Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201811/vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-cac-dan-toc-thieu-so-trong-viec-gin-giu-bao-ton-ban-sac-van-hoa-822738/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201811/vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-cac-dan-toc-thieu-so-trong-viec-gin-giu-bao-ton-ban-sac-van-hoa-822738/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vai trò của người có uy tín các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/11/2018, 14:17 [GMT+7]

Vai trò của người có uy tín các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa

(Congannghean.vn)-Có thể khẳng định, vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) hết sức quan trọng trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bằng uy tín của mình, người có uy tín đã trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối để trao truyền, giữ và “tiếp lửa” bản sắc văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trước nguy cơ bị mai một, thất truyền

Văn hóa là toàn bộ ứng xử của cộng đồng tộc người với tự nhiên, với xã hội và tạo nên bề dày truyền thống, tạo ra bản sắc riêng của từng dân tộc. Không thể phủ nhận rằng, các giá trị văn hóa DTTS được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hết sức quan tâm và bảo tồn, khôi phục như các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa - nghệ thuật... Đời sống văn hóa tinh thần của các DTTS ở các vùng, miền đều được nâng lên và có nhiều khởi sắc.

Thế nhưng, qua thời gian và xu thế toàn cầu hóa đã làm cho bản sắc văn hóa các DTTS ở miền Tây xứ Nghệ bị mai một và có nguy cơ biến mất. Những mái nhà sàn - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS cũng đã bị thay bằng những ngôi nhà xi măng, nhà giả sàn... Các làn điệu lăm, khắp, xuối, nhuôn của người Thái cũng như các làn điệu dân ca của người Thổ, Khơ mú, Mông... được đúc kết hàng nghìn năm nay và mang những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền.

Tình trạng mai một, khó bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống diễn ra ở hầu hết các cộng đồng người Mông, Thái, Mường, Tày… Không chỉ mai một lễ hội, trang phục, phong tục tập quán mà ngay cả tiếng nói - một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, đồng thời là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người cũng đang có nguy cơ mai một. Thậm chí, hiện nay, có một số dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ. Huyện Tương Dương, nơi có hơn 600 người dân tộc Ơ đu - tộc người cổ xưa nhất hiện đang sinh sống. Dân tộc Ơ đu từng có chữ viết và tiếng nói riêng, tiếng nói theo ngữ hệ Môn-Khmer, có pha trộn nhiều yếu tố Việt - Mường. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn số ít cụ già người Ơ đu biết nói và am hiểu tiếng mẹ đẻ. Những người Ơ đu hiện đều sử dụng tiếng Thái, Khơ Mú và tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp.

Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân do sự giao thoa văn hóa không có chọn lọc, nhận thức và cách tiếp nhận của một số bộ phận, nhất là giới trẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp thực hiện việc bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng văn hóa của đồng bào DTTS đang ngày càng bị biến dạng, mai một và thất truyền. Đặc biệt, thế hệ trẻ bây giờ chỉ thích những thứ có công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính… chứ rất ít mặn mà với những công việc thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm khèn…

Vai trò người có uy tín “giữ và tiếp lửa” cho thế hệ trẻ

Một chuyên gia đã từng nói rằng, mất đi văn hóa dân tộc có nghĩa là mất dân tộc, sẽ dẫn tới sự ra đời của một dân tộc “lửng” không thông thuộc văn hóa của dân tộc nào. Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào từng dân tộc phải có cách giáo dục, đào tạo để chính con em dân tộc mình thấm nhuần, hiểu được truyền thống, văn hóa quý báu của cha ông. Tại Nghệ An, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã có những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa DTTS.

Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được bảo tồn và phát huy
Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được bảo tồn và phát huy

Đơn cử như tại huyện Con Cuông, đã lựa chọn một số làng Thái cổ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nét đặc trưng vốn có nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuyên truyền, vận động dân bản dần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống, quay lại làm nhà sàn phù hợp với phong tục tập quán và nét sinh hoạt cộng đồng. Hay như với trang phục dân tộc, huyện Con Cuông cũng rất lưu tâm bảo tồn tốt, khuyến khích các làng bản dệt thổ cẩm, động viên người dân thường xuyên sử dụng trang phục của dân tộc mình trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi… Ở một số huyện khác như Tương Dương, Kỳ Sơn thì tổ chức các lớp học chữ, tiếng và phong tục tập quán các dân tộc như Ơ đu, Mông… Lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác trên chính là các già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Nghệ An hiện có 1.252 người có uy tín (số liệu năm 2017), gồm nhiều thành phần: Già làng, trưởng bản, trưởng thôn, bí thư chi bộ bản, bí thư chi bộ thôn, trưởng các dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi… gồm các dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ đu, Nùng, Kinh, Hoa. Những người có uy tín chính là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể và nhân dân, nắm bắt tình hình của nhân dân để từ đó kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh việc đi đầu và vận động nhân dân trong xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… thì công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được những người có uy tín trong đồng bào DTTS hết sức chú trọng. Qua đó, góp phần ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS.

Hiện nay, với chức trách và nhiệm vụ của mình, các già làng, trưởng bản vẫn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau cái hồn cốt của dân tộc. Trước hết, họ truyền lại cho con cháu trong nhà, rồi cho lớp trẻ ở trong bản một cách cụ thể, tỉ mỉ nhất về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Cứ như vậy, dần dần theo thời gian, lớp trẻ lớn lên, văn hóa cũng được ngưng tụ trong tâm hồn họ. Ví như làm khèn của người Mông, bên cạnh sự kiên trì, chăm chỉ thì rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi tay, đôi mắt phải tinh anh. Hay với nghề dệt thổ cẩm, khung cửi trong nhà người Mông, người Thái còn rất ít, trong khi đó, người biết dệt ngày càng cao tuổi. Vì vậy, nếu không kịp thời hướng dẫn, trao truyền, khơi dậy cho con cháu cách thức dệt vải truyền thống của dân tộc mình thì việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do những người có uy tín trong đồng bào DTTS hiện nay đều đã cao tuổi, sức khỏe đã yếu nên để phát huy hết hiệu quả, vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các DTTS, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đầu tư, có chương trình, kế hoạch cụ thể và chính sách động viên, bồi dưỡng để tiếp tục phát huy vai trò của họ trong bảo tồn bản sắc văn hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục được giao lưu, học tập kinh nghiệm và có những đề xuất, giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

.

Thu Thủy

.