Việc Hội đồng Quốc gia (HĐQG) giáo dục vừa thông qua 2 đề án quan trọng liên quan tới công tác đổi mới giáo dục, gồm: Đề án thành lập Ủy ban Quốc gia (UBQG) đổi mới GD-ĐT do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và đề án “Xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015”, ...đang thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội.
Người dân đang kỳ vọng gì vào việc ra đời của UBQG quan trọng này, liệu hoạt động của nó có đưa ra được những “quyết sách” thiết thực nhằm tạo nên một diện mạo mới hoàn toàn cho bức tranh ngành giáo dục Việt nam hay không?.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED):
Việc kiến tạo “ngôi nhà giáo dục” Việt nam cần qui tụ được những chuyên gia dạng “Tổng công trình sư” về giáo dục.
Để Ủy ban hiệu quả và thực chất thì vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ chọn người và cơ chế hoạt động. Giới giáo dục đang kỳ vọng thành phần UB sẽ có những chuyên gia có tầm và có tư tưởng tiến bộ, cùng một cơ chế hoạt động tốt để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả nhất cho đổi mới giáo dục. Nếu phần lớn thành viên UB không phải là những chuyên gia có tầm mà là quan chức cơ cấu thì khó mà có nhiều hy vọng được. Ta có thể thể hình dung kiến tạo một nền giáo dục cũng như xây một tòa nhà. Nếu như (HĐQG) giáo dục và phát triển nhân lực là “chủ đầu tư” thì UBQG đổi mới giáo dục này sẽ là “tư vấn thiết kế và giám sát thi công”. Vậy UB này cần có những dạng chuyên gia sau: Chuyên gia dạng “tổng công trình sư” để có thể thiết kế tổng thể bản vẽ chi tiết cho tòa nhà giáo dục (những người này cần am hiểu cả về triết lý giáo dục lẫn quản trị giáo dục, ở tầm vi mô lẫn vĩ mô); Chuyên gia chuyên ngành trong từng lĩnh vực như chuyên gia về móng, chuyên gia bê tông,… (những người này thường là các các nhà giáo dục và các nhà khoa học chuyên ngành). Và UB cũng nên tập hợp các chuyên gia độc lập bên ngoài nhà nước, chuyên gia quốc tế và cả Việt Kiều tâm huyết. Lâu nay chúng ta vẫn chú trọng chuyên gia chuyên ngành, nhưng dường chưa để ý nhiều đến chuyên gia dạng “tổng công trình sư”. Do vậy, cho nên dù có nhiều chuyên gia giỏi nhưng vẫn là “giỏi thấy cây”, chứ không phải là “giỏi thấy rừng”, trong khi đó thì cần phải thấy rừng trước khi thấy cây. Nếu kỳ này khắc phục được điều này thì UB sẽ đóng góp được nhiều cho Hội đồng. UB cần thành lập được nhiều nhóm chuyên gia tư vấn cụ thể, như: Nhóm tư vấn về giáo dục đại học, giáo dục công dân, đào tạo giáo viên, Nhóm tư vấn về quản trị trường học...giúp việc cho lãnh đạo UB và lãnh đạo HĐQG ra quyết định.
Về đổi mới sách giáo khoa, UB cần ra chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường và nhà giáo lựa chọn, chứ không chỉ có một bộ sách duy nhất như hiện nay. Cần thống nhất được tư tưởng giáo dục, mục tiêu giáo dục, từ đó hình thành chương trình khung cho từng cấp học, từng lớp học, rồi từng môn học. Trong chương trình khung của từng cấp, từng lớp và từng môn lại làm rõ mục tiêu, nội dung và cách thức. Tức là SGK cần làm rõ học để làm gì, học cái gì để đạt mục tiêu đó và học như thế nào. Có thể thấy trong nhiều SGK hiện nay do các nhà khoa học chuyên ngành biên soạn mà thiếu vắng các nhà giáo dục nên dẫn đến tình trạng là nhà toán học thì soạn SGK môn toán như thể muốn HS trở thành nhà toán học sau này, chứ không phải học toán để góp phần trở thành con người khai phóng… học văn thì muốn HS thành nhà văn… Và đó cũng chính là lý do làm cho chương trình phổ thông trở nên quá nặng nề, xa rời những mục tiêu giáo dục cơ bản của toàn bộ nền giáo dục phổ thông. Một cuốn SGK môn giáo dục công dân hấp dẫn cần làm rõ tất cả các câu hỏi trước khi biên soạn, như: Giáo dục công dân là gì? Tại sao HS cần học giáo dục công dân? (mục đích học)? cần học những nội dung gì? Lớp nào, cấp nào sẽ học những nội dung nào và cách thức học ra sao để đạt được mục tiêu của môn giáo dục công dân...Nếu khi làm SGK không theo tư duy và trình tự như vậy thì cho dù có đổi mới bao nhiêu lần đi nữa cũng vẫn cứ xa vời với thực tế và nhu cầu của người học. Tôi hy vọng UB sẽ khắc phục được những sai lầm trước đây cải thiện chất lượng và giá trị của SGK.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM:
Nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể mà UBQG sẽ được giao , số lượng, chất lượng hoạt động là điều giới giáo dục quan tâm.
