Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24922-thay-co-giao-lam-them-kiem-song-393607/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24922-thay-co-giao-lam-them-kiem-song-393607/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thầy, cô giáo làm thêm kiếm sống - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/12/2012, 08:19 [GMT+7]
24922

Thầy, cô giáo làm thêm kiếm sống

Những thầy giáo, cô giáo đã hơn 10 năm công tác trong ngành. Lương giáo viên hợp đồng ít ỏi, để trang trải cho cuộc sống của bản thân, gia đình, những con người đầy nhiệt huyết yêu nghề, vừa bám trụ với trường lớp vừa kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Đó là tình trạng chung của nhiều giáo viên hợp đồng hiện nay ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh có hơn 3.600 giáo viên hợp đồng dôi dư ở các cấp. Thực trạng này đang khiến các cấp ngành liên quan, nhất là ngành giáo dục Nghệ An “đau đầu” tìm lời giải. Để trả lương cho trên 3.600 giáo viên kể trên, mỗi năm tỉnh Nghệ An phải chi khoảng trên 80 tỷ đồng từ nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho ngành giáo dục.
 
Do vậy, một số khoản chi đầu tư khác cho giáo dục đều phải cắt bỏ để dành cho quỹ lương. Nguyên nhân của sự dư thừa này, theo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An là do số lượng học sinh tiểu học giảm mạnh trong những năm qua. Năm 2000, Nghệ An có 423.000 học sinh nhưng đến năm 2009 giảm 45%, chỉ còn 243.000 và đến năm học 2010-2011 còn trên 230.000 em.
 
Ngoài ra, từ năm 1996 đến năm 2004, chủ tịch UBND một số huyện, thị xã đã ồ ạt tuyển hàng trăm giáo viên dạng hợp đồng, thậm chí hiệu trưởng các trường cũng có quyền nhận người. Hậu quả là hàng trăm giáo viên được tuyển dụng sau một thời gian đành “ngồi chơi xơi nước” hợp đồng với đồng lương thấp đã tìm thêm việc làm khác để tăng thu nhập cho gia đình mình.
 
Dẫu khó khăn, thầy Trần Duy Lĩnh vẫn đến trường đều đặn mỗi ngày
 
Câu chuyện về thầy giáo buôn trâu ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương khiến chúng tôi rất tò mò. Tìm về trường Tiểu học Đại Sơn 1, chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều về cuộc sống của thầy cô giáo nơi đây. Với mức lương khởi điểm 1.050.000 đồng, những thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Đại Sơn 1 sống rất chật vật, tiết kiệm dè xẻn từng đồng.
 
Để có thêm nguồn thu nhập, những ngày hè không lương các thầy cô giáo đã phải theo xe đi buôn lạc ra Diễn Châu, lên tận Kỳ Sơn mua trâu về bán. Khổ cực quá, nhiều thầy cô đành chấp nhận đi xa lên miền núi để vớt vát thêm đồng lương cho mình. Không giống như thầy Lưu chấp nhận lên tận Kỳ Sơn tiếp tục hành trình “gieo chữ” với mong muốn sẽ có thêm nguồn thu nhập, thầy Trần Duy Lĩnh (SN 1979), giáo viên chủ nhiệm lớp 5D cố bám trụ nơi mảnh đất này, bởi thầy sinh ra và lớn lên ở đấy.
 
Tốt nghiệp trường sư phạm Nghệ An, năm 2001, thầy Lĩnh về quê được nhận vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Đại Sơn 1. Đã 11 năm trôi qua, lương vẫn chỉ có 1.050.000 đồng. Cô Dương Thị Tùng, vợ thầy, nhân viên y tế học đường, lương còn ít hơn chồng, chỉ có 830.000 đồng. Cuộc sống khốn khó khiến thầy Lĩnh, cô Tùng phải làm thêm đủ nghề. Không chỉ làm ruộng, vợ chồng thầy còn nuôi lợn, nuôi gà để tăng thêm nguồn thu nhập.
 
