(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc xây dựng tủ sách pháp luật là một trong những chủ trương quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Sự cần thiết của tủ sách pháp luật ở cơ sở
Hiện nay, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 1 tủ sách pháp luật (TSPL); 100% UBND xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động của TSPL. Trung bình 1 TSPL cấp xã có 50 đầu sách, các cơ quan, đơn vị có 20 đầu sách. Hàng năm, mỗi TSPL cấp xã bổ sung 15 đầu sách, các cơ quan, đơn vị bổ sung 10 đầu sách/năm.
Cần những giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả của tủ sách pháp luật tại các địa phương |
Với mong muốn đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân, huyện Con Cuông đã trích kinh phí mua 6 đầu sách cho 127 thôn, bản. Ở Tân Kỳ, mô hình Tủ sách gia đình của 2 cá nhân ở xã Kỳ Sơn đã phát huy hiệu quả tích cực. Tại Hưng Nguyên, xuất hiện TSPL ở nhiều xóm, như xóm 4A, 5B, 2A, xã Hưng Đạo và xóm 8, 9, xã Hưng Tân, ngoài ra còn có “Thư viện cây tùng”…
Ông Cao Văn Kiều trú tại xóm 12, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cho biết: “Từ ngày có TSPL, tôi thường xuyên mượn sách để tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu gặp những vấn đề khó hiểu hoặc chưa hiểu rõ, tôi thường nhờ cán bộ tư pháp giải thích cặn kẽ. Sau đó, tôi truyền đạt các nội dung trên với con cháu, bà con lối xóm, để từ đó mọi người tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước”. Ông Đặng Văn Quý trú tại xóm 3, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu chia sẻ: “Việc mượn sách ở TSPL rất đơn giản, chỉ cần liên hệ với cán bộ quản lý thì sẽ mượn được ngay. Từ ngày có TSPL, bà con trong xóm hiểu biết hơn về kiến thức pháp luật, nên rất ít khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện”.
Chị Thái Thị Hà, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cho biết: Việc người dân đến đọc sách, nhất là các sách pháp luật đã giúp nâng cao nhận thức về pháp luật, từ đó họ chấp hành pháp luật nghiêm túc hơn. Bên cạnh đó, người dân còn tìm đọc những tài liệu về các tiến bộ kỹ thuật và những mô hình kinh tế mới để áp dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những bất cập và giải pháp
Hiện nay, có một thực tế là hầu hết các TSPL trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Theo đánh giá của các cán bộ quản lý TSPL, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Tủ sách thường đặt tại phòng làm việc của cán bộ tư pháp - hộ tịch nên không thuận tiện cho người dân trong việc tìm đọc. Hơn nữa, thời gian đọc sách theo quy định chủ yếu vào giờ hành chính, trùng với thời điểm lao động của bà con. Một thực tế khác là các cơ quan, đơn vị đều chưa có nguồn kinh phí riêng cho TSPL, gây khó khăn trong việc bổ sung đầu sách, nâng cấp trang thiết bị.
Vì vậy, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, tủ đựng sách bị hư hỏng nhưng chậm được thay mới. Trong khi đó, không ít xã, thị trấn chưa quan tâm bố trí xây dựng, bổ sung đầu sách theo quy định. Điều này dẫn đến thực trạng số lượng sách pháp luật ít, chưa phong phú, có những văn bản đã cũ, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Ở một số địa phương, đơn vị, cán bộ ít quan tâm đến việc tuyên truyền, giới thiệu các loại sách pháp luật hiện có cho người dân. Công tác quản lý cũng như phục vụ, khai thác tủ sách chưa thực sự được chú ý do cán bộ đa số là kiêm nhiệm. Ngoài ra, hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người dân có thể khai thác thông tin trên mạng internet một cách nhanh chóng, thuận tiện, dẫn đến các TSPL ít được chú ý. Cùng với đó, các văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi nhưng TSPL chưa thể cập nhật kịp thời do thiếu kinh phí, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, cần bố trí kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác TSPL ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng cần tìm ra hướng phát huy hiệu quả mô hình này. Hàng năm, cần quan tâm hỗ trợ, bổ sung thường xuyên đầu sách mới để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của TSPL. Tăng cường tổ chức giới thiệu nội dung sách, báo, tài liệu mới trên các bản tin, loa truyền thanh nội bộ; vận động cán bộ, nhân dân tìm hiểu tài liệu pháp luật; tổ chức nói chuyện chuyên đề giới thiệu sách, báo, tài liệu pháp luật…
Bên cạnh đó, TSPL nên đặt tại nhà văn hóa hoặc trung tâm học tập cộng đồng để thuận tiện cho người dân. Việc quản lý sách, báo, tài liệu phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Cán bộ phụ trách, quản lý tủ sách cần xây dựng quy chế hoạt động của tủ sách, trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phê duyệt, niêm yết quy chế tại địa điểm đặt TSPL. Cần phải tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý TSPL; có chính sách quan tâm tới cơ sở vật chất, điều kiện làm việc…
Sở Tư pháp cần phối hợp với Sở Tài chính tiến hành rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện công tác xây dựng, quản lý, duy trì TSPL; đồng thời thực hiện chi trả kinh phí rà soát, bổ sung, cập nhật và luân chuyển sách cho cán bộ phụ trách tủ sách theo Thông tư 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Hiện nay, số lượng công báo nhận được qua nhiều năm là quá lớn. Phần lớn TSPL của các đơn vị cấp xã không còn chỗ để lưu trữ. Thiết nghĩ, nên có văn bản hướng dẫn thời gian lưu trữ, tiêu hủy đối với tài liệu pháp luật lâu năm. Ngoài ra, việc xây dựng TSPL điện tử cũng là một cách làm hay trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
TSPL đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, việc chưa phát huy hết hiệu quả của tủ sách đã gây lãng phí cả về mặt kinh tế lẫn thông tin, tri thức. Nếu áp dụng những giải pháp phù hợp, chắc chắn, TSPL sẽ trở thành cẩm nang hữu ích đối với mọi người.