Điều mà chúng ta mong đợi sắp tới là nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể mà UBQG sẽ được giao, số lượng, cũng như chất lượng các nhân sự chuyên trách của UBQG. Chính phủ đã thành lập 1 HĐQG giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 vậy UBQG này được thành lập là sự kế tục HĐQG với chức năng, nhiệm vụ chính mang tính tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ... Điều khó giải thích ở đây là cả hai đều do Thủ tướng làm Chủ tịch, song nhiệm vụ của các hai tổ chức này là đều tư vấn tham mưu cho Thủ tướng về cùng một vấn đề “Giáo dục”? Theo tôi, một UB có người đứng đầu là Thủ tướng chính phủ là rất tốt, và nó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề , song có khá nhiều câu hỏi đặt ra là: Nếu HĐ và UB đều có người đứng đầu là Thủ tướng thì trong nhiệm vụ có cần phải tham mưu cho Thủ tướng và chính phủ? Chức năng và nhiệm vụ của HĐ và UB lúc đó phải xem xét lại.
Theo tôi, Thủ tướng có thể là chủ tịch HĐ là rất tốt, nhưng không nên là Chủ tịch UB để tránh trường hợp thất bại có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm Quốc tế thì người đứng đầu một UBQG giáo dục có thể là người đứng đầu chính phủ hay người đứng đầu quốc gia hay là một vị cố vấn ...song cái đó không quan trọng bằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà UB đó được giao. Mục tiêu của việc thành lập UB này là gì? Nhiệm vụ cụ thể là gì, phải rất rõ ràng và hoạt động trong thời hạn bao lâu, có gắn với nhiệm kỳ của các thành viên trong công tác Nhà nước? Nên lưu ý, thường ở các nước trên thế giới người ta đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các thành viên và tiêu chí đầu tiên là có đủ uy tín và đức độ vào UBQG.
Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh:
Hy vọng từ nỗ lực của UBQG, những đổi mới lần này sẽ không lỗi nhịp!
Đổi mới giáo dục không cần tới người có Văn bằng, học vị cao, thành phần tham gia cần hội tụ được những người có “cái đầu” để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ”. Lâu nay, các Đề án, dự án cải cách giáo dục của ta vẫn chưa thoát được cái “ách” nặng tính “quan chức”. Tức những người có bằng cấp, học vị hoành tráng thường được đưa vào thành phần chính trong Hội đồng. Nhưng người nắm chuyên môn, trực tiếp am hiểu và biết cần thay đổi, cải cách ở khâu nào lại ít được ngó tới. Từ đây mới sinh ra chuyện các cải cách, đổi mới đưa ra không bắt nhịp thực tế, như “trên trời”.
Đối với đề án “Xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015”, con số thành viên trong HĐ này cần đông và người tham gia biên soạn phải là số giáo viên trực tiếp đứng lớp. Không thể làm theo cách soạn SGK như thời gian qua để khi tung ra thì không có gì gọi là cải cách. Nên lưu ý, vấn đề biên soạn SGK nhiều năm trước đây có qui định nghiêm ngặt từ biên soạn, tóm tắt, ứng dụng …là chỉ gói gọn trong: 3 trang. Biên soạn phải tạo điều kiện cho HS tự liên hệ được tới cuộc sống qua kiến thức học được; kiến thức được áp dụng ngay trong giờ học, cuối cùng là bài tập có ứng dụng, có bài đọc thêm … Tức nội dung biên soạn rất “căng”: ngắn, gọn, HS học xong trên lớp đã nắm được vấn đề. Phần biên soạn sau đó còn được đưa qua tập thể giáo viên dạy trực tiếp chuyên môn xem xét xem phù hợp hay không. Nên nếu SGK đổi mới không đạt được như vậy thì công cuộc đổi mới không thành công, HS vẫn quá tải, biên soạn vẫn vấp sai lầm này sang sai lầm khác.
.