Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201511/nhung-doa-hoa-tham-lang-648371/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201511/nhung-doa-hoa-tham-lang-648371/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những đóa hoa thầm lặng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 23/11/2015, 14:24 [GMT+7]

Những đóa hoa thầm lặng

(Congannghean.vn)-Trong lớp học ấy, thi thoảng lại vang lên những tiếng la hét, khóc lóc của học sinh. Đang học, có em bỏ chạy ra khỏi lớp, cô giáo chỉ kịp gọi với theo. Đó chỉ là một trong hàng trăm tình huống thường gặp của các thầy cô giáo mà nếu như không có tình yêu thương học trò và cả sự kiên nhẫn thì sẽ chẳng ai dám làm công việc này. Dạy một học sinh bình thường đã khó, với các em khuyết tật thì càng khó khăn gấp bội.

Lớp học mà chúng tôi nói đến thuộc Trung tâm Giáo dục, dạy nghề khuyết tật Nghệ An. Khi tôi ghé thăm, cô và trò lớp khuyết tật trí tuệ đang trong giờ lên lớp. Theo giới thiệu của cán bộ Trung tâm, những lớp học ở đây không phân biệt độ tuổi, trình độ và giáo viên cũng không có một giáo án nào chung cho tất cả học sinh.

Cô giáo Đặng Mai Liên và các em khuyết tật trí tuệ trong giờ học văn hóa
Cô giáo Đặng Mai Liên và các em khuyết tật trí tuệ trong giờ học văn hóa

Học sinh của lớp học do cô Đặng Mai Liên (SN 1982) làm chủ nhiệm mới nhập học đầu năm học này nên cô Liên gặp rất nhiều khó khăn. Trong lớp có 14 học sinh thì cả 14 cháu đều bị các loại khuyết tật khác nhau, như khuyết tật trí não, khuyết tật vận động. Nghề giáo đòi hỏi sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ và đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật thì những điều này còn quan trọng hơn nhiều lần. Nếu người thầy không kiên trì, nhẫn nại và có tình yêu thương chân thành với trẻ thì không thể bám trụ được với nghề. Hy sinh nhiều nhưng hạnh phúc mà các thầy cô nhận lại rất đơn giản. Đó là sự tiến bộ, lạc quan của các em qua từng ngày, gieo vào lòng những học trò nhỏ niềm tin trong cuộc sống, giúp các em tự khẳng định bản thân và hòa nhập với cộng đồng.

Khi đang là giáo viên THPT, năm 2006, cô Liên nộp đơn xin vào dạy học ở Trung tâm. Cô thấu hiểu những khó khăn, vất vả khi chăm sóc những người kém may mắn này. Từ tình yêu thương và cảm thông với những người khuyết tật, cô luôn tìm cách để có thể nắm bắt tâm lý, tình cảm của họ, từ đó hình thành cho họ những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Cô chia sẻ: “Đối với các em bị khiếm thính, cô giáo có thể giao tiếp bằng thủ ngữ, điệu bộ, nhưng với những em bị khuyết tật trí tuệ thì việc dạy học rất khó khăn. Mỗi em có một trình độ nhận thức, biểu hiện khác nhau nên cô giáo cũng phải tìm ra những phương pháp dạy riêng. Với những em này, mình phải luôn mềm mỏng, nhắc nhở nhẹ nhàng thì các em mới chịu lắng nghe và hợp tác”.

Chồng cô Liên cũng đang công tác tại đây. Dường như sự đồng cảm, sẻ chia với những thân phận khiếm khuyết đã giúp những người thầy, người cô tìm thấy điểm chung và đưa họ đến gần nhau. Ngoài vợ chồng cô Liên, ở Trung tâm này còn có nhiều người đã nên duyên vợ chồng.

