(Congannghean.vn)-Dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận Thành phố Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng và các bộ liên quan tiếp tục tăng tốc truy vết nguồn lây COVID-19.
Ảnh minh họa |
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng và các bộ liên quan phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ. Bộ Quốc phòng, nhất là Quân khu 5 khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Các Bộ: Y tế, Tài chính và các địa phương phải bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, trước hết là công cụ, phương tiện, vật tư phục vụ cho xét nghiệm trên diện rộng và cán bộ, lực lượng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tiếp tục tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng trước hết tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng.
Còn tại Thông báo 257/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 27/7/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn Thành phố trong ít nhất 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 28/7/2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.
Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định mức nguy cơ và biện pháp phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch đối với từng khu vực, địa bàn trên phạm vi thành phố.
* Văn bản hỏa tốc số 6082/VPCP-KGVX ngày 26/07/2020 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, nhằm kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 (Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 của Văn phòng Chính phủ).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch.
Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược này, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1- Tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
2- Hội đồng quy hoạch quốc gia tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14.
3- Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch.
4- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đảm bảo vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ hoạt động quy hoạch.
5- Nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán NSNN năm 2021
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2021 phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;...
Quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau: 1- Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; 2- Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Tập trung khắc phục hậu quả động đất
Ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 999/CĐ-TTg yêu cầu UBND tỉnh Sơn La và các Bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục hậu quả động đất.
Trong đó, UBND tỉnh Sơn La tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất; chủ động bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ (quân đội, công an, thanh niên, xung kích) hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại, đặc biệt là trường học, trạm y tế.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn (Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng), chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng
Ngày 27/07/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn.
Bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 11/2014. Nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế đối với những di sản được UNESCO vinh danh nói chung; làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong đời sống đương đại, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, thực hành và trao truyền Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng; từng bước phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật.
.