Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201804/ky-uc-cua-nhung-nguoi-linh-chua-tro-ve-792219/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201804/ky-uc-cua-nhung-nguoi-linh-chua-tro-ve-792219/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ký ức của những người lính 'chưa trở về' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/04/2018, 08:59 [GMT+7]

Ký ức của những người lính 'chưa trở về'

(Congannghean.vn)-Mang trong mình vết thương do chiến tranh để lại, ký ức với họ là cái nắm chặt tay cùng đồng đội vượt qua những trận chiến, thực tại chỉ trở về trong phút giây tỉnh táo hiếm hoi. Họ là những thương bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Khi tỉnh táo, những thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh vẫn hăng say tăng gia, lao động, sản xuất
Khi tỉnh táo, những thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh vẫn hăng say tăng gia, lao động, sản xuất

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày những tiếng gầm vang cuối cùng của đạn bom trong chiến tranh chấm dứt. Sự tàn khốc của chiến tranh đã lùi xa, nhưng mảnh ghép ký ức thì vẫn còn đọng lại, ám ảnh vào trong cả giấc mơ, trong trí nhớ mơ hồ của những thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh.

Ông Phạm Thành Trụ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện, Trung tâm có hơn 100 thương bệnh binh, con liệt sỹ và thân nhân người có công với cách mạng. Mang trong mình di chứng của chiến tranh, hầu hết các thương bệnh binh đến đây đều gặp phải những vấn đề về tâm lý, thần kinh, bị hạn chế khả năng hoạt động. Đa phần các thương bệnh binh đều đã gần 70 tuổi, không có vợ con nên họ xem đây như ngôi nhà của mình. Nhiều người đã gắn bó với Trung tâm hơn nửa đời người.

Theo chân anh Nguyễn Văn Dương, cán bộ quản lý tại Trung tâm, chúng tôi có dịp được tiếp xúc với những thương bệnh binh nơi đây. Nhìn hàng rau xanh mơn mởn, sân vườn sạch sẽ, giường chiếu ngăn nắp, gọn gàng, chúng tôi mới nhận ra một điều, đằng sau những ánh mắt vô hồn, ngơ ngác mỗi lần lên cơn đau thì ở vào giây phút tỉnh táo hiếm hoi, những con người nơi đây vẫn giữ được phẩm chất của người lính cụ Hồ. Đó là tinh thần hăng say lao động, yêu thể dục thể thao. Mỗi cử chỉ, hành động của họ là tình yêu thương, đùm bọc nhau như nghĩa tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Và đặc biệt, trong ký ức, họ vẫn còn nhớ như in những năm tháng chiến tranh, nơi bom rơi đạn nổ.

Bị thương khi tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia, giờ đây, ông Trần Quốc Tế, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn trinh sát thời chống Mỹ phải ngồi trên chiếc xe lăn. Ông nhớ lại những tháng ngày đã qua: “Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tuổi trẻ cứ thế xung phong ra trận không một chút đắn đo. Lúc tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, rồi biên giới Tây Nam và đến khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thì tôi bị thương đứt 3 đốt sống lưng trên đất nước bạn…”. Xuất ngũ trở về, lấy vợ rồi sinh con nhưng giờ đây ông lại “thích thú” ở lại Trung tâm, bởi tìm được sự sẻ chia của những người bạn lính già năm xưa.

Đến với Trung tâm này, chúng tôi được nghe các cán bộ, nhân viên nơi đây ca ngợi mối tình của vợ chồng ông Đào Xuân Tình và bà Cao Thị Hải, đều sinh năm 1952. Cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, trong một trận đánh ác liệt, 2 ông bà  bị thương nặng. Chiến tranh lấy đi đôi mắt nhưng bù lại ông bà vẫn còn minh mẫn. Thời gian trôi đi, vượt qua nỗi đau thân thể, họ gặp lại nhau tại Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh. Và rồi như duyên tiền định, năm 1980, 2 người quyết định cùng nhau xây dựng tổ ấm. Hạnh phúc càng nhân lên khi bà Hải sinh cho ông 3 người con khỏe mạnh, đến nay đều đã lập gia đình, công việc ổn định.

Với những thương bệnh binh tại Trung tâm, điều mà nhiều cán bộ, nhân viên lo lắng là mỗi lần lên cơn đau. Chị Lê Thị Mai, Trưởng phòng Y tế của Trung tâm cho biết, có trường hợp lên cơn ảo giác, hoang tưởng, họ đánh cả nhân viên y tế. “Thực tế, nỗi đau do chiến tranh để lại, những người thương bệnh binh nơi đây đau mà họ đâu biết. Để xoa dịu nỗi đau đó, chúng tôi thường xuyên nắm bắt tâm lý, xuống tận buồng thăm hỏi, trò chuyện, gần gũi, động viên các ông, các bà. Ngoài việc cung cấp thuốc men, hàng ngày, các nhân viên tại Trung tâm còn cắt cử nhau vệ sinh cá nhân cho các thương bệnh binh, như: Cắt tóc, cắt móng tay, gội đầu… Bên cạnh đó, để cải thiện bữa ăn cho các thương bệnh binh, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm tự tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà để nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày…”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng từng ngày, từng giờ vẫn còn những thương bệnh binh phải chiến đấu với bệnh tật và di chứng sau chiến tranh. Hiện thực có đau đớn thế nào, thì với họ, những năm tháng cùng đồng đội “vào sinh ra tử”, đấu tranh trường kỳ để đất nước giành được độc lập, tự do sẽ chẳng thể nào phai mờ trong ký ức.

.

Phan Tuyết

.