Tuy nhiên, đến ngày 30/11, thời điểm khép lại mùa tuyển sinh năm 2012, nhiều trường ĐH, CĐ đã không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Không ít ngành học phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa do khan hiếm người học, gây ra sự lãng phí không nhỏ.
Đến ngày 30/11/2012, thời điểm cuối cùng Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung, rất nhiều trường đang rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở” do không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi những trường ĐH, CĐ thuộc “top” trên như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng… thường có điểm tuyển cao và khá dồi dào về nguồn tuyển do đã xây dựng được “thương hiệu” thì các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh.
“Cơn khát” thí sinh diễn ra khá gay gắt ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thuộc khu vực phía Nam. Chẳng hạn ĐH Tây Đô (Cần Thơ) có đến 3.000 chỉ tiêu nhưng chỉ mới tuyển được hơn 1.500 thí sinh; ĐH Tân Tạo (Long An) chỉ có 30 thí sinh trúng tuyển trong khi tổng chỉ tiêu được giao là 500…
Không chỉ ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tình trạng khan hiếm người học còn lan tới cả các trường ĐH công lập thuộc “top” dưới. Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh trong lần đầu công bố điểm trúng tuyển chỉ có 54 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên ở các ngành thi khối A (đủ điểm sàn xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT), trong khi chỉ tiêu của trường ở hệ ĐH là 800, hệ CĐ là 650, nhiều ngành học của trường chỉ lèo tèo 5 - 7 người trúng tuyển. Thiếu người học, một số ngành học thuộc các trường ĐH, CĐ cả trong và ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Đáng nói là, tình trạng “khát” thí sinh đã xảy ra trong các kỳ tuyển sinh ở một vài năm gần đây. Do không đủ nguồn tuyển theo chỉ tiêu được giao, không ít trường đã “xé rào” gửi giấy báo trúng tuyển cho cả những thí sinh không đăng ký xét tuyển vào trường mình học. Hệ quả là đã dẫn tới tình huống bi hài khi có thí sinh bỗng dưng nhận được nhiều tờ giấy báo nhập học mà không biết nên xử lý như thế nào.
Nhiều trường phải cho người đi phát tờ rơi cho học sinh vừa tốt nghiệp THPT để lôi kéo sinh viên - Ảnh minh họa
Không tuyển đủ người học đã trở thành nỗi lo canh cánh của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập dù mức điểm sàn trúng tuyển do Bộ GD&ĐT đưa ra không phải là quá cao.
Nhằm mục đích “vét” thí sinh, tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã tìm đủ mọi “chiêu thức” khác nhau để thu hút thí sinh: Có trường sử dụng giải pháp tặng tiền cho thí sinh và thưởng tiền cho đơn vị giới thiệu thí sinh vào trường học; có trường còn sẵn sàng chi mạnh tay, cấp toàn bộ học phí trong năm học đầu, tài trợ tiền ăn, ở cho thí sinh.
Đại diện một số trường ĐH ngoài công lập cho rằng, chất lượng đào tạo sinh viên không phụ thuộc nhiều vào chất lượng đầu vào mà chủ yếu là do quá trình đào tạo. Mặc dù vậy, với chất lượng nguồn tuyển thấp và việc các trường chỉ chạy theo số lượng người học chắc chắn sẽ có tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của sinh viên, gây mất niềm tin trong dư luận xã hội.
Tình trạng không tuyển đủ thí sinh, nhất là đối với những trường ĐH ngoài công lập đã được dự báo khi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt trường ĐH, CĐ mới ồ ạt ra đời. Nhiều ngành học mới cũng được cấp phép mở tràn lan đã dẫn tới hiện tượng “cung” vượt quá “cầu”.
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 440 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Số trường ĐH mới mở tăng nhanh kéo theo tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc mỗi năm đều tăng xấp xỉ 10%, trong khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm trong một vài năm gần đây.
Số thí sinh tuyển mới hàng năm là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại của cơ sở đào tạo, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của trường. “Cuộc đua” cạnh tranh về việc thu hút sinh viên giữa các trường cũng vì thế mà ngày càng trở nên quyết liệt.
Đáng nói là, trong số các trường ĐH ngoài công lập, còn có nhiều trường chưa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, chuẩn đầu ra của sinh viên bị xem nhẹ, chất lượng sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Thời gian qua, một số địa phương tuyển dụng công chức đã từ chối tiếp nhận sinh viên học tại chức hoặc các trường ngoài công lập, nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ chất lượng đào tạo còn bộc lộ lắm bất cập.
Để không còn xảy ra tình trạng “khát” thí sinh như trong những kỳ tuyển sinh vừa qua, bản thân mỗi trường cần nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên, từng bước tạo dựng thương hiệu để thí sinh tự tìm đến đăng ký dự thi. Trong đó, đầu tư về chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phải được xác định là khâu then chốt.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các trường ĐH mới được thành lập, có chế tài xử lý nghiêm, thậm chí buộc đóng cửa đối với những trường không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập trường ĐH. Đây cũng là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh chất lượng bậc giáo dục ĐH, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ quá trình phát triển đất nước.
Bùi Minh Tuấn
.