Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận trực tuyến về dự án Luật CSCĐ. |
Theo đó, sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh CSCĐ, lực lượng này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với CSCĐ ngày càng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật nên cần thiết xây dựng, ban hành Luật CSCĐ.
Dự thảo Luật CSCĐ gồm 05 chương, 31 điều. Trong đó, dự thảo Luật xác định 07 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ và 07 quyền hạn của CSCĐ.
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, "ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng", trong đó có lực lượng CSCĐ. Các đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa nội dung về bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau 07 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật CSCĐ. |
CSCĐ là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; việc huấn luyện và thực thi nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng cao. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật CSCĐ là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Các đại biểu khẳng định, dự thảo Luật CSCĐ phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cũng như tính khả thi của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị: cần làm rõ đặc điểm, tính đặc thù, những điểm khác biệt của lực lượng CSCĐ trong Công an nhân dân; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp giữa các quy định tại luật này với Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các luật liên quan để tránh chống chéo, mâu thuẫn, trong đó có quy định về quyền hạn của CSCĐ....
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật CSCĐ, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm đối với dự án Luật. Đồng thời cho biết, Bộ Công an sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật CSCĐ. |
Thứ nhất, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự án Luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của CSCĐ và các nội dung khác sao cho chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.
Thứ hai, về phạm vi hoạt động của CSCĐ: Với vị trí chức năng là lực lượng thuộc Công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của CSCĐ được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đó, CSCĐ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp, kịp thời xử lý những vụ việc, những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng giải quyết các vụ việc có liên quan đến an ninh quốc gia như tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các băng ổ nhóm tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ cho thấy, các vụ việc không chỉ xảy ra các tỉnh, thành phố lớn mà còn xảy ra ở các tỉnh, khu vực miền núi, biên giới. Đặc biệt, có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, nhiều thành phố.
Thứ ba, về nhiệm vụ của CSCĐ: Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ và bổ sung những nhiệm vụ CSCĐ đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an, để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo Luật xác định 07 nhóm nhiệm vụ của CSCĐ, trong đó bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp nhằm đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng CSCĐ. Vì trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ tác chiến theo đội hình với trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc quy định đầy đủ các nhiệm vụ CSCĐ tại dự thảo Luật, Bộ Công an cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Thứ tư, về quyền hạn, ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái tấn công xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ bảo vệ: Hiện nay, CSCĐ ở Trung ương, các địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, CSCĐ còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các Hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do CSCĐ bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh, trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do CSCĐ bảo vệ nói riêng. Ví dụ như những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao. Do vậy, theo Bộ trưởng Tô Lâm, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác, bảo vệ thì trong dự án Luật cần quy định thẩm quyền này cho CSCĐ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, đối với một số ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội về các nội dung cụ thể của dự án Luật, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2021 theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận. |
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật và ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra. Hồ sơ dự án Luật được soạn thảo, chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ và phiên họp trực tuyến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.