Không lâu sau khi quyết định hướng xử lý vướng mắc liên quan Luật BHXH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục thị sát và chỉ đạo một vấn đề khác cũng hết sức nóng bỏng cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thủ tướng khẳng định: Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ không để đồng bào bị khát, bị đói; về dài hạn, sẽ có những giải pháp, phương án để ứng phó tình trạng hạn hán. |
Thực ra, câu chuyện chống hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ không phải đến khi Thủ tướng vào làm việc mới được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm. Thế nhưng, có lẽ không có báo cáo nào, văn bản nào lột tả được hết sự khốc liệt của hạn hán, nói hết được tâm tư nguyện vọng của người dân.
Hình ảnh Thủ tướng xắn tay áo đứng đăm chiêu trên nền cát trắng khô rang, bên những can, những thùng mà người dân Ninh Thuận xếp hàng lấy được từ xe cứu hỏa chở nước cho thấy, tình hình thực tế rất cần sự thị sát và chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ.
Người xưa có câu “trông tin quan như trời hạn mong mưa”, đồng bào Nam Trung Bộ có lẽ cũng trông đợi như vậy những cam kết và hành động cụ thể của Nhà nước, được Thủ tướng khẳng định với đồng bào: Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ hỗ trợ đến từng hộ dân, không để đồng bào bị khát, bị đói; về dài hạn, sẽ có những giải pháp, phương án để ứng phó tình trạng hạn hán.
Câu chuyện ứng phó với hạn hán khiến nhiều người nhớ tới cách xử lý của Chính phủ trước một tình huống khác mới đây, khi nhiều công nhân đình công do không thuận với Luật BHXH mới. Vấn đề thiết thân khiến người lao động bức xúc đòi hỏi một thông điệp, một hướng giải quyết từ các cơ quan chức năng. Rất nhanh chóng, một thông điệp chính thức, rõ ràng từ phía Chính phủ, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của các công nhân đã giúp ngay lập tức ổn định tình hình.
Nhưng ý nghĩa của những chỉ đạo, quyết sách đó không dừng lại ở đấy.
Chăm lo cho an sinh xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, song trong những năm vừa qua, trước những biến động của tình hình kinh tế-xã hội, công tác này càng đặc biệt được coi trọng. Ngay cả khi những khó khăn kinh tế-xã hội lên đến đỉnh điểm như năm 2011, cần phải có những giải pháp đặc biệt để ổn định vĩ mô, thì an sinh xã hội vẫn không vì thế mà bị coi nhẹ trong Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những nhiệm vụ cấp bách.
Còn từ đầu năm 2015, khi tình hình kinh tế-xã hội đã chuyển biến hết sức tích cực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho an sinh xã hội, mà một thống kê sơ bộ có thể nói lên điều đó: Từ đầu năm đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã có trên dưới 10 cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trực tiếp bàn về các vấn đề an sinh xã hội.
Cụ thể, đó là sự kiện phát động chương trình quốc gia “Không còn nạn đói”, hội nghị về xây dựng nông thôn mới, hội nghị toàn quốc về giảm nghèo bền vững, các cuộc làm việc với các bộ, ngành về Đề án giảm quá tải bệnh viện, về lộ trình BHYT toàn dân, các cuộc làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Mới nhất, cuối tuần trước, Thủ tướng cũng chủ trì hội nghị về Chương trình xây nhà vượt lũ và rời vùng sông nước Cửu Long, ông trở ra ngay Nam Trung Bộ để chỉ đạo chống hạn…
Tần suất làm việc thật là dày đặc. Và nếu cần một sự so sánh, thì có lẽ chỉ những vấn đề mang tính đột phá lâu dài cho nền kinh tế, như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, cổ phần hóa DNNN, phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, mới nhận được sự quan tâm như thế của người đứng đầu Chính phủ. Cho dù, những chỉ đạo về an sinh xã hội thường “chìm khuất” hơn so với những vấn đề kinh tế.
Nhìn rộng hơn, hai chủ đề xuyên suốt, nổi bật qua những hoạt động của Thủ tướng thời gian qua - phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội – không chỉ song hành, mà còn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nói một cách ngắn gọn, thì đó chính là mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch, bình đẳng; còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…
“Nước xa không cứu được lửa gần”. Câu chuyện về BHXH hay thực trạng hạn hán ở Nam Trung Bộ hiện nay là những điển hình cho thấy công tác chỉ đạo điều hành ngày càng đòi hỏi phản ứng nhanh lẹ, khẩn trương. Hay nói chính xác hơn nữa, là đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa những yêu cầu trước mắt, cấp bách, sự vụ với những vấn đề căn bản, lâu dài.
Chủ trương, chính sách lâu dài về BHXH hay ứng phó biến đổi khí hậu đều đã tương đối hoàn chỉnh và mới đây, Thủ tướng cũng đã có những cuộc làm việc bàn về những vấn đề vĩ mô này. Nhưng hãy thử hình dung hậu quả sẽ ra sao, nếu vướng mắc cụ thể liên quan đến Luật BHXH, hay cơn khát của người dân vùng hạn hán Nam Trung Bộ không được lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết.
Thực tế đang đòi hỏi những chính sách và phản ứng chính sách an sinh với vai trò là “tấm lưới đỡ” hiệu quả, giúp xã hội đương đầu được với những diễn biến bất lợi bất ngờ - một bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Việc ứng phó hạn hán và giải quyết vấn đề BHXH, vì thế, có lẽ không chỉ mang ý nghĩa xử lý khủng hoảng nhất thời.
.