Bài 4: Anh hùng xứ Nghệ trên chiến trường Điện Biên
*Bài 5: Người được chọn để "hỏi cung" tướng Đờ Cát và chuyện bây giờ mới kể
Ông Nguyễn Xuân Tính là lính công binh nhưng với lợi thế thông thạo về tiếng Pháp, ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc và tướng Đờ Cát được dẫn giải ra khỏi hầm chỉ huy, ông đã được chọn làm phiên dịch để “hỏi cung” Đờ Cát. Cuộc phỏng vấn nhằm để kiểm tra tên tuổi, cấp chức, số hiệu sĩ quan của từng tên, đồng thời đem ảnh và chữ ký của chúng ra đối chiếu, nhằm xác định đúng là Đờ Cát trước khi bàn giao lại cho Bộ chỉ huy chiến dịch của ta để tiếp tục khai thác thông tin.
Điện Biên Phủ, thời khắc chiến thắng
Nguyễn Xuân Tính (SN 1930), quê ở Đông Sơn (Thanh Hóa), hiện đang sinh sống tại khối 13, phường Trung Đô (TP Vinh). 18 tuổi, Nguyễn Xuân Tính đã bước chân vào quân ngũ, phiên chế về Đại đoàn 312, đóng quân và chiến đấu tại thủ đô Hà Nội. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra và đi đến giai đoạn quyết định, cùng với 4 đơn vị khác, Đại đoàn 312 được lệnh hành quân lên tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Bắc. Ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 của ông Nguyễn Xuân Tính được lệnh đánh mở màn vào cứ điểm Him Lam - Độc Lập - Bản Kéo. Đại đội 58, Tiểu đoàn 428 do Phan Đình Giót chỉ huy có nhiệm vụ mở đường, rà phá bom mìn và phá hàng rào thép gai để bộ đội tiến lên tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong trí nhớ của ông Tính, đây là cứ điểm quan trọng, do một tiểu đoàn lính Âu - Phi chiếm giữ với hệ thống lô cốt dày đặc. Với quyết tâm bằng mọi giá phải thông đường để bộ đội tiếp cận lòng chảo Điện Biên, không ai bảo ai, tất cả anh em trong đơn vị đều đồng lòng chung sức, kiên trì bám trụ. “Ở trận đánh này, Pháp đã sử dụng súng hồng ngoại, sử dụng chất độc hóa học để làm mưa nhân tạo nên vùng lòng chảo Điện Biên gần như suốt cả thời kỳ diễn ra chiến dịch luôn nhão nhoét bùn đất”, ông Tính nhớ lại. Dẫu vậy, với tinh thần "đánh chắc, tiến chắc" và sử dụng nhiều cú đòn nghi binh chiến lược rất hiệu quả, trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - niềm tự hào của quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương hoàn toàn thất thủ. Đến 5 giờ 30 phút chiều 7/5, tướng Đờ Cát phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Ông Tính trên chiến trường Điện Biên Phủ Ông Nguyễn Xuân Tính hiện nay |
Cho đến bây giờ, đã 60 năm trôi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử được chọn là người “hỏi cung” tướng Đờ Cát ngay sau khi tên này đầu hàng, ông Nguyễn Xuân Tính vẫn còn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp, lo lắng xen lẫn tự hào khi được giao trọng trách thiêng liêng này. Ông Tính cho biết, lúc 5 giờ 30 phút ngày 7/5, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng một số chiến sĩ khác xông vào hầm chỉ huy, bắt sống Đờ Cát rồi giải về Sở chỉ huy của Đại đoàn 312. Lúc bấy giờ, vấn đề đặt ra là phải có những thông tin cần thiết về lý lịch của Đờ Cát và một số quan năm, quan tư trước khi dẫn giải chúng về thị xã Tuyên Quang để bàn giao cho Bộ Quốc phòng. Nguyễn Xuân Tính trước lúc ra chiến trường đã học qua lớp đệ tứ nên biết nhiều về tiếng Pháp, đã được chọn để “hỏi cung” tướng Đờ Cát ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Cuộc “hỏi cung” với tướng Đờ Cát
Ông Tính nhớ lại, Đờ Cát lúc ấy đội mũ ca lô, mặc quân phục sĩ quan Pháo mùa hè, bộ quân phục vẫn còn thơm mùi vải và nguyên nếp gấp. Đại tướng Lê Trọng Tấn, lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Đại đoàn 312 cho phép Đờ Cát và bộ tham mưu của chúng được ngồi xuống. Nhiệm vụ của Nguyễn Xuân Tính lúc bấy giờ là phiên dịch lại quá trình hỏi cung giữa Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng như một số cán bộ trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 và tướng Đờ Cát.
- Ông và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm” và chính ông đã cho máy bay rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy đã giăng sẵn của ông ở Điện Biên Phủ. Nay ông nghĩ thế nào về nơi đó?
Đờ Cát không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói một cách chua chát: Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài.
- Các ông đánh giá thế nào về lực lượng pháo binh của mình ở Điện Biên Phủ và Pi-rốt - chỉ huy pháo binh của các ông đã tuyên bố: Chỉ cần phản pháo 10 phút thì pháo của Việt Minh phải câm họng và sau 2 ngày pháo các ông sẽ nghiền nát chúng tôi?
- Chúng tôi không ngờ các ngài đem pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả nên đã áp chế được pháo của chúng tôi.
- Có phải do không nghiền nát được chúng tôi nên Đại tá Pi-rốt đã tự “nghiền nát” mình bằng một quả lựu đạn?
- Vâng, Pi-rốt đã dũng cảm tự kết liễu đời mình.
- Ông đã nhận được điện của Đại tướng Na-va cho phép các ông thực hiện kế hoạch An-ba-tơ-rốt, phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?
- Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm.
- Không phá vòng vây, nghĩa là các ông phải chịu thất thủ và phải đầu hàng, các ông biết điều đó từ khi nào?
- Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và khi cho dạo dàn nhạc Staline thì chúng tôi biết giờ phút thất thủ đã đến. (Dàn nhạc Staline là cụm từ quân Pháp ám chỉ các dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô sản xuất, có sức nóng hàng nghìn độ và sức công phá rất lớn được bộ đội ta sử dụng vào thời điểm cuối cùng của chiến dịch).
Cuộc hỏi cung kết thúc tại đây. Tướng Đờ Cát và toàn bộ chỉ huy địch sau đó được dẫn giải về Tuyên Quang để bàn giao cho Bộ Quốc phòng. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, anh lính Nguyễn Xuân Tính trở về địa phương rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hoàn thành xong chương trình đại học, ông trở về công tác tại Quân khu 4, phụ trách văn hóa toàn quân khu và mảng khoa học quân sự, rồi làm văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Lý do ông bén duyên với mảnh đất xứ Nghệ gió Lào cát trắng là tình yêu của cô giáo Trần Thị Minh Lý níu kéo. Trong số 5 cô con gái của hai ông bà, chỉ duy nhất chị cả là theo nghiệp bố, hiện là Trung tá quân đội, còn lại đều theo mẹ làm nghề giáo viên.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”)