(Congannghean.vn)-Nghệ sỹ nhân dân (NSND) An Phúc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật lâu đời. Ông có 3 người con thì có 2 người nối nghiệp cha đi theo con đường nghệ thuật. NSND An Phúc chia sẻ rằng, “máu” nghệ thuật không chỉ ăn sâu vào người ông mà cả gia đình, dòng tộc, bởi thế mà con cháu trong dòng họ dường như sinh ra là để hát, sáng tác và cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật. Trong đó, tiêu biểu là cố nhạc sỹ An Thuyên - người nhạc sỹ tài hoa với những bài ca đi cùng năm tháng.
Dù đã nghỉ hưu nhưng với NSND An Phúc, niềm đam mê nghề diễn chưa bao giờ tắt |
Ngay từ nhỏ, NSND An Phúc đã được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ gia đình, để rồi niềm đam mê cứ thế được ươm mầm và nuôi dưỡng cho đến suốt cả cuộc đời làm nghề của ông. Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật với vai trò là diễn viên chính của Nhà hát dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), dù đã nghỉ hưu được 2 năm nhưng “máu” nghệ thuật trong ông vẫn chưa bao giờ vơi giảm, trái lại chỉ cần nghe thấy tiếng nhạc thôi cũng khiến ông rạo rực. Cả cuộc đời làm nghệ thuật, điều mà ông tiếc nuối nhất đó là thời gian. Thời gian đã lấy đi của ông sức khỏe và tuổi thanh xuân khiến ông chẳng thể đứng trên sân khấu được nữa nhưng giọng hát thì vẫn còn mượt mà, cuốn hút lắm.
Rời ánh hào quang sân khấu, trở về quê nhà, ông dành nhiều thời gian để truyền dạy, hướng dẫn, bồi dưỡng cho câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở địa phương. Nhờ đó mà nhiều năm gần đây, CLB dân ca xã Quỳnh Thắng đã dành được nhiều giải cao trong các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm cấp huyện, tỉnh. Mới đây nhất là đạt giải 3 tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016.
Người phát hiện ra khả năng và đưa ông đến với sân khấu không ai khác chính nhạc sỹ An Thuyên (chú ruột của ông). “Thấy tôi có năng khiếu, chú An Thuyên dẫn tôi xuống gặp Sở Văn hóa rồi đi vào đoàn nghệ thuật của địa phương. Sau khi thi tuyển, tháng 9/1973, tôi nhận được quyết định trở thành diễn viên đoàn chèo Nghệ An. Vào công tác không lâu thì tôi trúng tuyển Trường Sân khấu Việt Nam (hiện là Trường Sân khấu điện ảnh) và được cử đi học. Sau khi học xong, tôi trở về đoàn chèo công tác, năm 1991, đoàn chèo sáp nhập vào Nhà hát dân ca”, NSND An Phúc nhớ lại.
Đó cũng là thời gian đánh dấu bước ngoặt ông đến với dân ca. Ông mất gần nửa năm để tập hát và làm quen với dân ca. Khi đó, việc hát dân ca đối với ông không đơn giản chỉ là để theo nghề mà đó còn là trách nhiệm của một người con, người nghệ sỹ đối với sản vật văn hóa của quê hương. Với những nghệ sỹ ở Trung tâm Phát huy và bảo tồn dân ca xứ Nghệ thì NSND An Phúc là một trong những “linh hồn” của nhà hát, là người luôn “tiếp lửa” cho những nghệ sỹ, diễn viên trẻ cống hiến, cháy hết mình trên sân khấu.
Hơn 40 năm đứng trên các sân khấu lớn nhỏ toàn quốc, ông đảm nhận hàng trăm vai diễn và giành nhiều Huy chương Vàng, Bạc và các giải thưởng lớn trong những kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc và cấp tỉnh. Mỗi vai diễn mang một màu sắc khác nhau nhưng với gương mặt phúc hậu của mình nên hầu hết ông đều được đóng vai chính diện. Những vai diễn từng gắn với tên tuổi của ông như bác sĩ Hải trong vở “Đôi mắt”, Bính trong “Chiếc nón bài thơ”, Lân trong “Chuyện tình trong rừng cấm”, Thái tử Kiên trong “Chuyện tình ông Vua trẻ”…
Tuy nhiên, vai diễn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, tình cảm tốt đẹp trong lòng khán giả đó là vai Bác Hồ. Nhắc đến vai diễn Bác Hồ, khán giả xứ Nghệ nhớ ngay đến NSND An Phúc, hay nói cách khác nói đến nghệ sỹ An Phúc người ta lại nhớ đến vai diễn Bác Hồ. Không chỉ người Nghệ mà đông đảo khán giả trong Nam, ngoài Bắc đều rất mến mộ tài năng của ông. Những vai diễn Bác Hồ ông đã từng thể hiện như “Lời Người lời của nước non”; “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng”; “Bác Hồ - lời Bác sáng lòng ta”; “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”… đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả bởi ông vào vai quá đạt, từ thần thái, ánh mắt…, đặc biệt là giọng nói. Và để có những vai diễn thành công như vậy là cả một quá trình khổ luyện của người nghệ sỹ.
Năm 2016, nghệ sỹ An Phúc được phong tặng danh hiệu NSND cùng với NSND Tiến Dũng, NSND Hoàng Thành. Được phong tặng danh hiệu cao quý sau khi đã nghỉ hưu với ông đó là một cái kết có hậu cho cả quãng đời làm nghệ thuật không biết mệt mỏi của mình. Và khi không còn đứng trên sân khấu nữa, ông dành nhiều thời gian để trao truyền làn điệu dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ. Bởi với ông, chỉ có như vậy thì dân ca ví, giặm mới có sức sống lâu bền và phát huy giá trị đến thế hệ mai sau.