Năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động Việt Nam vượt qua con số 100 nghìn người ra nước ngoài làm việc. Đặc biệt năm 2018, cả nước đã đưa được trên 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, con số kỷ lục.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ- TBXH), triển vọng về xuất khẩu lao động thời gian tới sẽ còn phát triển hơn nữa khi các thị trường mới, đặc biệt là khu vực châu Âu liên tục được mở rộng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ LĐ- TBXH, ngoài việc giải quyết những tồn đọng trong xuất khẩu lao động như: lao động bỏ trốn, doanh nghiệp hoạt động trái quy định… thời gian tới Bộ LĐ-TBXH cũng sẽ tập trung xử lý một trong những vấn đề khá nhức nhối thời gian qua là biến tướng du học.
Xuất khẩu lao động nhiều kỳ vọng
Theo báo cáo của Bộ LĐ- TBXH, năm qua cả nước đưa được trên 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 29,9% kế hoạch). Đây là năm thứ 5 liên tiếp xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm, và là năm cao nhất từ trước đến nay.
Học sinh Việt Nam cần tìm hiểu kỹ trước khi có ý định đi du học Nhật Bản. |
Về thị trường lao động, Nhật Bản lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Hiện Đài Loan và Nhật Bản có số lao động Việt Nam đang làm việc nhiều nhất, chiếm hơn 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước.
Trao đổi với PV, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Gia Liêm cho biết, năm qua, thị trường Nhật vươn lên do nước này bắt đầu áp dụng Luật Lao động mới, cho phép người lao động ở lại lâu hơn (từ 3 lên 5 năm).
Đặc biệt, Bản ghi nhớ hợp tác về thực tập sinh theo luật mới của Nhật với Việt Nam có hiệu lực từ tháng 6-2018, Việt Nam là nước đầu tiên được phía Nhật Bản lựa chọn ký biên bản này. Cùng đó, sau khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011, nhiều lao động Việt vẫn lựa chọn ở lại dù doanh nghiệp Nhật khó khăn, nên doanh nghiệp Nhật cũng thay đổi cách nhìn về lao động Việt.
Ngoài ra, theo ông Liêm, năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam được trực tiếp đưa lao động chăm sóc người già và người bệnh sang Nhật, với 13 doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, do phải mất thời gian đào tạo về tiếng và kỹ năng, nên số lượng thực tế đưa đi theo diện này chưa nhiều.
Về một số thị trường xuất khẩu lao động mới trong năm 2019, theo ông Liêm, sẽ chủ yếu tập trung các thị trường lớn, thu nhập tốt theo lựa chọn của người lao động. Trong đó có một số thị trường lớn như Đức, Úc, Rumania, và tương lai một số nước châu Âu khác với nghề chăm sóc người già, người bệnh.
Biến tướng du học cần phải xử lý
Một thống kê gần đây đã chỉ ra chỉ có 8% du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản học với mục đích học tập tại các trường CĐ, ĐH danh tiếng của Nhật. Phần còn lại chủ yếu đi du học bằng hình thức tự túc, vừa học vừa làm thêm kiếm tiền.
Tuy nhiên, chính vì số lượng học sinh đi du học tự túc ở Nhật Bản ngày càng tăng nên nghề “môi giới du học Nhật Bản” hiện xuất hiện nhan nhản ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, những “nhân viên môi giới” này chưa một ngày được đào tạo nghiệp vụ tư vấn và cũng chẳng hiểu biết gì về chương trình du học Nhật Bản. Họ thu tiền phí môi giới từ 1.000USD đến 2.000USD và không quên hứa hẹn giới thiệu việc làm thêm tại Nhật Bản với mức lương 40-60 triệu đồng/tháng.
Chính vì hiện tượng bát nháo này mà tháng 11-2018, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phải gửi công văn cảnh báo. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đã phải khuyến cáo các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học; các trường phải có công văn báo cáo Sở mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường.
Cùng với đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cung cấp địa chỉ trang web chính thức, có các thông tin chính xác và cập nhật về du học tại Nhật Bản để các học sinh có ý định sang học tập tại đất nước này tham khảo. Phía Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, số lượng thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản tăng nhanh là điều đáng mừng.
Tuy vậy, tình trạng nhiều bạn trẻ Việt Nam bị một số công ty môi giới thiếu đạo đức lừa dối, phải mang theo gánh nặng nợ nần khi sang Nhật, không trả được nợ nần và do cư trú bất hợp pháp nên bị bắt giữ tại Nhật cũng gia tăng.
Con số người bị hại không chỉ gia tăng trong số thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh mà cả với những đối tượng là kỹ sư (kỹ thuật viên). Các công ty thiếu đạo đức đang biến các bạn trẻ Việt Nam thành những món mồi ngon và thu tiền môi giới từ vài trăm đến 1.000, 2.000USD để giới thiệu các bạn trẻ với công ty tư vấn du học hoặc công ty xuất khẩu lao động.
Đề cập đến vấn đề này, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhiều người chọn đi lao động qua con đường du học vì muốn giảm chi phí, bớt thời gian học ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Năm 2018, phía Nhật đã rà soát và đình chỉ một số công ty du học sinh đưa lao động sang Nhật để đi làm.
Đồng thời, phía Việt Nam cũng phải xem xét lại quy định, để ngăn chặn tình trạng biến tướng, nói đi du học nhưng thực chất là đi lao động. “Nếu đi theo con đường lao động sẽ mất chi phí cao, như đi Đài Loan khoảng 80 triệu đồng, nhưng nếu đi con đường du lịch chỉ mất tiền vé máy bay, phí visa, nên vẫn có người chọn đi du lịch rồi bỏ trốn”, ông Diệp nói.
.