hậu cần Hải quân và giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ Trưởng ban Cán bộ đến Phó phòng chính trị kiêm Trưởng ban Cán bộ rồi Hiệu phó chính trị Trường Chuyên môn Kỹ thuật Hải quân (cấp Sư đoàn). Suốt 10 năm phục vụ trong lực lượng Hải quân, ông đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng, góp phần tạo nguồn lực xây dựng lực lượng Quân chủng Hải quân chính quy, hiện đại. 
 
Sau gần 38 năm phục vụ trong Quân đội, Đại tá Nguyễn Đức Huyến trở về quê hương nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài với công tác xã hội. 10 năm liền (từ 1991 - 2001), ông là Ủy viên BCH Đảng bộ xã Phúc Sơn khóa XV-XVI, Chủ tịch Hội CCB xã Phúc Sơn khóa II-III-IV. Dù ở vị trí nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Huyện đội, UBND huyện, Tỉnh hội khen thưởng và luôn nhận được tình cảm yêu mến của bà con nhân dân. 
 
Trải qua các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, cùng cả nước giành độc lập dân tộc, có lẽ hơn ai hết, Đại tá Nguyễn Đức Huyến là người thấm thía nhất giá trị của 2 chữ hòa bình. Tuy nhiên, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người đảng viên có thâm niên gần 60 năm tuổi Đảng ấy đã cống hiến cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp xây dựng và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những cống hiến của bản thân, Đại tá Nguyễn Đức Huyến đã được Nhà nước tặng thưởng 13 huân, huy chương các loại; nhiều lần là Chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp… Giờ đây, ông cùng vợ con hưởng cuộc sống thanh nhàn và không gì hạnh phúc hơn khi được nhìn con cháu ngày càng khôn lớn, trưởng thành.
 
Đặc biệt, 2 người con trai của ông là Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Đức Hào cũng nối nghiệp bố phục vụ trong lực lượng Hải quân. Rời xa mảnh đất Anh Sơn, tôi không khỏi lưu luyến khi phải tạm biệt vị Đại tá đáng kính. Ông mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập về tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu quật cường, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

.

Hằng Nga