(Congannghean.vn)-Năm học 2015 - 2016, cùng với việc nâng cao trình độ học vấn, giáo dục văn hóa, ngành Giáo dục Nghệ An đang tích cực đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT.
Những năm qua, do tâm lý phải học cho “bằng bạn, bằng bè” cũng như việc coi trọng bằng cấp nên một bộ phận học sinh ở bậc THPT đã lựa chọn ngành nghề chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Nghệ An hiện có 64 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở công lập và 26 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Bình quân mỗi năm, các trường đào tạo trên 40.000 lao động có kỹ thuật. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 18.000 học sinh THPT không đỗ đại học, nhưng chỉ có 27% trong số này đăng ký vào học ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Với bậc THCS, tỉ lệ học sinh sau THCS học lên THPT những năm qua luôn trên 80%.
Mỗi năm toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh sau THCS không vào THPT, nhưng chỉ có khoảng 20% trong số này vào học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, dạy nghề...
Trong khi đó, theo chủ trương phân luồng cho học sinh các bậc học của Bộ GD&ĐT đề ra, thì chỉ tiêu đối với học sinh sau THCS có khoảng 70% tiếp tục học THPT và 30% vào các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, học giáo dục thường xuyên hoặc tham gia lao động.
Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc |
Bước vào năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai kế hoạch phân luồng hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, tại các trường THCS, THPT cần thực hiện công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ sự phân luồng hướng nghiệp.
Đồng thời, tăng cường liên kết với các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề... tổ chức những buổi tư vấn hướng nghiệp để các em đưa ra quyết định đúng đắn trong quá trình chọn nghề, đảm bảo phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu xã hội.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, tại Nghệ An, có gần 12.500 em học sinh lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm 37,26%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn học sinh chủ động chọn trường nghề làm đích đến tiếp theo sau 12 năm học phổ thông.
Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là một trong những trường đang thực hiện thí điểm dạy văn hóa, đồng thời liên kết với các trường TCCN dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho những học sinh có nhu cầu.
Thầy Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2014 - 2015, trường có 196/330 học sinh lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Như vậy, có tới 60% học sinh có nhu cầu học nghề thay vì đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nhận thấy nhu cầu đó, năm học 2015 - 2016, trường tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp phân luồng cho học sinh. Chúng tôi đã tổ chức phát phiếu thăm dò học nghề cho các em, đồng thời thực hiện cho học sinh đăng ký ôn thi tốt nghiệp. Kết quả bất ngờ khi có 130 học sinh, trong đó có cả học sinh đang học lớp 10 và lớp 11 đăng ký vừa học văn hóa, vừa học nghề”.
Những năm gần đây, tại các trường dạy nghề cũng đã chú trọng quan tâm đến nhu cầu cũng như năng lực thực sự của cá nhân, quan tâm đến chất lượng của công tác giáo dục hướng nghiệp. Các trường này đã làm tốt công tác phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để có sự hướng nghiệp đúng đắn cho các em học sinh. Nhiều trường dạy nghề đã đến các trường THPT, thực hiện tư vấn tuyển sinh, trao đổi, hướng nghiệp cho các em.
Trung tâm GDTX TP Vinh luôn là địa chỉ tin cậy, thu hút học viên tìm đến bởi việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Cụ thể như: GDTX cấp THPT cho học sinh diện phân luồng sau tốt nghiệp THCS; dạy nghề phổ thông cho học sinh THPT; dạy và tổ chức cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; các lớp trung cấp nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật...
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của Trung tâm thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn để gửi học sinh đi thực hành...
Như vậy, thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho các em học sinh sau THCS hay THPT. Sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT, các em muốn đi đâu, làm nghề gì hay ở nhà lao động, tự sản xuất kinh doanh cũng đều phải học. Đào tạo căn bản trước khi đi làm sẽ là tiền đề quan trọng để các em tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực của bản thân.