Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201901/phong-sinh-ca-chep-mang-nhieu-y-nghia-nhan-van-836969/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201901/phong-sinh-ca-chep-mang-nhieu-y-nghia-nhan-van-836969/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phóng sinh cá chép mang nhiều ý nghĩa nhân văn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 28/01/2019, 14:54 [GMT+7]

Phóng sinh cá chép mang nhiều ý nghĩa nhân văn

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp là mọi người lại lo mua sắm chuẩn bị cúng ông Táo, phóng sinh cá chép… Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa nhân văn khởi nguồn từ câu chuyện về ba vị thần trông coi chuyện bếp núc, đất đai và gia đình.
 
Người dân thả cá chép cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Ảnh: Thiện Tâm
Người dân thả cá chép cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Ảnh: Thiện Tâm
Câu chuyện này kể về 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích 2 ông 1 bà, tức vị thần đất, thần nhà và thần bếp núc. Theo tín ngưỡng dân gian, cúng ông Công ông Táo là dịp các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó, đồng thời bày tỏ sự tri ân của gia đình đối với các vị ''thần bếp'' quanh năm lo toan, cai quản, duy trì nếp sinh hoạt gia đình.
 
Theo các chuyên gia văn hóa, trong ngày cúng ông Công ông táo các gia đình có thể dùng cá chép thật hoặc cá giấy đều được. Tuy nhiên, với các gia đình có điều kiện nên dùng cá chép thật để làm lễ sau đó thả phóng sinh. Hành động này vừa mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời” theo phong tục dân gian vừa hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
 
Sau khi phóng sinh cá chép ở hồ Tây, bà Phạm Thị Bích (Lạc Long Quân, Tây Hồ) chia sẻ, năm nào cũng vậy bà thường cùng con cháu làm bữa cơm cúng ông Công ông Táo lên trầu trời, xong xuôi cả nhà cùng mang cá ra hồ Tây để thả, cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới.
 
“Đây là phong tục truyền thống từ thời cha ông để lại nên tôi thường dặn các con cháu thực hiện các nghi lễ phóng sinh cá chép. Trước khi phóng sinh tôi thường đọc bài khấn để mong 3 vị thần nghe được mong ước của gia đình”, bà Bích chia sẻ.
 
Mặc dù không có quy chuẩn về phóng sinh, nhưng các nhà sư đều cho rằng, phóng sinh là khơi lòng hiếu sinh, thương yêu của con người, cần phát xuất từ lòng từ bi, vì sự sống của cá. Vì vậy nên tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh. Cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân kịp lên thiên đình. Đồng thời, khi thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ, để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết; không nên cầm cả xô đổ cá; không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước…
 
Phong tục phóng sinh cá chép mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhưng việc thả cá cần phải đúng cách để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Năm nay, chiến dịch “Thả cá đừng thả túi nilon” vẫn được nhiều bạn trẻ tiếp tục thực hiện để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn nước.
 
Tục thả cá chép chầu trời là phong tục truyền thống, trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự ý thức bản thân góp phần hoàn thiện, tô đẹp hơn cho văn hóa dân tộc. Phong tục đẹp thực sự cần hành vi đẹp.
.

Nguồn: Thùy Linh – Thiện Tâm/Chinhphu.vn

.