Củng cố “sức mạnh cứng”
Sau khi lệnh trên được đưa ra, ngay trong chiều 28/3, dưới sự chỉ huy của Tổng thống Putin, quân đội Nga đã huy động 36 tàu chiến từ các căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol (Ukraina) và Novorosisk (Nga), một số máy bay chiến đấu và khoảng 7.000 nhân viên quân sự tham gia các cuộc tập trận kéo 3 ngày ở các khu vực lãnh hải của Nga trên biển Đen.
Đích thân Tổng thống Putin chỉ đạo cuộc tập trận (Ảnh Ria Novosti) |
Trước đó, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập trận bất ngờ ở các khu vực miền Trung và bên trong các khu vực lãnh thổ Nga. Ông Valeri Gerasimov, Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Nga, cho biết nhờ cuộc tập trận quân đội Nga đã phát hiện một số lỗi hệ thống và nhiều yếu kém.
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù trong các khái niệm về chính sách đối ngoại vừa được công bố và sửa đổi tháng trước, Nga khẳng định chính sách đối ngoại của nước này sẽ tập trung vào các yếu tố "sức mạnh mềm" nhưng thông qua các cuộc tập trận này, Nga đang thể hiện các yếu tố "sức mạnh cứng" nhằm bảo vệ vị thế của mình ít nhất trong thời gian trước mắt. Và quyết định tập trận ở biển Đen được đưa ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là bức thông điệp khẳng định các lực lượng vũ trang Nga đủ mạnh để duy trì vai trò địa chính trị của họ và sẵn sàng đối phó với các kịch bản chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai.
Nhà phân tích Fyodor Lukyanov, Biên tập viên tạp chí "Nước Nga trong các vấn đề quốc tế", nói các cuộc diễn tập “có khả năng là một phần trong một nỗ lực lớn hơn nhằm tái khẳng định rằng các lực lượng quân sự và hải quân của Nga tại phía Nam vẫn có khả năng đảm nhận vai trò chính trị và địa chính trị. Nga đang phô trương sức mạnh và có thể nước này còn nhiều việc phải làm với những gì đang diễn ra tại Địa Trung Hải và xung quanh Syria hơn là tại Biển Đen".
Cuối tháng trước, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các nhà lãnh đạo quân sự cần thúc đẩy các lực lượng vũ trang đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong vài năm tới để ngăn cản những nỗ lực của phương Tây nhằm phá vỡ thế cân bằng sức mạnh. Ông còn yêu cầu không được thông báo trước cho các đơn vị về cuộc diễn tập để các sỹ quan, binh lính luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Những cái đích khác
Theo các chuyên gia phân tích, cùng với việc phô trương sức mạnh quân sự của Nga, cuộc tập trận này là một dấu hiệu cho thấy chiến lược trở lại Địa Trung Hải của Nga - nơi mà Moscow không thể đủ sức duy trì các tàu chiến thường trực.
Tàu chiến Nga tham gia tập trận trên biển Đen (Ảnh Ria Novosti) |
Trên thực tế, những diễn biến gần đây tại Trung Đông và cuộc nội chiến ở Syria đã khiến Nga phải chú ý nhiều hơn đến Địa Trung Hải. Đáng chú ý, tương lai của căn cứ hải quân của Nga ở Tartus (Syria) – căn cứ hải quân duy nhất của Nga nằm ngoài không gian Liên Xô cũ – vẫn rất bất định trong bối cảnh các nỗ lực của Nga nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua ở Syria vẫn đang bế tắc, trong khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng bị cô lập về ngoại giao. Do vậy, gần đây, Moscow đã quyết định bố trí nhiều tàu chiến thường trực ở khu vực này để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Mặt khác, thông qua cuộc tập trận này, điện Kremlin cũng muốn phát đi một thông điệp rằng các nước ven biển Đen cần nhanh chóng xem xét và đi đến một thỏa thuận với Nga về mối quan hệ liên khu vực và bảo vệ sự ổn định trên biển Đen.