Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thực tế không có cái gọi là “tuổi vàng” cho việc học ngoại ngữ mà ngược lại, học ngoại ngữ ở độ tuổi nào cũng được với điều kiện là người học đam mê.
Những năm gần đây, việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã và đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, cho con học tiếng Anh càng sớm thì càng có lợi. Thậm chí, trong xã hội cũng đang xuất hiện một trào lưu tư tưởng cho rằng, trẻ học Tiếng Anh tốt nhất là trong giai đoạn “tuổi vàng” từ 2-6 tuổi.
Để muộn là sẽ qua mất "tuổi vàng" học ngoại ngữ của trẻ. Trong khi những tranh luận về vấn đề này chưa có hồi kết thì câu hỏi nên bắt đầu cho con học tiếng Anh ở độ tuổi nào vẫn tiếp tục là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là những ông bố, bà mẹ đang có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học.
Các chuyên gia cho rằng, không nên cho trẻ học ngoại ngữ khi tiếng mẹ đẻ còn chưa thành thạo. |
Trên một số diễn đàn, việc cho con học ngoại ngữ thời điểm nào đã và đang trở thành một đề tài tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, luồng ý kiến thứ nhất tán thành việc cho con mình làm quen với một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ từ khi trẻ bắt đầu học nói, tức là trước khi học chữ tiếng Việt.
Theo lý giải của các bậc phụ huynh này, trong độ tuổi vàng từ 2-6 tuổi, kỹ năng ghi nhớ của trẻ tốt hơn vì não bộ chưa ghi được nhiều, vùng tư duy học ngoại ngữ sẽ được đánh thức.
Một đứa trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh từ khi 4, 5 tuổi sẽ có kinh nghiệm học cũng như kiến thức tiếng Anh nhiều hơn so với đứa trẻ bắt đầu học lúc 7 tuổi. Vì thế, thực sự sẽ là một lãng phí lớn nếu bỏ qua giai đoạn phát triển vàng về ngôn ngữ của con.
Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, hiện nay người lớn, nhất là sinh viên thì không chịu học ngoại ngữ, trong khi đó, nhiều gia đình lại đang ra sức bắt trẻ con nói chưa sõi học Tiếng Anh, vừa tốn thời gian vừa mất cả đống tiền.
Do vậy, luồng ý kiến này khuyên phụ huynh không nên cho con học tiếng Anh quá sớm, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, khi khả năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ vẫn còn chưa thành thục.
Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, một trong những chuyên gia hàng đầu về Tiếng Anh tại Việt Nam cho rằng: Trên thực tế, mỗi người đều có một sự tính toán riêng bởi xuất phát điểm của các gia đình khác nhau, điều kiện kinh tế khác nhau, mong muốn kỳ vọng vào con cái cũng không giống nhau nên sẽ rất khó đưa ra một câu trả lời chung thỏa mãn tất cả mọi người.
Hiện trên thế giới cũng đang có 2 trường phái khác nhau về thời điểm học ngoại ngữ, trường phái nào cũng có những lý luận rất nghiêm túc. Nhiều nước cho trẻ học ngoại ngữ từ ở cấp 1, Châu Âu học cho trẻ học từ 6-9 tuổi.
Tuy vậy, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực này, thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thực tế không có cái gọi là “tuổi vàng” cho việc học ngoại ngữ mà ngược lại, học ngoại ngữ ở độ tuổi nào cũng được với điều kiện là người học đam mê, có phương pháp học đúng đắn và xác định được mục tiêu thật sự.
Chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình, thầy Nguyễn Quốc Hùng kể: “Trước đây, tôi làm quen với tiếng Anh từ cấp 2, học tại trường phổ thông với lịch học một tuần 2 tiết, lên cấp 3 học tiếng Trung và sau này vào đại học mới học lại tiếng Anh. Con gái tôi, học trường công, cũng học tiếng Anh theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cháu không học thêm ở đâu ngoài việc học chính khóa ở trường.
Cho đến mãi sau này, khi vào đại học, theo chuyên ngành tiếng Anh, gia đình mới tập trung đầu tư cho cháu sang Anh học một khóa ngắn hạn, sau đó tiếp tục xin học bổng ở Mỹ và Anh.
