(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, hiện còn gần 30% số trường học (từ tiểu học đến phổ thông) trên cả nước chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt phục vụ học sinh, giáo viên; trong đó có một số trường học trên địa bàn Nghệ An.
Hiện, học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh sử dụng các loại nước uống hàng ngày gồm: Nước sôi do nhà trường tự đun nấu, nước của gia đình, nước đóng bình tinh khiết hoặc nước từ hệ thống tự lọc. Tuy nhiên, hiện Sở GD&ĐT Nghệ An chưa đánh giá, kiểm nghiệm được chất lượng nguồn nước lọc từ các máy lọc nước hoặc nước tinh khiết được đóng sẵn trong các bình.
Trong khi đó, số trường sử dụng nguồn nước này ngày càng nhiều, với 872 trường ở các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 184 trường ở bậc THPT (cao gần gấp 3 lần so với các hình thức còn lại).
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP Vinh) uống nước lọc đã được xử lý |
Điển hình là tại Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP Vinh). Qua tìm hiểu của chúng tôi thì vấn đề lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Từ tháng 1/2013, Ban giám hiệu nhà trường bắt đầu ký hợp đồng với Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại và đầu tư Hải Hà (Khu công nghiệp Đông Vĩnh, TP Vinh) để đầu tư công trình trạm uống nước học đường.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường: Quá trình ký kết, phía nhà trường không phải bỏ ra khoản kinh phí nào. Tuy nhiên, nhà trường sẽ thu phí để thu hồi vốn đầu tư theo số lượng học sinh thực tế của Trường trong vòng 7 năm để hoàn phí cho Công ty.
Tuy nhiên, về chất lượng hoạt động thực tế của máy thì ban giám hiệu nhà trường không nắm được, bởi máy đặt trên phần mái của tầng 2 dãy nhà dạy học và được phủ kín. Qua tìm hiểu, sau gần 3 năm ký kết, công ty cung ứng máy lọc nước đã tăng giá nước 3 lần, từ 11.000 - 11.500 đồng và nay là 15.000 đồng/học sinh/tháng. Mặc dù vậy, từ năm 2013 đến nay, công ty chỉ mới cung cấp duy nhất một lần phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ số nước sạch cho nhà trường.
Theo ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: “Bất cứ máy lọc nước dù hoạt động theo công nghệ nào thì cũng phải thay lõi lọc nước theo định kỳ để đảm bảo việc lọc nước có chất lượng. Bên cạnh đó, ít nhất 6 tháng/lần, các công ty phải đi lấy mẫu, xét nghiệm nguồn nước theo quy định... Nhưng thực tế, hiện nay, tại các trường học có rất nhiều công ty đến đề nghị lắp đặt hệ thống máy lọc nước; tuy nhiên, về chất lượng nguồn nước thì chưa kiểm soát được”.
Tại các điểm trường ở miền núi, bên cạnh việc nguồn nước không đảm bảo còn xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Chỉ mới đầu mùa khô nhưng thầy trò Trường Mầm non Châu Thái thuộc vùng 135 của huyện Quỳ Hợp đã phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng, bởi tất cả các giếng trong trường đã cạn kiệt. Giải pháp duy nhất hiện nay là vận động giáo viên và phụ huynh mỗi ngày đưa đón con đi học mang theo một can nước để các cháu sử dụng.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Vũ Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 3 điểm trường thì cả ba nơi đều thiếu nước sạch trầm trọng. Nhà trường cũng đã tính đến việc đào giếng khoan nhưng ở đây địa hình cao, núi đá nhiều nên kinh phí cao gấp 10 lần so với các nơi khác” .
Trên toàn địa bàn huyện Quỳ Hợp, tình trạng khan hiếm nước sạch cũng xảy ra tại nhiều điểm trường khác như: Văn Lợi, Minh Hợp, Tam Hợp và vùng ngã 3 Săng Lẻ.
Tình trạng thiếu nước sạch vào mùa khô diễn ra phổ biến ở các huyện vùng núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong với khoảng 25% số trường không đủ nước sạch để sử dụng hoặc nước bị phèn chua. Điều này dẫn đến tình trạng nước uống cho học sinh chưa đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Điển hình như ở huyện Tương Dương, hiện có 59 trường và điểm trường học sinh đang phải tự túc nước uống hàng ngày; huyện Anh Sơn có 6 điểm trường, huyện Kỳ Sơn có 18 điểm trường...