Trông thấy cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Lài, các em học sinh trong lớp hướng nghiệp Thêu 2 ùa ra đón cô. Người cầm mũ, người mang cặp, dắt xe vào gara, có những em nhỏ hơn còn sà vào lòng cô âu yếm. Sống xa gia đình, sự yêu thương, dìu dắt và gần gũi của các cô khiến các em luôn thấy mình được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Các em trong lớp này chủ yếu là người ở các huyện khác đến, mới nhập học được hơn 2 tháng. Những ngày đầu vào lớp, các em bị chấn động tâm lý, khóc lóc cả ngày, thậm chí có em còn xua đuổi, chửi bới cả cô giáo. Tuy nhiên, với tình thương và kinh nghiệm hơn 20 năm công tác, cô Lài đã vỗ về, an ủi và dang rộng vòng tay che chở, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ để các em vơi đi nỗi nhớ nhà.

Từ chỗ xua đuổi, xa lánh, giờ đây, các em lúc nào cũng quấn quýt bên cô. Hiện cô Lài là giáo viên chủ nhiệm lớp Thêu 2, trực tiếp dạy 16 em khuyết tật vận động, khiếm thính và khuyết tật trí tuệ. Học nghề thêu đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ đến từng đường kim mũi chỉ, người bình thường học thành thạo nghề mất vài ba tháng thì những học viên này phải hơn 2 năm mới thêu được sản phẩm. Để các em hiểu, cô giáo phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, cầm tay chỉ dẫn từng mũi kim, đường chỉ. Cô Lài vừa nói, vừa giảng bằng hình ảnh trực quan sinh động, vừa sử dụng thủ ngữ, điệu bộ để từng đối tượng hiểu và nắm được những kỹ năng cơ bản về thêu thùa. Nhìn những cô học trò nhỏ mới nhập trường, cô Lài cười hạnh phúc: “Các em có năng khiếu lắm, mới học hơn 2 tháng nhưng đã biết thêu các nét đơn giản. Nếu thực sự có đam mê và được rèn luyện, chỉ vài năm nữa các em sẽ thành thợ giỏi”.

Bên cạnh các lớp học văn hóa, Trung tâm chủ yếu đào tạo hướng nghiệp cho người khuyết tật. Hiện nay, Trung tâm có 27 giáo viên dạy văn hóa cho khối tiểu học và dạy 5 nghề cơ bản: Mộc, may, thêu, điện dân dụng, công nghệ thông tin cho hơn 250 học viên. Ông Dương Công Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Đối với học văn hóa, ngoài khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm được phép cải biên phù hợp với đối tượng học sinh. Về đào tạo hướng nghiệp, riêng sản phẩm nghề may và mộc đẹp, có tính thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu thị trường. 100% học viên sau khi học nghề đều tìm được việc làm, một số doanh nghiệp đã đến Trung tâm để tuyển lao động. Ông Chiến cũng chia sẻ thêm, xã hội càng phát triển thì trẻ bị khuyết tật có những biểu hiện phức tạp hơn, ngôn ngữ ký hiệu của những đối tượng này vì thế cũng đa dạng hơn. Vì vậy, ngoài giáo trình ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên phải thường xuyên gần gũi với học trò, nghiên cứu cụ thể trường hợp từng đối tượng để nắm bắt tâm lý của các em.

Ngày lễ 20/11, trong khi các thầy cô giáo khác được học trò chúc mừng, tri ân với những bó hoa tươi thắm thì các thầy cô ở những lớp học đặc biệt này lại phải tự mua hoa đến lớp, sau đó đưa cho các em để tặng lại thầy cô và giải thích về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam. Qua đó, nhắc nhở, giáo dục các em phải biết kính trọng, biết ơn thầy cô giáo. Với họ, nhìn thấy các em tiến bộ từng ngày là niềm hạnh phúc lớn lao, hơn bất kỳ bông hoa, món quà nào. Họ chính là những đóa hoa đang lặng lẽ tỏa hương, những tấm gương nhà giáo miệt mài, hy sinh thầm lặng vì trẻ khuyết tật. Nguyện vọng, mong muốn lớn nhất của các thầy cô nơi đây là sự cộng tác, hỗ trợ từ phía gia đình các em, nhằm giúp các em nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

.

Huyền Thương

.