Cháu nội và cháu ngoại tôi, hiện đang học lớp 1 cũng không có bạn nào học thêm tiếng Anh. Đây chỉ là cách suy nghĩ của riêng tôi, là kinh nghiệm của gia đình tôi nên có thể phù hợp hoặc không phù hợp với mọi người. Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm, không nhất thiết phải học tiếng Anh quá sớm, nhất là ở lứa tuổi mầm non, khi các cháu còn chưa sõi tiếng mẹ đẻ.
Thay vào đó, khi nào thấy cần thiết thì tập trung đầu tư, học một cách thực sự, bài bản thì dù lên cấp 2 mới bắt đầu, chúng ta vẫn có thể tạo ra những học sinh xuất sắc”.
Cũng theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, với nhiều quốc gia xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, hay còn gọi là xã hội “song ngữ” thì việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm là tương đối phù hợp vì trẻ có môi trường để phát triển.
Còn tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang là xã hội đơn ngữ nên tiếng Anh dù rất quan trọng song vẫn là nhu cầu của từng cá nhân, gia đình. Do vậy, phụ huynh cũng không nên đặt mục tiêu quá cao, không nên đầu tư quá sớm khi con em mình chưa xác định rõ mục tiêu và đam mê. Tuyệt nhiên, đừng vì thấy con nhà người ta đi học mà cũng phải cho con mình đi học.
Cũng đừng tin vào những lời quảng cáo mà áp đặt một độ “tuổi vàng” nào đó cho con phải học ngoại ngữ. Tất nhiên, với những trường hợp trẻ thực sự có năng khiếu ngoại ngữ thì nên đầu tư ngay, nhưng thực tế những trường hợp này rất ít bởi năng khiếu ngoại ngữ thường không bộc lộ quá sớm như những lĩnh vực khác.
Đồng quan điểm này, thầy Lê Quốc Hạnh, nguyên Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội cũng cho biết: Gần đây, đang xuất hiện xu hướng phụ huynh đua nhau cho trẻ đi học ngoại ngữ từ rất nhỏ. Bản thân ông chưa bao giờ ủng hộ việc này.
Theo lý giải của thầy Lê Quốc Hạnh, cho con đi học ngoại ngữ khi tiếng Việt chưa thuần thục là điều không hợp lí, trừ trường hợp bất đắc dĩ như gia đình sẽ đi định cư bên nước ngoài, bố hoặc mẹ là người nước ngoài.
“Tôi thường nhận được các cuộc gọi để xin cho con tầm 2-3 tuổi bắt đầu đi học tiếng Anh và tôi không nhận dạy trẻ ở lứa tuổi này. Đối với trẻ em ở bậc mầm non, phụ huynh nên để các em có tuổi thơ đúng nghĩa của mình. Mục tiêu chính của giáo dục ở lứa tuổi này vẫn là chăm ngoan, lễ phép, vui khỏe, giỏi tiếng Việt. Các gia đình có thể cho con làm quen với tiếng Anh nhưng đừng bắt con phải học quá sớm. Khi các em đã lớn, đã thuần thục tiếng mẹ đẻ, khi đó khả năng học ngoại ngữ của các em vẫn rất tốt. Phụ huynh hiện nay đang bị hội chứng đám đông mà đánh mất tuổi thơ của con. Đừng thấy con hàng xóm đi học ngoại ngữ sớm thì con mình cũng phải đi học bằng được”- thầy Hạnh chia sẻ.
Trả lời câu hỏi trẻ em nên bắt đầu học ngoại ngữ ở độ tuổi nào, chuyên gia Neil Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh cho rằng: Để nghiên cứu về vấn đề gây nhiều tranh cãi này, các nhà nghiên cứu đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả rõ ràng vì gần như không thể tách rời yếu tố độ tuổi ra khỏi các yếu tố liên quan khác như môi trường học tập, động lực và chất lượng giảng dạy.
“Nhiều người cho rằng có một “độ tuổi tốt nhất” cho việc học ngoại ngữ và giai đoạn này sẽ áp dụng cho việc học ngôn ngữ thứ hai. Đây là độ tuổi mà trẻ đang phát triển và bộ não sẽ giúp người học dễ thành công trong việc học ngoại ngữ. Thực tế cho thấy, trẻ học ngôn ngữ thứ hai trước tuổi 15 nhìn chung có nhiều khả năng giao tiếp trôi chảy như người bản xứ hơn” - ông Neil Roberts nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm giảng dạy Hội đồng Anh cũng lưu ý: “Phụ huynh cần phân biệt giữa song ngữ và học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết học sinh đều học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Nó khác với song ngữ. Trong khi đó, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiếng mẹ đẻ của trẻ.”
.