(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Sau khi được hoàn thiện và thông qua, dự kiến lộ trình thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng từ năm học 2018 - 2019 theo hình thức cuốn chiếu. Có thể thấy, với nhiều điểm mới trong cách thức xây dựng nội dung chương trình theo hướng tích hợp kiến thức liên môn, chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng thực hành để giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống, đội ngũ giáo viên được xem là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của chương trình.
Theo dự thảo, thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể kéo dài 12 năm, bao gồm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (Tiểu học 5 năm và THCS 4 năm) và định hướng nghề nghiệp (THPT 3 năm). Hệ thống các môn học được thiết kế thống nhất giữa các lớp trước và lớp sau, trong đó tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên. Tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn trong chương trình hiện hành, đồng thời có sự điều chỉnh để phản ánh nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục của mỗi môn trong từng cấp học.
Đơn cử, môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục đạo đức - công dân có các tên gọi: Giáo dục lối sống (ở bậc Tiểu học), Giáo dục công dân (bậc THCS) và Công dân với Tổ quốc (bậc THPT). Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và tự chọn, tỉ lệ môn tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Ở bậc THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định.
Dựa theo cách thức sắp xếp hệ thống các môn học và cấu trúc nội dung chương trình tương ứng với từng bậc học, có thể thấy, điểm mới cơ bản trong thay đổi chương trình giáo dục phổ thông lần này nằm ở việc chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh hơn là việc chỉ quan tâm trang bị kiến thức như bấy lâu nay. Để làm được điều này, đội ngũ giáo viên cần có sự thay đổi để thích ứng kịp thời, nhất là phải có sự điều chỉnh mạnh về “chất” trong phương pháp giảng dạy.
Theo đó, việc giáo viên từ bỏ lối dạy theo kiểu đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều là yêu cầu tiên quyết. Thực chất của lối dạy “thầy đọc - trò chép” là một hình thức hoạt động truyền thụ kiến thức một cách bị động, áp đặt của giáo viên. Như vậy, khi nói rằng, phương pháp dạy học là cách thức hoạt động của giáo viên trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp học sinh chủ động đạt được mục tiêu bài học, thì chưa bao giờ hình thức “đọc - chép” được xem là phương pháp dạy học đúng nghĩa.
Bên cạnh sự thay đổi, điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy của giáo viên, các trường ĐH, CĐ sư phạm cũng phải thay đổi cách thức đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai nhằm đáp ứng sự thay đổi của chương trình giáo dục. Có một thực tế đã tồn tại lâu nay là việc giảng dạy trong các trường sư phạm đang chú trọng nhiều đến năng lực học tập mà chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Trong khi đó, chương trình đào tạo sư phạm còn mang nặng tính hàn lâm, lý luận về phương pháp dạy học chưa thực sự gắn với thực tiễn.
Không ít sinh viên sư phạm hiện còn có quan niệm phiến diện rằng: Cứ học giỏi là có thể dạy tốt. Chính vì vậy, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm có phần bị sao nhãng. Qua tìm hiểu thực tế các đợt thực tập của sinh viên sư phạm ở một số trường THPT cho thấy, không ít sinh viên có kiến thức chuyên môn khá tốt nhưng lại tỏ ra lúng túng, máy móc trong việc xử lý các tình huống sư phạm.
Quá trình đổi mới giáo dục hiện nay đặt ra cho các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm yêu cầu phải thay đổi cách thức đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên tương lai. Theo đó, đào tạo sinh viên ngành sư phạm cần kết hợp đủ ba yếu tố, bao gồm: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Đây là công việc cần phải thực hiện ngay, nhất là khi thời điểm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề.