Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201510/nang-cao-chat-luong-giao-duc-qua-day-va-hoc-chu-mong-639582/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201510/nang-cao-chat-luong-giao-duc-qua-day-va-hoc-chu-mong-639582/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao chất lượng giáo dục qua dạy và học chữ Mông - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 05/10/2015, 08:59 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng giáo dục qua dạy và học chữ Mông

(Congannghean.vn)-Từ lâu, người Mông sử dụng chữ viết của dân tộc mình như một phương tiện để giao tiếp. Sau một thời gian bị mai một, loại chữ viết này lại được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng các bản người Mông. Ở Nghệ An, những năm trở lại đây, tại các trường tiểu học đã triển khai dạy chữ Mông cho học sinh dân tộc Mông. Điều này không chỉ giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp mà các thầy cô giáo hiểu hơn về học trò, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy học.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm học 2005 - 2006, tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã tiến hành đưa chữ Mông vào giảng dạy tại các trường tiểu học có học sinh dân tộc Mông. Đến nay, chương trình dạy và học chữ Mông đã được triển khai tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Chương trình dạy học theo sách giáo khoa dân tộc thiểu số do Bộ GD&ĐT ban hành trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tế, Phòng GD&ĐT các huyện miền núi đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy chữ Mông.

Lớp dạy chữ Mông tại Trường Tiểu học Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn
Lớp dạy chữ Mông tại Trường Tiểu học Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

Cứ vào thứ 7 hàng tuần, không khí tại lớp học chữ Mông ở Trường Tiểu học Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn lại rộn ràng, háo hức. Từng nét chữ được các em nắn nót, các thầy cô giáo giảng bài với sự tập trung cao độ. Thầy giáo Trần Danh Hanh chia sẻ: “Những lớp học này là lớp dạy chữ viết dân tộc Mông chứ không phải dạy tiếng. Bản thân tiếng Mông vốn là tiếng mẹ đẻ của các em, vì thế học sinh tiếp xúc với loại chữ viết này rất nhanh và có sự tiến bộ rõ rệt...”.

Là ngôi trường triển khai việc dạy chữ Mông từ rất sớm, đến nay, việc dạy học loại chữ này tại Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn được duy trì đều đặn. Năm 2006, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, Trường đã thực hiện một cách bài bản việc mở lớp dạy chữ Mông, triển khai cho các em học sinh từ các lớp 3, 4, 5, mỗi tuần 4 tiết theo chương trình do Bộ GD&ĐT cung cấp. Hiện nay, nhằm đảm bảo chất lượng dạy chữ Mông cho các em học sinh, 100% thầy cô giáo của Trường đã có chứng chỉ tiếng Mông do Trung tâm GDTX huyện Kỳ Sơn đào tạo.

Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn cho biết, Trường có thầy Hiệu phó Lầu Bá Tu là người Mông, là một trong những người chịu trách nhiệm đào tạo tiếng Mông cho các thầy cô giáo trong huyện. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức xây dựng chương trình bộ môn tiếng dân tộc Mông, các tài liệu dạy học cần thiết, tổ chức trò chơi, các bài hát truyền thống...

Điều mà thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa lấy làm hạnh phúc là mỗi lần lên lớp được chứng kiến niềm vui, sự háo hức của các em học sinh. Chính sự đam mê, thích thú với việc học chữ viết dân tộc mình của các em đã, trở thành động lực để các thầy cô thêm yêu nghề và gắn bó với mảnh đất này. “Là giáo viên cắm bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói chuyện, chỉ sau một thời gian, tôi đã có thể nói được tiếng Mông, tiếng Thái. Được đào tạo, bồi dưỡng chữ viết theo các mẫu câu mà đồng bào dân tộc Mông nơi đây sử dụng nên bây giờ, không chỉ riêng bản thân tôi mà hầu hết các giáo viên của Trường đều có thể nói, viết và dạy tiếng Mông”, thầy giáo Hoàng Văn Quang, giáo viên cắm bản Huồi Xái 1, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 chia sẻ.

Có thể thấy, dân tộc Mông là dân tộc có nhiều nét văn hóa độc đáo. Việc dạy chữ Mông cho con em đồng bào dân tộc này ở các trường tiểu học đã hô trợ rất lớn cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học văn hóa. Đồng thời, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc, hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc, miền núi.

.

Phan Tuyết

.