Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201807/dung-cai-min-vao-tuong-lai-dat-nuoc-806675/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201807/dung-cai-min-vao-tuong-lai-dat-nuoc-806675/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng 'cài mìn' vào tương lai đất nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/07/2018, 08:47 [GMT+7]

Đừng 'cài mìn' vào tương lai đất nước

 


Đáng chú ý phát hiện nghi vấn về gian lận điểm thi lại không phải từ Bộ GD&ĐT mà là bắt đầu từ cộng đồng mạng. Ngay sau khi công bố điểm thi, dư luận lùm xùm về một số thí sinh có "nghi án điểm cao" ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình... Nhiều thầy cô cũng lên tiếng chỉ ra những bất thường, và Bộ GD& ĐT đã phải vào cuộc, yêu cầu kiểm tra, báo cáo. Theo đó, kỳ thi năm nay cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên thì Hà Giang có đến 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37% cả nước. Đáng chú ý là số thí sinh cả nước có 925.000 thí sinh, trong khi Hà Giang chỉ có 5.500 thí sinh (gấp 170 lần).

Sự gian dối trong thi THPT quốc gia đã bị bóc trần ở Hà Giang rồi Sơn La. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát và khẳng định không có dấu hiệu tiêu cực ở Lạng Sơn và Hòa Bình nhưng dư luận vẫn nghi ngờ bởi có quá nhiều những "chứng cứ" đang lan truyền trên mạng, dù không muốn tin người ta cũng phải đặt dấu hỏi?

Không phủ nhận những yếu tố tích cực của kỳ thi THPT quốc gia, nhưng phải thừa nhận rằng kỳ thi dường như đang có những bất cập cần khắc phục. Dư luận cho rằng, khi bệnh thành tích còn khá trầm trọng như hiện nay nếu giao quyền tự chủ quá lớn trong chấm và coi thi, công tác giám sát thiếu chặt chẽ hoặc có sự "bắt tay" thì kiểu gì cũng cho "tươi" điểm với môn tự luận. Còn các môn trắc nghiệm thì như mọi người đã thấy, những lỗ hổng chết người trong khâu chấm thi đã tạo điều kiện cho những kẻ biến chất như ông Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, ông Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cùng 4 thuộc cấp phù phép nâng điểm vô tội vạ!?

Dù có lạc quan đến mấy cũng thật khó tin một tỉnh miền núi xa xa, không có truyền thống học hành, ít thầy cô dạy giỏi hơn, cơ sở vật chất giáo dục kém hơn lại có nhiều thủ khoa, và điểm cao ngất ngưởng như Hà Giang. Đất khoa bảng như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa... cũng phải chào thua dù tỉnh này có điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018 thuộc top dưới cùng.

Thầy Đào Tuấn Đạt - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đã thẳng thắn trả lời trên Dân trí rằng: “Đây là một kết quả đáng ngờ. Với một đề thi chung thì số điểm giỏi sẽ nằm rải rác ở các địa phương và thường tập trung ở những địa phương có truyền thống và thành tích giáo dục cao như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa... và điểm giỏi thông thường sẽ tập trung ở những địa phương này".

Báo chí và dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có thể có kẽ hở gì trong các quy trình chấm thi khiến điểm cao vọt? Về điều này, thầy Đào Tuấn Đạt phân tích, quy trình dù có chặt chẽ nhưng nên nhớ nó được vận hành bởi con người. Chấm trắc nghiệm bằng máy nhưng đừng quên chính con người vận hành cái máy đó.

Thầy Đạt phân tích, với môn tự luận, hội đồng chấm khó để viết thêm hoặc tráo bài thì với môn trắc nghiệm thì chỉ cần một cái tẩy với một cây bút chì, có thể dễ dàng và đủ để nhanh chóng thay đổi các đáp án đã chọn (?).

Mấy năm trước chưa có một kỳ thi THPT quốc gia như bây giờ, địa phương nào cũng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót, học sinh có điểm cao nhưng nghịch lý lúc thi đại học vẫn môn đó, khối đó lại chỉ lẹt đẹt vài ba điểm. Không ít trường top trên (đặc biệt là các trường CAND) đều có phương án rút bài thi để hậu kiểm nếu phát hiện nghi vấn hoặc bất thường.

