Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201510/y-nghia-tu-cuoc-thi-suu-tam-sang-tac-tro-choi-dan-gian-640877/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201510/y-nghia-tu-cuoc-thi-suu-tam-sang-tac-tro-choi-dan-gian-640877/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ý nghĩa từ cuộc thi sưu tầm, sáng tác trò chơi dân gian - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 12/10/2015, 14:42 [GMT+7]

Ý nghĩa từ cuộc thi sưu tầm, sáng tác trò chơi dân gian

(Congannghean.vn)-Ở lứa tuổi trẻ thơ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng gắn bó với những trò chơi dân gian, những câu hát ru của bà, của mẹ. Những trò chơi, câu hát ấy không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo và sức khoẻ dẻo dai mà còn bồi đắp tâm hồn trẻ, hiểu và yêu thêm nền văn hóa dân tộc, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Những trò chơi dân gian luôn thu hút trẻ mầm non
Những trò chơi dân gian luôn thu hút trẻ mầm non

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vừa qua, Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi “Tìm hiểu, sưu tầm, sáng tác các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca” vào các hoạt động cho trẻ ở bậc mầm non. Cuộc thi là một trong những nội dung của phong trào được các trường mầm non hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình.

Thông qua những làn điệu dân ca mượt mà, những trò chơi dân gian vui nhộn, hấp dẫn, các em có cơ hội được rèn luyện về mặt thể lực, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ, tạo nên sự gắn bó giữa trẻ với mọi người.

Trên tinh thần đó, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã phát động các trường mầm non trong tỉnh tổ chức sưu tầm, sáng tác, khai thác các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca ở địa phương để lồng ghép vào các hoạt động giáo dục.

Cuộc thi nhanh chóng thu hút sự tham gia của các Phòng Giáo dục. Từ kết quả sưu tầm của các trường, năm học 2014 - 2015, đã có 15 Phòng GD&ĐT tập hợp và cho ra đời cuốn tài liệu “Trò chơi dân gian và làn điệu dân ca”, phục vụ cho hoạt động giáo dục mầm non trên địa bàn.

Ngoài việc sưu tầm, các giáo viên mầm non còn sáng tạo nhiều trò chơi mới, sáng tác lời mới theo các làn điệu dân ca. Hàng trăm trò chơi dân gian, hàng chục làn điệu dân ca ba miền, làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An đã được lưu giữ trong các tài liệu.

Phòng Giáo dục TP Vinh được đánh giá là đơn vị hưởng ứng tích cực nhất cuộc thi tìm hiểu do Sở GD&ĐT Nghệ An phát động. Theo đó, đã có 100% trường mầm non tham gia, trong đó có 17 trường có tác phẩm tiêu biểu tuyển tập “Các bài hát dân ca - Trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non”.

Với việc dày công sưu tầm và sáng tác dựa trên lời mới cho các làn điệu phù hợp với lứa tuổi mầm non, đến nay đã sưu tầm được 98 trò chơi dân gian và 25 làn điệu dân ca. Bà Lê Thị Phương, Phó phòng Mầm non, Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm, sáng tác các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca ở bậc học mầm non là hoạt động rất bổ ích, có ý nghĩa thiết thực, có tính giáo dục cao nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, bồi đắp vốn văn hóa dân gian, tăng cường khả năng sáng tạo của giáo viên, góp phần xây dựng phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo. Phương châm “Học mà chơi, chơi mà học” luôn được quán triệt trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc học mầm non.

Từ điệu hát dặm “Nhớ trường”, theo làn điệu dân ca Nam Bộ được Trường Mầm non Cửa Nam sáng tác, hay điệu hát “Ý trẻ thơ” của Trường Mầm non Hưng Dũng 2 đến những làn điệu dân ca ví, giặm như “Vui ngày hội”, “Bé yêu làn điệu dân ca”... được trẻ rất yêu thích.

Ngoài ra, những trò chơi dân gian đã rèn luyện cho trẻ sự dẻo dai, khéo léo. Đơn cử như trò “Bỏ giẻ”, được các cô giáo Trường Mầm non Bình Minh sưu tầm đã rèn luyện tính tự chủ và bình tĩnh khi chơi, hình thành và rèn luyện cho trẻ khả năng phán đoán và phản xạ nhanh. Hay trò “Đầu voi đuôi chuột” ở Trường Mầm non Hoa Hồng lại giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, phát huy tính hài hước của trẻ; trò “bịt mắt bắt dê” rèn luyện thính giác, khả năng phán đoán...

Như vậy, có thể thấy, việc tìm hiểu, sưu tầm, sáng tác các trò chơi dân gian và các làn điệu dân ca ở bậc học mầm non đã phát huy ý nghĩa, hiệu quả thiết thực. Vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã tặng Giấy khen cho 10 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi.

.

Phan Tuyết

.