(Congannghean.vn)-Đi lễ hội đầu năm để cầu an, xin lộc đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Sự gia tăng về số lượng lễ hội cũng như thực trạng hoạt động lễ hội trong những năm gần đây đã khiến nét đẹp đó dần bị mai một, nhiều lễ hội bị biến tướng.
Vui, buồn lễ hội đầu năm
Hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là lễ hội dân gian. Từ bao đời nay, lễ hội như sợi dây gắn kết cộng đồng, là không gian văn hóa linh thiêng đưa nhân dân tìm về với cội nguồn dân tộc; vừa tưởng nhớ công ơn của người đi trước, cầu mong những điều tốt lành trong năm mới, vừa là nơi để người dân được thưởng thức, hoà mình vào các trò chơi dân gian. Mùa lễ hội 2015 vừa mới khởi động nhưng những hình ảnh không đẹp, “chướng tai, gai mắt” đã xuất hiện tràn lan. Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để “cướp” lễ xuất hiện ở không ít các lễ hội. Hình ảnh dòng người chen chúc trên các con đường ở các địa điểm diễn ra lễ hội khiến du khách thập phương và người dân “ngao ngán”.
Dịp này, các lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Trần (Nam Định)... thu hút hàng triệu khách thập phương. Thế nhưng, không phải ai đi lễ cũng hiểu được thần tích, giá trị văn hóa, ý nghĩa của lễ hội đó. Bởi thế, hàng năm, cứ vào lễ hội đền Trần, hàng nghìn người ùn ùn kéo đến, dẫm đạp lên nhau để xin ấn, thậm chí cướp ấn để được thăng quan, tiến chức. Rồi hàng trăm thanh niên tranh cướp nhau dẫn tới hỗn chiến để “cướp lộc” tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), cầu mong may mắn, tài lộc cho gia đình. Từ ngày mồng 10 tháng Giêng đến cuối tháng 3 âm lịch, hàng nghìn lượt người hành hương về chùa Yên Tử, Quảng Ninh. Thế nhưng, việc chen lấn, xô đẩy nhau cùng với tình trạng bát nháo của dịch vụ hàng quán, đổi tiền lẻ, ăn xin... đã làm mất đi sự linh thiêng vốn có nơi cửa chùa.
Không những thế, người ta còn tìm mọi cách để chứng minh “lòng thành kính” của mình, dùng tiền lẻ cọ xát, dắt vào tượng Phật, “hối lộ” thần linh, đốt vàng mã nghi ngút, chưa kể đến việc ăn uống, hưởng lộc nhồm nhoàm, xả rác bừa bãi... Tất cả tạo thành một “bức tranh” văn hóa hỗn loạn, xô bồ.
Người ăn xin ngồi la liệt trước cổng Đền Hoàng Mười |
Đừng làm xấu lễ hội
Tại Nghệ An, năm nay sẽ diễn ra 25 lễ hội, trong đó có 17 diễn ra vào đầu Xuân với nhiều lễ hội lớn như lễ hội đền Vua Mai, lễ hội đền Cờn... Dịp này, các đền, chùa ở Nghệ An đón hàng trăm nghìn lượt khách ở trong và ngoài tỉnh, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy lẫn nhau. Trong đó, không khó để bắt gặp cảnh nhiều người đi hành lễ ăn mặc hở hang, phản cảm. Chưa kể các du khách còn vô tư xả rác bừa bãi. Dọc đường lên chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), đâu đâu cũng thấy đủ các loại rác. Nhất là tại các dòng suối, rác ứ đọng khiến việc thu gom rác của những người dọn vệ sinh rất khó khăn.
Do đã được dẹp bỏ và chấn chỉnh nghiêm nên tình trạng ăn xin tại đền, chùa đã giảm đáng kể nhưng vẫn chưa triệt để, đơn cử như tại đền Hoàng Mười, ngay ở lối đi dẫn vào đền, người ăn xin từ cụ già đến trẻ nhỏ ngồi la liệt trông vô cùng nhếch nhác và phản cảm. Dọc đường vào đền, dịch vụ viết sớ mọc lên như nấm, các thầy cúng thì đua nhau chào mời. Nực cười hơn, giữa các thầy còn tranh giành khách dẫn đến xô xát. Tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), mặc dù Ban Quản lý chùa đã có bảng giá quy định dành cho các dịch vụ viết sớ, thầy cúng nhưng nhiều du khách vẫn mặc cả nên mới có tình trạng các thầy “làm giá”. Ăn theo các trò chơi trong lễ hội, các hình thức đánh bạc diễn ra núp dưới nhiều trò chơi dân gian.
Vào mồng 5 Tết Nguyên đán vừa qua, lần đầu tiên, đền thờ Hoàng đế Quang Trung (TP Vinh) tổ chức phát thẻ ấn. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, ai cũng mong có một thẻ ấn của Hoàng đế để cả năm khỏe mạnh, bình an, may mắn. Bởi thế mà mọi người đã chen lấn, xô đẩy, tranh nhau để được phát ấn. Chứng kiến cảnh đó, không ít du khách lắc đầu ngao ngán. “Tôi cũng muốn có một thẻ ấn nhưng thấy đám đông tranh giành nhau quá nên thôi. Tôi nghĩ điều đó phần nào làm giảm đi sự linh thiêng vốn có nơi cửa đền cũng như hoạt động phát thẻ ấn”, một du khách cho biết.
Thiết nghĩ, đi lễ hội đầu năm phải xuất phát từ sự thành tâm trong mỗi con người. Diện mạo của văn hóa lễ hội chỉ có thể được xây dựng khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện yêu cầu chấn chỉnh hoạt động lễ hội. Chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo này, tăng cường công tác quản lý, giảm tần suất tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Việc làm này nhằm tiết kiệm ngân sách, khắc phục bệnh hình thức, phô trương và các tệ nạn ăn theo lễ hội.
.