(Congannghean.vn)-Chiến thắng ngày 7/1/1979 đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới, phát triển trong độc lập, tự do, hòa bình và phồn vinh. Ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia luôn giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn...
Ký ức không thể nào quên
Đến bây giờ, những kỷ niệm về tháng ngày tham gia chiến trường biên giới Tây Nam vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Duy Lam (SN 1958) trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh. Đó là khoảng thời gian ác liệt, dữ dội nhưng hào hùng mà mỗi lần nhớ lại, cùng kể cho vợ con, đồng đội nghe, ông lại thấy xúc động lạ kỳ. Có người đã ngã xuống, người thì thương tật, có người may mắn lành lặn trở về cuộc sống đời thường. Và ông xem những tháng ngày được sống và nhớ về khoảng thời gian cách đây 40 năm là một đặc ân.
Ngày 18/8/1976, ông Lam nhập ngũ tại chiến trường Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận. Đến tháng 12/1978, ông chuyển nhiệm vụ chiến đấu, cùng đồng đội thực hiện phản công đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari. Ông Lam được phân công phục vụ thông tin cho Đại đội. Hàng ngày, ông sẽ quan sát tình hình di chuyển rồi báo cáo cho Trung đoàn 250. Sau này, do tính chất khốc liệt của cuộc chiến, ông lại trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa luồn sâu, vừa truy quét tàn quân. Ông đã cùng Sư đoàn 250 đi qua nhiều tỉnh, thành của Campuchia như: Kampong Chinăng, Phnom Penh...
Có những lúc hành quân, sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn hằn in trong trí nhớ của ông. “Vừa hành quân chúng tôi vừa cầm que đuổi ruồi, vì xác chết la liệt. Đó là những thành phố không bóng người, là những người dân tiều tụy vì chiến tranh, đói khát”, ông Lam nhớ lại. Chiến tranh biên giới Tây Nam là khoảng thời gian ông Lam phải chứng kiến sự hoang tàn, đổ nát và sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Pôn Pốt, đi tới đâu cũng thấy cảnh người bị giết hại dã man. Và cũng chính vì sự tàn bạo đó mà những người lính phải quyết tâm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cùng với quân và dân Campuchia đánh thắng chế độ diệt chủng.
Trong cuộc chiến, mỗi lần thấy người dân nước bạn đói khổ là ông Lam cùng đồng đội lại nhường cơm, sữa cho họ. Vì vậy, những người lính tình nguyện Việt Nam được bà con rất tin yêu. Sư đoàn 250 vẫn tiến hành truy quét tàn quân Khơ Me Đỏ, chống trả các cuộc tập kích và giúp nhân dân nước bạn khôi phục sản xuất.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Lam (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình, bạn bè ôn lại kỷ niệm cuộc chiến cách đây 40 năm |
Tự hào “Đội quân nhà Phật”
Cần phải nhắc lại thời điểm cách đây 40 năm. Lúc ấy, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Dân tộc ta đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để có chiến thắng ngày 30/4/1975, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Nhưng khi cả nước đang tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển đất nước thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta; đồng thời, thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia.
Chỉ trong vòng gần 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần 3 triệu người Campuchia, xoá bỏ hầu hết cơ sở vật chất, xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm hoạ diệt vong. Đối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu chúng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân đến đó, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...
Trước hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng, cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc phản công, tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979. Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường.
Chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân 2 nước cũng như của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đối với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định ý chí và sức mạnh quật cường của nhân dân Việt Nam; đồng thời, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng anh em truyền thống, gắn bó, thủy chung lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia.
Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7-1-1979 - Ảnh: TLTT - tuyengiao.vn |
Chính trong những ngày tháng gian khổ ấy, lại ngời sáng tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia, về sự liên minh đoàn kết chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia; sự chăm sóc, đùm bọc, chở che của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Campuchia đối với người lính tình nguyện Việt Nam. Nhờ sự hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, liên minh chiến đấu đã tạo điều kiện giúp Quân tình nguyện Việt Nam làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang của mình.
Thực tiễn lịch sức đã minh chứng, chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt là chiến thắng lịch sử và nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do, phát triển.
Ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia luôn giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn...
Chiến thắng ngày 7/1/1979 đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới, phát triển trong độc lập, tự do, hòa bình và phồn vinh.
.