Chất lượng "đầu vào" của một số thí sinh cũng có vấn đề. Nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Thu Hằng, Trưởng Khoa báo chí, Học viện báo chí và Tuyên truyền Hà Nội đã phải thốt lên, không hiểu sao nhiều em đỗ điểm cực cao nhưng khi vào trường dạy mãi không viết nổi cái tin 200 từ!?

 

Bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh khá trầm kha từ nhiều năm nay. Tình trạng cả lớp học sinh giỏi, lên lớp 3, lớp 4 chưa biết đọc, chỉ biết "vẽ" chữ báo chí đã từng phản ánh nhiều. Bạn học THPT của người viết bài này có hơn 10 người theo nghề giáo, có 3 người hiện là hiệu phó, hiệu trưởng trường THCS, hỏi biết không? "Biết chứ nhưng nếu cho học sinh kém đồng nghĩa thầy dạy kém, bị luân chuyển về vùng sâu, vùng xa là chắc chắn nên đành tặc lưỡi".

Thầy giáo dạy Toán của tôi ngày xưa nổi tiếng nghiêm khắc, bây giờ vẫn chưa nghỉ hưu khi được hỏi cũng chỉ biết lắc đầu bất lực. Thầy bảo, lỗi tại hệ thống thì chỉ đập đi làm lại chứ sửa chữa chỉ vá víu mãi thôi, rốt cuộc con em chúng ta lãnh đủ!?.

Nghỉ hè năm nay ngay giữa thủ đô Hà Nội, nhưng cô bạn tôi vẫn đang cho con học thêm dù điểm tổng kết các môn toàn 8,5 đến 9,5, hỏi ra chính các con bảo thầy cô toàn cho điểm đẹp chứ thật ra chỉ ở mức trung bình!?.

Con người bạn tôi lúc ở tỉnh nọ toàn đứng đầu lớp, đầu khối nhưng khi chuyển về một trường khá nổi tiếng ở Hà Nội, chỉ xếp ở top giữa và nửa cuối và phải học thêm 5/7 ngày trong tuần. Khi thông báo điểm thi THPT năm nay nó thắc mắc với bố mẹ sao các bạn cũ của con ở trên đó điểm cao thế, bạn mình chỉ biết đổ tội cho may mắn!?

Người viết bài này khi ngồi với nhau lúc trà dư tửu hậu đều "phàn nàn", ngày xưa thế hệ mình học dốt thật, cả khối lớp 12 mấy trăm học sinh, chỉ có 2 học sinh giỏi, lớp mấy chục đứa chỉ vài ba người đạt học sinh tiên tiến. Bây giờ các con toàn siêu nhân, tiểu học thì quá nửa học sinh giỏi, nhìn học bạ của con mà lo lắng cho tương lai chúng nó!?.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục - một trong số những thầy giáo trẻ hot nhất trên mạng xã hội hiện nay khi thấy điểm cao bất thường ở Hà Giang đã phải thốt lên rằng: "Hy vọng là sẽ có thêm nhiều "góc khuất" được đưa ra ánh sáng".

"Rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng và sự dũng cảm của những người trong cuộc. Thứ chúng ta cần là một cuộc thi công bằng, đáng tin cậy. Xã hội đã quá nhiều giả dối rồi nhưng xin đừng để nó len lỏi vào một kỳ thi ở tầm vóc như kỳ thi THPT quốc gia!".

Sự giả dối đã bị lột mặt nạ. Hy vọng các "nghi án" tiếp tục được trả lời trước dư luận. Sai phải xử lý nghiêm, đúng trả lại sự công bằng cho các thí sinh và địa phương. Đừng dạy các em nói dối ngay trước ngưỡng cửa vào đời. Sai lầm về giáo dục không khác gì cài mìn vào tương lai của chính mình. Đợi đấy nó chưa nổ thôi!?

 

.

Nguồn: Báo CAND