(Congannghean.vn)-Với tổng cộng 4 đợt xét tuyển, thời gian kéo dài hơn 2 tháng và cơ chế xét tuyển khá “thoáng”, những tưởng các trường ĐH sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc “lấp đầy” các chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra ở chiều ngược lại.
Ngày 20/10 là thời hạn cuối cùng kết thúc các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng nhiều trường ĐH vẫn vắng bóng thí sinh đến đăng ký xét tuyển, nhất là với các trường thuộc “tốp dưới”.
Đối với khoảng 30 trường ĐH thuộc “tốp trên”, việc tuyển sinh cơ bản đã được hoàn tất ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Không chỉ nhanh chóng tuyển đủ số chỉ tiêu được giao, các trường này còn có điểm tuyển đầu vào một số ngành học cao hơn so với mọi năm từ 1,5 đến 2 điểm.
Điều này đã chứng tỏ một thực tế là, những trường ĐH giữ được “chữ tín” về chất lượng đào tạo vẫn là địa chỉ tin cậy được nhiều thí sinh lựa chọn để theo học. Phần lớn đó là những trường có bề dày truyền thống nhưng điều làm nên sức hút đối với thí sinh chính là cơ hội tìm được việc làm sau khi rời giảng đường. Nghĩa là, ngành nghề, chất lượng đào tạo của nhà trường có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, số trường nhanh chóng tuyển đủ chỉ tiêu không phải là nhiều trong tổng số các trường ĐH trong và ngoài công lập trên cả nước.
Việc thí sinh chỉ đăng ký vào những trường có chất lượng cao đã gây khó khăn cho các trường đại học “tốp dưới” |
Ngoài đợt tuyển sinh thứ nhất kéo dài 20 ngày, các trường còn có thêm 3 đợt tuyển sinh bổ sung. Mặc dù vậy, không ít trường ĐH vẫn rơi vào cảnh “ế ẩm” trong khâu tuyển sinh. Phần lớn các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu đều thuộc “tốp dưới”, bao gồm cả các trường trong và ngoài công lập, nhưng thiếu nguồn tuyển nhiều hơn chủ yếu vẫn là các trường ngoài công lập.
Trường thiếu ít cũng dao động trong khoảng 300 - 500 chỉ tiêu, trường thiếu nhiều lên tới cả nghìn chỉ tiêu. Trong đó, có một số trường thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Dù các trường này chỉ nhận được số hồ sơ ít ỏi qua các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng số thí sinh đến nhập học thực tế còn ít hơn do quy định trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có 3 phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển ở 3 trường khác nhau. Do đó, chỉ khi thí sinh đến làm thủ tục nhập học, nhà trường mới biết chính xác thí sinh đó có theo học tại trường hay không.
Lý giải vì sao mùa tuyển sinh năm nay thí sinh không mấy “mặn mà” với các trường ĐH “tốp dưới”, nhất là các trường ngoài công lập, dù cơ chế xét tuyển khá “thoáng”, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề chênh lệch về mức học phí thì chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường vẫn là yếu tố then chốt chi phối quyết định của các thí sinh.
Hiện cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập. Trong đó, có không ít trường dù đã được đầu tư về cơ sở vật chất nhưng số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, chương trình học thiếu linh hoạt, không phù hợp đã dẫn tới chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế.
Trong lúc các cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có khả năng hoàn thành tốt công việc được giao thì số cử nhân tốt nghiệp ra trường hàng năm vẫn không thể khỏa lấp được chỗ trống ấy. Đơn giản là bởi, thời gian được đào tạo ở bậc ĐH, nhiều sinh viên đã không được học những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng.
Thực trạng nhiều trường ĐH khan hiếm nguồn tuyển một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với các trường ĐH. Dù nhiều trường phải đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có người học nhưng đó có thể xem là sự sàng lọc cần thiết, nhất là trong bối cảnh các trường ĐH đang “nóng” về số lượng thời gian qua. Rõ ràng, bản thân các trường ĐH muốn tồn tại, phát triển ổn định, bền vững thì không còn cách nào khác phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn chặt khâu đào tạo với nhu cầu của xã hội.