Nhắc đến chuyện đi buôn trâu, thầy Lĩnh ngại ngùng: “Kể ra thì ngại lắm nhưng cuộc sống cơ cực quá. Cũng may Đại Sơn có chợ trâu bò nên cũng dễ dàng trong việc buôn bán. Vào dịp hè, thầy Lĩnh cùng thầy Đường đi theo xe lên tận Kỳ Sơn để mua rồi đem về bán. Vào dịp này, phục vụ cho công tác giảng dạy không thể theo xe đi được, bọn mình thường ra chợ chọn mua một vài con về chăm vỗ béo chừng vài tháng lại bán. Con nào lời thì được dăm bảy trăm, bình thường thì vài ba trăm cũng bán. Có khi gặp rủi ro, như dịch bệnh hay gặp phải trâu ốm coi như lỗ trắng".
 
Sinh năm 1978, nhưng thầy giáo Nguyễn Hải Đường, năm nay về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đại Sơn 2 lại kinh qua nhiều nghề. Là giáo viên, nhưng thầy từng đi buôn lạc, cắm câu, buôn trâu... đây lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm 2001, hai vợ chồng thầy được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Đại Sơn 1, với mức lương được huyện trả là 194.000 đồng/tháng.
 
Sau đó nhà trường cho thêm 6.000 đồng nữa để tròn 200.000 đồng. Cuộc sống khốn khó với đồng lương ít ỏi, thầy cùng với thầy Lĩnh rủ nhau mua lạc ở Đô Lương chở ra Diễn Châu bán cho các đại lý, thế nhưng thị trường gặp khó khăn, giá cả lại đắt đỏ, nên hai thầy quyết định bỏ nghề buôn lạc, mà chuyển sang đi buôn trâu. Biệt danh “thầy giáo buôn trâu” không hay cho lắm nhưng cuộc sống mưu sinh chẳng còn cách nào khác.
 
Không phải là dân gốc nên thầy Đường không thạo về tướng trâu bò. Qua bạn bè mua rồi bán, thạo lúc nào không hay. Nhờ đó mà đến nay, vợ chồng thầy đã có nhà để ở, chấm dứt cuộc sống ở tập thể tại trường.
 
Cũng giống như các thầy cô giáo dạy bậc tiểu học, ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh còn đó rất nhiều thầy cô vẫn đang hợp đồng ngày ngày kiếm thêm việc làm, mong mỏi đợi chờ một điều kỳ diệu. Cô Trần Thị Loan (SN 1959), trước là kế toán của nhà máy chè Long Sơn. Năm 1998, cô chuyển sang hợp đồng bên ngành giáo dục.
 
14 năm làm kế toán tại Trường THCS Long Sơn, huyện Anh Sơn đến nay cô vẫn là một giáo viên hợp đồng, mặc dù cô đã chuẩn bị nghỉ hưu. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, thầy Đặng Bá Hoàn (SN 1978), về công tác tại Trường THCS Long Sơn, Anh Sơn. Với mức lương khởi điểm 830.000 đồng, nay lên đến 1.700.000 đồng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
 
Bàn bạc với vợ, thầy vừa đi dạy một vài tiết vừa tận dụng quãng thời gian ở nhà vào dịp hè chăn nuôi gà vịt, nhận 4 ha rừng trồng cây gây giống phát triển kinh tế. Hay như thầy Nguyễn Văn Tài (SN 1980), giáo viên dạy môn lịch sử tại trường THCS Tường Sơn, Anh Sơn, đã quyết định cùng vợ làm thêm nghề lắp màn khung để có thêm nguồn thu nhập...
 
Có thể thấy, trong những năm qua, việc tuyển dụng giáo viên tại Nghệ An còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, hàng năm ngành sư phạm của tỉnh, sinh viên vẫn tốt nghiệp đều đều, gây nên sức ép việc làm rất lớn. Nhằm hạn chế tình trạng dôi dư giáo viên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã quán triệt với các trường kể từ thời điểm này, yêu cầu Kho bạc không thanh toán nguồn cho hợp đồng mới, chấm dứt tình trạng hợp đồng tùy tiện như thời gian qua. Sự ổn định lâu dài, đó là điều mà các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm mong mỏi hiện nay.

Phan Tuyết
.